Đứng ở góc độ doanh nghiệp thì việc kinh doanh bao gồm rất nhiều giai đoạn phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật cũng như kinh nghiệm quản lý,…tuy nhiên, mẫu số chung của kinh doanh cả xưa lẫn nay đều phụ thuộc rất lớn vào cách hành xử và chữ tín trên thương trường, ở đây khi Việt Nam gia nhập sân chơi quốc tế, thực tế còn đòi hỏi ở doanh nghiệp sự gắt gao hơn nữa trong việc nắm bắt kiến thức pháp luật, quy định, tập quán thương mại và ứng xử của doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Theo ông Trương Hữu Thông “doanh nghiệp khai thác, sản xuất và xuất khẩu tôm phải nghiên cứu, nắm bắt và thực hiện nghiêm các quy định nhập khẩu mặt hàng tôm của các nước nói chung và EU nói riêng, bởi thành hay bại trong xuất khẩu tôm hay rộng hơn là kinh doanh quốc tế phụ thuộc chủ yếu vào cách hành xử của doanh nghiệp”.
Về phần mình, các doanh nghiệp chế biến tôm cần đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng sử dụng tối đa công suất, áp dụng công nghệ tự động hoá nhằm tối thiểu chi phí nhân công trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm chế biến. Giảm chế biến thô và gia công sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng (các mặt hàng nhóm HS 1605).
Đa dạng hoá các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường các nước Châu Âu trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh của mặt hàng tôm Việt Nam. Phát triển chuỗi giá trị của mặt
hàng tôm thông qua kết hợp giữa đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và thương mại hoá sản phẩm. Khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng.
Ứng dụng tiến bộ công nghệ, khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản tôm như: công nghệ cấp đông siêu nhanh, sấy chân không thăng hoa, sấy khô bức xạ hồng ngoại, công nghệ enzyme, công nghệ bảo quản thuỷ sản bằng phương pháp ngủ đông,…Đặc biệt, công nghệ nuôi tiên tiến thế giới như nuôi tuần hoàn, nuôi nước chảy, nuôi trong nhà, kỹ thuật biofloc… được ứng dụng rộng rãi. Đặc biệt, công nghệ biofloc được ứng dụng rộng rãi ở các địa phương ven biển để nuôi tôm nước lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao và phòng chống được một số bệnh trên tôm nuôi, giảm ô nhiễm môi trường... Hiện đã có hơn 2.000 cơ sở NTTS ở gần 50 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật này. Năng suất nuôi tăng bình quân 5,6 lần/năm trong giai đoạn 2011-2019, đặc biệt từ năm 2016 đến nay.
Ngoài ra doanh nghiệp cần lưu ý về việc tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống các quy định, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Châu Âu để hạn chế tối đa việc hàng hoá xuất khẩu không được nhập khẩu hoặc phải chịu các chế tài của Châu Âu do tái phạm nhiều lần.