Tuổi Trẻ, Sứ Giả Của Lòng Khiêm Tốn Chân Thành

Một phần của tài liệu NoiVoiGioiTre (Trang 90 - 93)

- 12 Tôi Muốn Gì

Tuổi Trẻ, Sứ Giả Của Lòng Khiêm Tốn Chân Thành

Kết thúc buổi sinh hoạt nhóm trong một dịp linh thao với các bạn trẻ, cha linh hướng mời các bạn trẻ trả lời trên một trang giấy câu hỏi này:

- Tại sao tôi hành động?

Sau đây là câu trả lời của một thanh niên trong nhóm, quý danh là Daniel, một thanh niên có vóc người cao lớn, tính tình hồ hởi, hoạt bát nhưng thường có mặc cảm tự ty, thích được người khác chú ý tới mình. Cậu viết:

- Nếu tôi trả lời rằng tôi hành động vì mình và cho mình, thì thực sự tôi là người dối trá. Nếu tôi sống chỉ vì mình thì tôi đâu còn phải lo nghĩ đến những người khác đang nhìn tôi. Trên thực tế, mỗi khi làm việc gì mà không được ai chú ý tới, hoặc không được ai khen ngợi, tôi có cảm tưởng như mình đã chẳng làm gì hết vậy. Nếu sự dửng dưng đó được lặp lại ngày này qua ngày khác, hết môn học này đến môn giải trí khác, hết giáo sư này rồi tiếp tới giáo sư khác, rốt cục tôi sẽ không còn sức chịu đựng được nữa, tôi sẽ chỉ làm cho qua chuyện, và sau cùng bỏ xuôi luôn mọi việc, vì mất hết mọi hứng khởi. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình: Tại sao tôi phải làm việc này, việc nọ nếu không được ai lưu tâm tới? Cũng không ai vỗ tay khen ngợi? Tôi có cảm tưởng như ở trong một sân vận động đầy người xem biểu diễn các môn thể thao, nhưng không một ai vỗ tay khen ngợi các biểu diễn viên cả.

Vì thế, tôi thiết tưởng là điều rất quan trọng trong đời sống mỗi người, bằng cách này hay cách khác, khi này hoặc khi khác, có người nói với chúng ta những lời khích lệ như, can đảm lên, cố gắng lên chút nữa sẽ thành công, đừng bận tâm lo nghĩ, v.v...

Các bạn nghĩ gì về những lời tự thú chân thành của Daniel trong câu trả lời trên đây? Phải chăng đó cũng là phản ảnh não trạng và cách sống của nhiều người trong xã hội dưới mọi bầu trời?

91

Dĩ nhiên trên bình diện nhân loại, một cách thực tế chúng ta phải nhận rằng chúng ta chưa là thánh sống, cũng không phải là người siêu biệt đến nỗi không còn thiết chi đến cảm nghĩ của người khác. Tất cả mỗi người đều cần đến những lời khích lệ chân thành, sự quý mến và trọng dụng của người khác để được thêm lòng tự tin và giúp chúng ta phát triển tài khiếu riêng, cũng như đào luyện nhân cách. Những lời khen ngợi chân thành, đúng lúc, đúng chỗ là như gậy chống đỡ trên bước đường lữ hành trần gian, là như ngụm nước mát giữa sa mạc nắng cháy để lấy lại sinh lực tiến bước tới đích điểm.

Tuy nhiên, có điều nguy hại cần phải cẩn thận đề phòng và xa tránh tức là sống vì lời khen ngợi của người khác, là để cho tham vọng được trở thành nhân vật nổi tiếng nên như lẽ sống của mình, là đồng hóa phẩm giá của mình với những tràng pháo tay, những lời hoan hô của người khác. Người sống trong sự lệ thuộc hoàn toàn vì quan niệm lời khen, tiếng chê của người khác là người đang thụt lùi trên tiến trình phát triển tâm lý và nhân bản.

Tham vọng được người đời khen ngợi thường kéo theo một cám dỗ nguy hại khác nữa là tính khoe khoang, thích phô trương. Nó là cảm bẫy rất nguy hiểm cho các bạn trẻ, là những người chưa đạt tới sự quân bình nội tâm và chín chắn trong cách suy tư. Họ cảm thấy áy náy bất an nếu không được người khác chú ý tới, hoặc được khen ngợi trong các việc họ làm. Tiếc thay, những người khờ dại chạy theo những tràng pháo tay, những tiếng hoan hô của người khác thật giống như người đuổi bắt hương khói, chẳng mấy chốcc sẽ bị mất hút trong không khí.

Tính khoe khoang và lòng ham thích phô trương là căn bệnh ung thư tinh thần được khôn khéo che kín dưới sự bảo trợ của các phương tiện truyền thông xã hội đượm màu thương mại. Xã hội hưởng thụ của chúng ta là xã hội của mọi thứ tranh tài, đua sắc. Nào là về mặt văn chương, khoa học, thể dục, thể thao, tài nghệ, sắc đẹp, và cả đến tài ăn nhiều, uống say nữa. Thêm vào đó, các đài phát thanh, các đài truyền hình, báo chí, tranh ảnh là sân khấu cho các cuộc tranh tài đó. Tất cả đều là như những mũi dùi luôn kích thích sự đói khát danh vọng thầm kín trong thâm tâm mỗi người.

Chúng ta cũng không thể bỏ qua việc thần tượng hóa thân xác con người đang trở nên như một thứ tôn giáo tại nhiều nơi trên thế giới. Biết bao là bận tâm và chi phí vô ích để tẩm bổ cho thân xác, để khỏi mất đường nét, để được ngưỡng mộ, để được vui hưởng. Ðó cũng là những mối lo lắng áy náy của các bạn trẻ, đến nỗi họ mù quáng dại dột liều mạng sống mình để giữ lấy đường nét của thân xác.

Dĩ nhiên thân xác và sự sống con người là hồng ân của Chúa và là giá trị phải được coi trọng đúng mức, thế nhưng tôn thờ thân xác như thần tượng quả là điều phản lại giá trị thánh thiêng của con người. Tức là đảo ngược bậc thang giá trị và là căn nguyên những sự bất an trong đời sống con người.

Cám dỗ của tính kiêu ngạo là khí cụ thông dụng nhất ma quỷ thường dùng để tấn công con người. Ngay từ thời nguyên thủy trong vườn địa đàng, ma quỷ đã thành công trong việc làm cho nguyên tổ nhân loại sa ngã, phạm tội bất tuân

92

lệnh Chúa, cũng là vì đã biết khôn khéo vuốt ve nịnh bợ tính kiêu ngạo, lòng ham danh vọng muốn lên bằng Chúa. Trong tân ước, ma quỷ cũng không tha cho Chúa Giêsu. Thánh sử Matthêu thuật lại một trong 3 cám dỗ ma quỷ đã dùng để tấn công Chúa Giêsu như sau:

Ma quỷ đem Người đến thành thánh và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng - Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá" (Mt 4:5-6).

Chúa Giêsu đã thẳng thắn khước từ cạm bẫy của ma quỷ khi Ngài tuyên bố: "Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi" (Mt 4:7).

Qua lời giảng dạy và gương đời sống của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận thấy rõ mẫu người mà Ngài muốn cống hiến cho con người là mẫu người căn cứ trên thực chất, trên nhân phẩm, chứ không phải trên những cái giả tạo bên

ngoài, trên những gì sở hữu. Biết bao lần Chúa Giêsu đã trốn tránh khỏi đám đông dân chúng, tìm đến nơi hoang vắng cầu nguyện thân mật với Chúa Cha, vì Ngài biết rõ dân chúng sẽ tuốn đến tôn Ngài làm vua. Khi rao giảng tin mừng Nước Trời và giá trị phúc âm khác hẳn với giá trị của người đời, khi báo trước cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Ngài đã quá rõ các môn đệ và dân chúng sẽ phản ứng thế nào, họ sẽ nhạo cười Ngài thay vì hoan hô: thế nhưng Ngài vẫn giữ vững lập trường và không lùi bước.

Ngài còn cảnh cáo dân chúng phải khôn ngoan đề phòng sự lựa gạt của những thầy giả dối ham danh vọng, thích cầu danh. Thánh sử Matthêu viết:

Bấy giờ Ðức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pharisiêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói, thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm... Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rapbi" (Mt 23:1-7).

Trái lại sự cao cả mà Ngài rao giảng cho dân chúng là sự cao cả của tinh thần phục vụ, của sự khiêm tốn, của sự bé nhỏ. Tuy là Con Thiên Chúa, Ngài đã tự nguyện đến trần gian không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình vì phần rỗi của nhân loại. Vì quả thật, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên (Lc 14:11).

Mai An

93

- 35 -

Một phần của tài liệu NoiVoiGioiTre (Trang 90 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)