Vét hạch trong cắt khối tá tụy

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu giá trị của cắt lớp vi tính đa dãy và kết quả cắt khối tá tụy, vét hạch chuẩn điều trị ung thư vùng đầu tụy (Trang 31 - 33)

1.3. CẮT KHỐI TÁ TỤY, VÉT HẠCH ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÙNG

1.3.2. Vét hạch trong cắt khối tá tụy

Yeo C J và cộng sự (2002) chỉ ra rằng: có thể chia thành 2 xu hướng là vét hạch tiêu chuẩn (standard lymphadenectomy) và vét hạch mở rộng (extended lymphadenectomy) ). Điều này cũng được sự đồng tình trong nghên cứu của Farnell M B và cộng sự (2005), mặc dù vậy một định nghĩa chính xác về cách thức thực hiện cho từng kỹ thuật cũng chưa thống nhất [58], [59].

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được tiến hành với cỡ mẫu lớn nhất đã được thực hiện ở Bệnh viện Johns Hopkins (Hoa Kỳ) bởi Yeo và cộng sự

(2002), các tác giả so sánh qua 146 trường hợp vét hạch tiêu chuẩn và 148 bệnh nhân được vét hạch mở rộng điều trị ung thư vùng đầu tụy, kết quả cho thấy sự khác nhau về biến chứng phẫu thuật và thời gian sống sau mổ không có ý nghĩa thống kê [58].

Nimura và cộng sự (2012) đã công bố một thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm tại Nhật Bản. Kết quả với 112 bệnh nhân (56 trường hợp ở mỗi nhóm), các tác giả nhận thấy thời gian phẫu thuật, số hạch lấy được và lượng máu mất trong mổ ở nhóm vét hạch mở rộng nhiều hơn nhóm vét hạch tiêu chuẩn. Tuy

nhiên, không thấy sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về biến chứng và thời gian sống thêm sau mổ ở cả 2 nhóm [60].

Năm 2014, Hội nghị đồng thuận của Hội Nghiên cứu Phẫu thuật Tụy Quốc tế (ISGPS) đã vận dụng cách đặt tên hạch của Hội Tụy học Nhật Bản và đưa ra định nghĩa “vét hạch tiêu chuẩn” trong cắt khối tá tụy là lấy bỏ các nhóm hạch 5, 6, 8a, 12b1, 12b2, 12c, 13a, 13b, 14a, 14b ở bờ phải, 17a, 17b.

Vét hạch mở rộng” gồm vét hạch tiêu chuẩn cộng thêm vét toàn bộ nhóm 8, 9, 12, 14, 16a2, 16b1 (vét hạch vùng thêm vào đó vét hạch cạnh động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ dưới cùng tổ chức mỡ quanh thận (cân Gerota)).

Sau khi nghiên cứu y văn và lấy ý kiến đồng thuận của Hội nghị, ISGPS (2014) đã khuyến cáo không nên vét hạch mở rộng trong cắt khối tá tụy vì không đem lại lợi ích về thời gian sống sau mổ. Thêm vào đó việc lấy hạch nhóm 8p và 16b1 cũng không được khuyến cáo tiến hành thường qui [12].

Sperling và cộng sự (2016), so sánh lâm sàng ngẫu nhiên được thực hiện với 66 bệnh nhân (34 vét hạch tiêu chuẩn và 32 vét hạch mở rộng). Các tác giả nhận thấy nhóm bệnh nhân vét hạch mở rộng có số hạch lấy được nhiều hơn (25 ± 12 so với 14 ± 8; p < 0.001). Tỷ lệ sống sau 9 tháng và 18 tháng lần lượt ở nhóm vét hạch tiêu chuẩn là 76,5% và 55,6%; ở nhóm vét hạch mở rộng là 68,8% và 46,9% [61].

Nghiên cứu phân tích tổng hợp của Wei Wang và cộng sự (2019) qua 8 thống kê với 687 bệnh nhân, tác giả nhận thấy vét hạch mở rộng không làm cải thiện thời gian sống thêm mà làm tăng các biến chứng sau mổ. Vét hạch mở rộng có thời gian mổ dài hơn (469,84 phút so với 354,85 phút), tỷ lệ biến chứng sau mổ cao hơn ( 35% so với 28.8%), tỷ lệ ỉa lỏng kéo dài sau 3 tháng cao hơn (45,1% so với 18,2%). Không những vậy, nhóm vét hạch mở rộng không cải thiện thời gian sống thêm sau mổ (HR: 0.78-1.15, p=0.61) [62].

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu giá trị của cắt lớp vi tính đa dãy và kết quả cắt khối tá tụy, vét hạch chuẩn điều trị ung thư vùng đầu tụy (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)