Nghiên cứu này xem xét các nhân tố tác động đến chính sách cổ tức trong 8 năm (từ 2011 đến 2018) của 15 công ty ngành điện niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam bằng ước lượng mô hình hồi quy dựa trên dữ liệu dạng bảng. Có ba dạng mô hình chính dùng để ước lượng dữ liệu dạng bảng là: Mô hình Bình phương nhỏ nhất thông thường (Pool OLS); Mô hình tác động cố định (FEM); Mô hình tác động ngẫu nhiên (REM).
Phương pháp OLS giả định rằng tất cả các hệ số ước lượng đều không đổi theo thời gian và theo các đơn vị chéo. Trong khi đó, dữ liệu dạng bảng kết hợp các quan sát theo chuỗi thời gian và theo các đơn vị kinh tế khác nhau nên tồn tại sự khác biệt đặc thù giữa các đơn vị kinh tế đó. Khi đó, có 2 trường hợp xảy ra: Nếu tung độ gốc β1 có tương quan với các biến độc lập trong mô hình thì sử dụng FEM; nếu tung độ gốc β1 không có sự tương quan với các biến độc lập trong mô hình thì sử dụng REM. Kiểm định Hausman được dùng để chọn mô hình phù hợp.
Kết luận chương 3
Ở Chương 3, tác giả đã đưa ra quy trình nghiên cứu sẽ được tiến hành cụ thể với 6 bước gồm: tìm hiểu các nghiên cứu liên quan, xác định các nhân tố cần phân tích, thu thập số liệu, xử lý số liệu và hồi quy mô hình bằng phần mềm Stata 13, phát hiện các biến ảnh hưởng đến chính sách cổ tứ, và cuối cùng là đưa ra khuyến nghị. Nguồn dữ liệu sẽ được thu thập từ các báo cáo thường niên và các trang thông tin về kinh tế tài chính của 15 doanh nghiệp điện niêm yết trên HOSE trong giai đoạn 2011- 2018 với tất cả là 118 quan sát và sẽ được sắp xếp và xử lý thông qua sự hỗ trợ của các công cụ phân tích với các kiểm định được sử dụng như phương pháp thống kê mô tả, hồi quy tuyến tính, kiểm định đa cộng tuyến, kiểm định phương sai sai số thay đổi. Chương này cũng đã xây dựng được mô hình nghiên cứu tổng quát với một biến phụ thuộc là Tỷ lệ cổ tức (DPR) của các công ty ngành điện niêm yết trên HOSE gia đoạn 2011-2018 và 7 biến độc lập là các nhân tố được xem xét sự tác động của chúng tới biến phụ thuộc. Đây là cơ sở để các kiểm định được tiến hành ở Chương 4.
CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU