công nhân dệt may tại Việt Nam:
Đặc điểm ngành nghề dệt may tại Việt Nam
Ở Việt Nam, sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp và số lượng công nhân làm việc tại khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên đã dẫn tới hình thành các khu công nghiệp khu chế xuất tại các tỉnh và thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải
Phòng, Quảng Ninh. .. với sự mở đầu có hiệu quả của Khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). Tính đến cuối năm 2010, ở Việt Nam có 250 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 170 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động, thu hút 1,34 triệu lao động [47],[48].
Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua. Theo Tổng cục thống kê, năm 2018 ghi nhận doanh thu toàn ngành đạt 30,4 tỷ đô la. Hàng dệt may Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 thị phần nhập khẩu tại Mỹ chỉ sau Trung Quốc [49]. Trong khoảng 5 năm gần đây 2012 – 2016, ngành dệt may liên tục có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trong cả nước với giá trị xuất khẩu đóng góp khoảng 15% vào GDP. Tốc độ tăng trưởng bình quân của xuất khẩu dệt may giai đoạn 1998 – 2016 đạt 17,7%/năm (tăng trưởng GDP cùng giai đoạn là 6,05%/năm). Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 26,7 tỷ USD. Theo niên giám thống kê 2015, số lượng doanh nghiệp ngành dệt may là 8.770 doanh nghiệp, chiếm khoảng 2% cả nước, trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp có quy mô > 5.000 người. Lực lượng lao động trong ngành có khoảng 1,6 triệu người, chiếm hơn 12 % lao động khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, thu nhập người lao động trong lĩnh vực dệt may chưa cao (lĩnh vực dệt: 5,6 triệu đồng/người/tháng, may: 5,0 triệu đồng/người/tháng), thấp hơn mức trung bình của các ngành kinh tế (6,3 triệu đồng/người/tháng) [50].
Lao động trong ngành dệt may chủ yếu là nữ (khoảng 80%) với tuổi nghề không quá cao. Công nhân phải làm việc với cường độ cao (thường 8 - 12 tiếng/ngày), đôi khi phải tăng ca, thêm giờ. Môi trường làm việc có nhiều yếu tố bất lợi như: nóng, thiếu sáng, bụi, ồn, hơi khí độc (nhất là các cơ sở dệt nhuộm). Bên cạnh đó, tính chất công việc đơn điệu, thao tác lặp đi 1ặp lại, tư thế làm việc gò bó ngồi nhiều hoặc đứng nhiều) không thuận lợi đã ảnh
hưởng nhiều đến tâm sinh lý của người lao động. Vấn đề sức khỏe đối với công nhân ngành dệt may cũng đáng quan tâm: các bệnh mắc chủ yếu do ảnh hưởng của môi trường và tính chất công việc là: bệnh tai mũi họng (chiếm 40-80%); bệnh đau đầu (75%), nhức mỏi cơ thể (56%); bệnh đau cột sống vùng thắt lưng (40-60%); ngoài ra là các bệnh về mắt (gần 20%), viêm da dị ứng (10-12%).… Tỷ lệ công nhân bị giảm cân sau một thời gian làm việc chiếm khoảng 56%, trong đó độ tuổi 30 chiếm đa số [51],[52], [53].
Tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu và năng suất lao động của công nhân
Do đặc thù lao động ngành dệt may phải tiếp xúc với nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới sức khỏe khiến cho người công nhân dễ mắc các bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó với thời gian làm việc dài, thời gian nghỉ giữa ca ngắn và chế độ dinh dưỡng không đảm bảo nên công nhân dệt may có nguy cơ cao bị thiếu năng lượng trường diễn và thiếu máu.
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Tú Anh và cộng sự nhằm đánh giá tình trạng thiếu máu và thiếu năng lượng trường diễn ở nữ công nhân tại khu công nghiệp nhẹ tỉnh Vĩnh Phúc năm 2012 đã chỉ ra tỷ lệ công nhân bị thiếu năng lượng trường diễn là 37,6% trong đó nhóm tuổi 20-24 là 30,2%, nhóm 25-29 là 28,7%, nhóm 30-34 là 25,8%; tỷ lệ thiếu máu là 21,9% [9].
Thiếu năng lượng trường diễn (CED) ở phụ nữ độ tuổi sinh sản là vấn đề sức khỏe cộng đồng, phổ biến ở các nước đặc biệt là Châu Á và châu Phi [54] . Thiếu máu dinh dưỡng là bệnh rất phổ biến tác động đến hàng tỷ người, đặc biệt tác động lớn đối với phụ nữ và trẻ em. Thiếu máu làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức [55], [56], [57].
Một nghiên cứu của tác giả Trần Thị Minh Hạnh khảo sát trên 402 công nhân nhập cư tại một khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho kết quả tỷ lệ thiếu máu của nhóm công nhân là 19,2% (nam giới 10,2%; nữ giới
24,4%). Tình trạng thiếu máu của công nhân ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ công nhân không biết cách phòng ngừa thiếu máu trên đối tượng nam và nữ lần lượt là 66,7% và 76,1%.
Theo thống kê của tổ chức lao động Quốc tế ILO thì năng suất lao động bình quân chung tại Việt Nam rất thấp nếu so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 30% của Malaysia, 40% của Thái Lan [58]. Bên cạnh những lý do về chất lượng nguồn nhân lực, các yếu tố liên quan đến chế độ đãi ngộ và các phúc lợi từ cơ sở doanh nghiệp về đời sống, sức khỏe của các công ty và doanh nghiệp với người lao động là một yếu tố gây tác động không nhỏ đến hiệu quả công việc và chất lượng các sản phẩm được tạo ra trong đó có việc chăm lo tới bữa ăn ca NLĐ [46]. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, gia tăng năng suất lao động.