Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Kiểm sát viên

Một phần của tài liệu Vai trò của viện kiểm sát đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam trong vụ án người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (trên cơ sở thực tiễn tại tỉnh quảng ninh) (Trang 84 - 87)

18 tuổi

3.2.2. Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Kiểm sát viên

Vấn đề về đội ngũ cán bộ công chức trong lĩnh vực tư pháp đã được Đảng và Nhà nước ta xác định rõ trong Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ:

Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn bất hợp lý. Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu; trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Vẫn còn tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử [5].

Xuất phát từ quan điểm của Đảng nêu trên, việc hoàn thiện về trình độ, năng lực của kiểm sát viên có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thể hiện vai trò của VKS trong kiểm sát các hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội nói riêng. Nếu trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ kiểm sát viên được đảm bảo thì việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam sẽ không để ra những sai sót và ngược lại.

Do người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là đối tượng đặc biệt, nên lãnh đạo CQĐT, VKS và Tòa án khi phân công cán bộ giải quyết vụ án có người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi luôn cân nhắc lựa chọn những Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có kiến thức hiểu biết về mặt tâm sinh lý, khoa học, giáo dục đối với người chưa thành niên hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về vấn đề tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi, về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Đối với Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cần đảm bảo đúng quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT- ngày 21/12/2018 của Liên ngành Trung ương về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi thì:

Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi [51].

Muốn nâng cao vai trò của VKS đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam trong vụ án người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý ... đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới bằng những chính sách cụ thể như: tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát hoạt động tạm giữ, tạm giam bổ sung thêm nội dung áp dụng đối với đối tượng là người dưới 18 tuổi cho đội ngũ làm công tác này định kỳ hàng năm. Đồng thời, tổ chức học tập rút kinh nghiệm các đơn vị điển hình thực hiện tốt và có hiệu quả công tác này. Những kiến thức pháp luật về người dưới 18 tuổi; tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi; kiểm sát tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi không chỉ nghiên cứu trong sách, tài liệu văn bản mà cần phải được trau dồi tích lũy từ những kinh nghiệm thực tế nhiều năm áp dụng. Vì vậy, cần có chính sách đãi ngộ, quan tâm động viên kịp thời để các cán bộ làm công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam yên tâm công tác, gắn bó với nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ kiểm sát viên làm việc trong lĩnh vực này đòi hỏi phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, nắm vững các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là BLHS, BLTTHS. Từ đó có thể vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật vào thực tiễn áp dụng, nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan, sai, tổn hại về vật chất, tinh thần của người bị buộc tội; làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và VKSND nói riêng.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc hoàn thiện về trình độ, năng lực Kiểm sát viên có một vai trò ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện vai trò của VKS đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam trong vụ án người

bị buộc tội là người dưới 18 tuổi. Làm tốt công tác về hoàn thiện trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp kiểm sát viên VKSND là cơ sở đầu tiên và có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác của VKSND nói chung và kiểm sát hoạt động tạm giữ, tạm giam nói riêng. Góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Một phần của tài liệu Vai trò của viện kiểm sát đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam trong vụ án người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (trên cơ sở thực tiễn tại tỉnh quảng ninh) (Trang 84 - 87)