Huyện Ea Kar nằm về phía Đông - Nam của Tỉnh Đắk Lắk, được thành lập ngày 13/9/1986 theo Quyết định số 108/1986/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), trung tâm huyện cách thành phố Buôn Ma Thuột 52 km theo Quốc lộ 26;
Tổng diện tích tự nhiên là 1.037,47 km2 với 143.506 nhân khẩu gồm 19 dân tộc anh em
cùng chung sống; mật độ dân số 138,32 người/km2. Huyện Ea Kar có 16 đơn vị hành
chính gồm 2 thị trấn: Ea Kar, Ea Knốp và 14 xã: Xuân Phú, Cư Huê, Ea Đar, Ea Kmút, Cư Ni, Ea Tíh, Ea Păl, Cư Yang, Ea Ô, Ea Sô, Ea Sar, Cư Bông, Cư Elang và Cư Prông. Đất đai, khí hậu khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hoá, phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và phát triển kinh tế trang trại nông lâm kết hợp. Ranh giới:
+ Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, và tỉnh Gia Lai;
+ Phía Tây giáp huyện Krông Pắc - Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk; + Phía Nam giáp huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk;
+ Phía Đông giáp huyện M’Đăk, tỉnh Đắk Lắk.
Huyện Ea Kar nằm trên trục QL26, là cửa ngõ phía Đông nối tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Phú Yên và Khánh Hoà, có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng quan trọng, đồng thời có nhiều thuận lợi để thu hút đầu tư hình thành một khu vực phát triển. Hệ thống giao thông phát triển tương đối hoàn chỉnh, Quốc lộ 26, Quốc lộ 29, tỉnh lộ 11, tỉnh lộ 19 đi qua huyện có vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế văn hoá trong và ngoài huyện cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Những điều kiện trên là cơ sở tạo ra cho huyện phát triển kinh tế xã hội theo hướng Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá với tốc độ cao, có cơ cấu kinh tế hợp lý giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ;
Huyện Ea Kar chịu ảnh hưởng hai loại khí hậu: Nhiệt đới gió mùa và khí hậu cao nguyên mát dịu; trong năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa trong vùng thường đến sớm (giữa tháng 4) và kết thúc muộn (cuối tháng 11), chiếm 90% lượng mưa hàng năm; Mùa khô từ cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa
không đáng kể. Nhiệt độ bình quân năm 23,70C, biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch
khoảng 100C; Hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện phân bố khá đều, nhìn chung, với
tiềm năng đất, nước, thời tiết, khí hậu… đây là một vùng đất trù phú, có nhiều yếu tố thuận lợi thích hợp cho nhiều loại cây trồng, có lợi thế trong phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp trồng trọt và chăn nuôi.
Tổng diện tích có rừng của huyện Ea Kar là 37.682,54 ha, trong đó: Đất rừng phòng hộ: 872,97 ha; đất rừng đặc dụng: 21.137,30 ha; đất rừng sản xuất: 15.672,27 ha. Nằm trong vùng có điều kiện khí hậu, địa hình khá thuận lợi nên tài nguyên rừng trên địa bàn huyện khá phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều chủng loại khác nhau. Diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện phân bố chủ yếu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, chiếm tỷ lệ 57,30% tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn huyện, trong đó đất trừng đặc dụng với diện tích 21.692,72 ha/26.926 ha chiếm 80,56% ha tổng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Thảm thực vật rừng huyện Ea Kar rất phong phú về số lượng loài và số lượng cá thể trong loài đặc trưng cho rừng nhiệt đới, bao gồm 139 họ với 709 loài thực vật. Hệ động vật rừng có 44 loài thú thuộc 22 họ và 17 bộ, trong đó có 17 loài thuộc diện quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam; 158 loài chim thuộc 51 họ và 15 bộ, trong đó có 9 loài trong sách đỏ Việt Nam; 23 loài lưỡng cư bò sát thuộc 11 họ và 3 bộ, vv…
Tiềm năng khoáng sản khá phong phú, có nhiều mỏ đá xây dựng với trữ lượng khá lớn đang khai thác phục vụ cho xây dựng dân dụng và giao thông; Cát xây dựng ở Ea Ô, Cư Yang, Ea Sô; Quặng Penspat ở Ea Sô, Ea Sar; Mỏ Sét sản xuất gạch ngói ở xã Ea Ô, Cư Prông, Cư Huê... Ngoài ra còn có mỏ Đồng ở Thị trấn Ea Knốp, vàng sa khoáng, đá quý và bán đá quý phân bố tại thôn 9 xã Cư Yang.
Huyện Ea Kar là nơi hội tụ của nhiều dân tộc trong cả nước, trong đó người kinh chiếm đa số; dân tộc bản địa chủ yếu là người Ê Đê; các dân tộc từ nơi khác chuyển đến gồm có: Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái, Sán chỉ, Vân kiều, Xê Đăng..; Các nhóm cộng đồng dân tộc này đã hình thành lên những cụm dân cư sinh sống rải rác trên khắp các xã, thi trấn trên địa bàn huyện. Cộng đồng các dân tộc với những truyền thống
riêng, đã hình thành nên một nền văn hoá đa dạng, phong phú và có những nét độc đáo, trong đó nổi lên bản sắc văn hoá truyền thống của người Ê Đê và một số dân tộc khác. Bên cạnh đó, Ea Kar còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, những năm chiến tranh, nơi đây có những căn cứ kháng chiến, điển hình là Buôn Trưng, xã Cư Bông là một căn cứ cách mạng nổi tiếng thời chống Mỹ, cần được giữ gìn và xây dựng thành khu văn hoá lịch sử, những yếu tố đó cấu thành tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm (giá so sánh 94) tăng 14-15%; công nghiệp xây dựng 23-24%; dịch vụ 20-21%; Thu nhập bình quân đầu người khoảng 34- 35 triệu đồng (Theo giá hiện hành). Thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 11% GDP (Theo giá hiện hành); Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 11,29% toàn tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đứng thứ 04 toàn tỉnh; Sản lượng lương thực có hạt đứng đầu tỉnh, trong đó sản lượng lúa đứng thứ 03 tỉnh, chiếm 12,1%; Sản lượng ngô đứng đầu tỉnh, chiếm 16,4%; Sản lượng các loại cây đáp ứng nhu cầu nguyên liệu công nghiệp chế biến chủ yếu như sắn, mía, điều tương ứng đứng thứ nhất, thứ hai so với các huyện trong tỉnh. Ngoài ra sản lượng các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi, nhãn, vải cũng đứng đầu so với các huyện trong toàn tỉnh. Chăn nuôi cũng là một trong những ngành chiếm ưu thế của huyện với số lượng Trâu đứng đầu tỉnh, chiếm 17,3% quy mô đàn trâu toàn tỉnh; đàn bò đứng thứ 06, chiếm 7,76%. Đặc biệt, với điều kiện ưu đãi về nguồn nước sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của huyện đứng đầu tỉnh, chiếm 21,2% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh. Sự phát triển kinh tế huyện Ea Kar ngày càng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế chung của tỉnh Đắk Lắk. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao hơn tốc độ tăng trưởng của tỉnh.
Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ đã và đang có chiều hướng phát triển mạnh. Cụm Công nghiệp Ea Đar được hình thành và đi vào hoạt động, hiện nay đã có 12 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Công ty cổ phần CP, Công ty Việt Thắng …và rất nhiều các công ty, nhà máy trên địa bàn như: Công ty Cổ phần Mía – Đường 333, Công ty Thiên Long Phát, Nhà máy chế biến tinh bột sắn và
hàng chục công ty, nhà máy, cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, nông sản … làm ăn có hiệu quả cao góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế chung của huyện và tạo công ăn việc làm, ổn định thu nhập và ngày càng nâng cao đời sống nhân dân. Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh mẽ với hệ thống Ngân hàng, Siêu thị, Khu thương mại, vui chơi, giải trí, hệ thống nhà hàng, khách sạn phát triển đáp ứng mọi điều kiện của người dân và du khách trong và ngoài nước.
Hệ thống y tế phát triển với 01 Bệnh viện khu vực và Bệnh viện đa khoa huyện với quy mô 280 giường bệnh và 16 Trạm y tế tuyến xã với 64 giường bệnh; Đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh trên địa bàn. Hệ thống giáo dục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô trường lớp và chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo. Đến năm 2013, toàn huyện có 81 trường học gồm: 04 trường THPT, 18 trường THCS, 37 trường Tiểu học, 22 trường Mầm non, trong đó có 29 trường đạt chuẩn Quốc gia. Bưu chính, viễn thông phát triển, hệ thống thông tin liên lạc, Internet được phủ sóng trên toàn huyện.
Với tiềm năng thiên nhiên ưu đãi, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội thương mại, dịch vụ, giao thông phát triển thuận lợi; sự đa dạng nền văn hóa các dân tộc và sự thân thiện của con người Ea Kar; cùng với sự phong phú về thảm thực vật hệ động vật rừng và vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Thác Dray Kpơ, với vẻ đẹp thơ mộng của Hồ Ea Kar – Đồi Cư Cúc, vẻ đẹp hùng vỹ của Đập chứa nước và Công trình thủy lợi Krông Pách Thượng hứa hẹn tiềm năng vô cùng thuận lợi cho phát triển du lịch.