Lợi nhuận có thể xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chính sách chi trả cổ tức của các công ty. Những công ty phát sinh thua lỗ thường không có khả năng chi trả cổ tức. Trong nghiên cứu kinh điển của mình, Lintner (1956) đã phát hiện ra rằng thu nhập ròng của công ty là một yếu tố quan trọng quyết định đến chính sách chi trả cổ tức. Hơn nữa, một số nghiên cứu đã ghi nhận mối quan hệ đồng biến giữa lợi nhuận và chính sách cổ tức (Jensen và cộng sự (1992), Fama và French (2002)). Bằng chứng từ các thị trường mới nổi cũng cho thấy rằng lợi nhuận là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định chính sách cổ tức (Adaoglu (2000), Aivazian (2003)).
Lý thuyết Trật tự phân hạng (Pecking Order Theory) (Myers, 1984) cũng chỉ ra rằng vốn đầu tư vào tài chính của doanh nghiệp trước hết phải đến từ tài chính nội
bộ, và nếu cần tài chính bên ngoài, các công ty có xu hướng sử dụng nợ trước khi phát hành cổ phiếu để giảm thiểu giao dịch và hạn chế các chi phí khác. Vì vậy, các công ty có lợi nhuận cao thường duy trì chính sách trả cổ tức thấp để tránh chi phí phát hành nợ và vốn cổ phần cao. Mặt khác, một số lý thuyết cho rằng khả năng sinh lời có mối quan hệ tích cực với việc trả cổ tức. Theo họ, các công ty có lợi nhuận cao và ổn định có thể có dòng tiền mạnh và đó là lý do tại sao các nhà quản lý trả cổ tức nhiều hơn cho các cổ đông (Jensen và cộng sự (1992), Fama và French (2002)). Trong nghiên cứu này, khả năng sinh lời được đo bằng lợi nhuận lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE).