- 12 Tôi Muốn Gì
Trở Về Với Bản Thân Trong Yên Lặng
Một hôm có chàng thanh niên thơ thẩn đi ngang qua một đan viện tình cờ gặp một đan sĩ đang kín nước tại giếng trong vườn. Người thanh niên đến gần đan sĩ và tò mò hỏi:
- Thưa cha, cha học được gì qua một đời sống yên lặng giữa nơi hoang vu này.
Ðan sĩ vui vẻ nói với người thanh niên: - Cậu hãy nhìn xuống giếng, cậu thấy gì? Vừa nhìn xuống giếng cậu vừa nói: - Thưa cha, con không thấy gì cả.
Cả hai đều đứng yên lặng bất động bên bờ giếng. Một lúc sau, đan sĩ lại nói với chàng thanh niên:
- Bây giờ cậu hãy nhìn xuống giếng một lần nữa. Cậu thấy gì chăng?
Chàng thanh niên vâng lời nhìn vào mặt nước dưới đáy giếng một lần nữa, và chàng nói:
- Thưa cha, bây giờ thì con thấy gương mặt của con hiện rõ trên mặt nước. Ðan sĩ mỉm cười vỗ vai người thanh niên và nói:
- Khi tôi giòng giây thả thùng xuống giếng thì mặt nước bị xáo động, nên cậu không trông thấy gì. Bây giờ mặt nước trở lại yên lặng như tờ thì cậu thấy rõ gương mặt của cậu. Cũng vậy, chính trong sự yên lặng của tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ hơn dung mạo của chúng ta.
(Ferrero Bruno, Il canto del grillo, LDC, p. 64).
Bạn thân mến, yên lặng là điều kiện cần thiết để cầu nguyện, để chiêm niệm, để gặp gỡ bản thân, gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân, và để tái khám phá ra ý nghĩa đời sống con người. Yên lặng bên ngoài mà thôi chưa đủ. Có những lúc trong đời, chúng ta cảm thấy cần để ra một thời gian lâu dài hơn, xa cách mọi người, và những công việc thường ngày, để tâm hồn lắng dịu trong sự yên lặng, để hướng nhìn lên Chúa và để lắng nghe lời Ngài.
Không thiếu chi những nhà chính trị, những thương gia, đàn ông, đàn bà đủ mọi giai cấp đã can đảm tạm gác công việc làm ăn thường ngày, lui vào nơi tĩnh mạc, trong yên lặng để suy tư, để cầu nguyện, để nhắm hướng trước khi chọn điều quyết định quan trọng trong đời họ.
Nhưng để có thể nhận định đúng ý nghĩa đời mình cần phải biết đối chiếu với những câu hỏi căn bản của người có lý trí. Ðó là, tại sao tôi sinh ra trên đời này? Làm thế nào để có thể đạt tới hạnh phúc? Bên kia sự chết còn có gì đợi chờ tôi chăng? Những người khác có liên quan gì với tôi chăng? Ðời sống tôi có ý
75
nghĩa gì đối với người khác không? Thiên Chúa có chỗ đứng nào trong đời sống tôi? v.v... Vậy làm sao có thể sống với tinh thần trách nhiệm, suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng những vấn đề trên đây nếu không biết dành để cho mình những giờ phút yên lặng để nhìn lại kinh nghiệm bản thân? Bầu khí yên lặng làm lắng dịu tâm hồn khác nào mặt nước phẳng lặng trong suốt có thể nhìn thấu tận dưới đáy sâu. Chắc đã có lần bạn tự cảm nghiệm hoặc nghe bạn bè than tiếc sau những ngày tĩnh tâm trong yên lặng rằng, chính lúc mới bắt đầu đi sâu vào đời sống, làm quen với sự lặng tĩnh, bắt đầu ưa thích cầu nguyện và suy tư, lại là lúc phải ra về!
Tạo bầu khí yên lặng bên ngoài là điều tương đối dễ, nhưng để tạo bầu khí yên lặng nội tâm đòi hỏi nhiều thời giờ và cố gắng hơn. Tạo bầu khí đối thoại với Chúa còn khó hơn nữa và đó là hồng ân lớn cần phải khiêm tốn cầu xin Ngài. Nhìn vào đời sống thực tế, các nhà lực sĩ hoặc những người muốn tham gia các cuộc đua tài, một tuần lễ trước khi ra tranh tài, họ thường lui vào nơi yên tĩnh để tập dượt kỹ càng hơn, để học hỏi đường lối và nghệ thuật của đối thủ, để lấy lại sự quân bình của thể xác cũng như tinh thần. Vậy nếu người ta có thể dành để ra một ít thời giờ để sửa soạn một cuộc tranh tài, thì tại sao lại không có thể dành ra một ít thời giờ để cầu nguyện, để chuẩn bị cuộc chiến tinh thần, để nhắm hướng đi cho cuộc sống mình?
Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng, thời gian yên lặng tự nó không có giá trị gì nếu không có sự cố gắng và thiện chí cá nhân, cũng như ý chí đi sâu vào ý nghĩa đời sống mình. Hơn nữa, như cây cối cần nhiều thời giờ để tăng triển, để tiến tới trên con đường phát triển đời sống và sự quân bình tình thần cũng cần nhiều kiên nhẫn và bền tâm luyện tập. Thành công đó còn tùy thuộc những hoàn cảnh bên trong cũng như bên ngoài của mỗi người. Có người tiến nhanh, người khác lại chậm bước hơn. Ðối với những người quá xa lạ với nội tâm họ, tâm hồn họ quá lạnh lẽo, thì thời gian yên tĩnh họa hiếm đó khác nào que diêm đốt lên trong đêm tối giá lạnh của cuộc sống. Nếu không được tiếp tục thêm củi lửa tia sáng đó sẽ rất mau tàn rồi tắt lịm. Còn những ai đã có sẵn lửa trong tâm hồn, thì những giờ phút yên lặng đó càng làm cho lửa thêm cháy bừng và bốc cao.
Chính những ngày tĩnh tâm, những giờ phút yên lặng trải qua với tất cả thiện chí và sự nghiêm chỉnh đã đánh dấu một khúc quẹo mới trong đời sống của nhiều bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ đã phải sung sướng thốt lên:
- Bây giờ tôi mới bắt đầu hiểu tại sao đời sống tôi thật đẹp, thật đáng sống, sống vì lý tưởng nào, sống cho ai và sống vì ai.
- Thực sự tôi bắt đầu khám phá ra ý nghĩa đời sống người tín hữu là gì và thế nào là trở nên môn đệ Chúa Kitô?
- Từ hôm nay đây Ðức Kitô sẽ giữ một chỗ đặc biệt trong đời sống tôi, và tôi sẽ nhường lại chỗ ưu tiên trong đời tôi cho Ngài.
Có nhiều cách và nhiều hình thức để tận dụng những giờ phút yên tĩnh: hoặc một mình, hoặc cùng với một nhóm, theo một chương trình định sẵn cho mình,
76
và cũng không một chương ttrình rõ ràng chi tiết. Những người khác lại thích có thêm những lúc cầu nguyện chung, hoặc trao đổi chia sẻ với người khác. Ðiều quan trọng là có đủ thời giờ để tiếp xúc với thực tại nội tâm của chính mình và để lắng nghe tiếng Chúa hoặc trong đáy lòng, hoặc qua trung gian của Lời Chúa, hoặc một vị linh hướng tinh thần.
Thánh sử Matthêu viết, sau khi được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho tại sông Giođan, Thánh Linh đưa Chúa Giêsu vào sa mạc, Ngài ở đó 40 đêm ngày, ăn chay, cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha trước khi khởi sự công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước trời cho dân chúng.
Thánh sử Luca cũng thuật lại việc các tông đồ cùng với Ðức Maria thân mẫu Chúa Giêsu tụ họp nhau trong nhà Tiệc Ly, cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Linh ngự xuống trên họ trước khi ra đi rao giảng Tin Mừng về Chúa Kitô phục sinh.
Thánh tông đồ Phaolô sau ngày té ngựa trên đường đi đến thành Ðamasô để bách hại các tín hữu Kitô đã được Ðức Kitô chinh phục hoàn toàn, nhưng ngài cảm thấy cần phải đào sâu hơn ý nghĩa cuộc trở lại của mình và cần gặp gỡ Chúa Kitô một cách sâu xa hơn, nên đã lui vào sa mạc bên Ả Rập để ăn chay cầu nguyện và tìm hiểu thánh ý Chúa cho sứ mạng tông đồ mới của người.
Trải qua mọi thời đại, sự yên tĩnh và cầu nguyện vẫn là cái nôi, là bầu khí thích hợp và hữu hiệu nhất để rèn luyện và hun đúc những nhân vật quan trọng đã biết sống đời sống của mình tới mức sung mãn và hoàn hảo. Chẳng hạn như thánh Augustin, Ignazio Loyola, Francesco Savirio, Antonio Maria Claret và Charles de Foucauld.
Mai An
Thứ Tư, ngày 8/11/1995
- 29 -