18 tuổi
3.1.1. Yêu cầu của cải cách tư pháp
Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng. Mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là
“Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…” [5]. VKSND đã đóng góp vai trò không nhỏ trong công cuộc cải cách tư pháp để đạt được mục tiêu này.
Viện kiểm sát thông qua chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của mình đã phát hiện ra các vi phạm trong hoạt động tư pháp. Trên cơ sở đó góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa sự lạm quyền trong hoạt động TTHS cũng như ngăn chặn việc xâm hại đến các quyền cơ bản của công dân. Người dưới 18 tuổi là nhóm đối tượng được Nhà nước và xã hội quan tâm đặc biệt, do vậy các quyền cơ bản của họ được pháp luật bảo hộ và tôn trọng. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm làm rõ hành vi phạm tội để xử lý theo pháp luật, mà còn phải tôn trọng các quyền con người, quyền công dân. VKSND là cơ quan hoạt động có hiệu quả, đảm bảo cho quyền con người, quyền công dân được tôn trọng. Trong hoạt động kiểm sát việc áp dụng các biện pháp
ngăn chặn, VKS phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 08/NQ- TW của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đó là:
Tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ, đảm bảo đúng pháp luật; những trường hợp chưa cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong bắt, giữ. VKS các cấp chịu trách nhiệm về những oan, sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi thẩm quyền phê chuẩn của mình [3].
3.1.2. Yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự
Mục tiêu quan trọng của Hiến pháp năm 2013 là tiếp tục phát huy dân chủ, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật” [33]. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cũng đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đó là:
Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” và “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân,
quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định [33]. Quyền con người trong tố tụng hình sự rất dễ bị xâm phạm, bị tổn thương và hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng vì nó tác động trực tiếp đến quyền được sống, quyền tự do và sinh mệnh chính trị của một cá nhân. Người dưới 18 tuổi thường bồng bột, thiếu suy nghĩ, thậm chí không cần suy nghĩ về hậu quả. Người dưới 18 tuổi là đối tượng còn đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, non nớt về nhận thức và tinh thần, nên dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống, đây là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Hiện nay, tình hình tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp về tính chất và mức độ nguy hiểm, nhiều tội phạm trước đây ít xảy ra nay lại tăng lên đáng kể về số vụ và số người phạm tội.
Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, các cơ quan tiến hành tố tụng phải vô cùng thận trọng và chỉ áp dụng khi đó là biện pháp cuối cùng. Vì vậy, hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới luôn phải hướng tới việc nâng cao vai trò của mình đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi.