người chưa thành niên phạm tội
người chưa thành niên phạm tội
❖ Quy định của PLHS Việt Nam thời Phong kiến
Trong thời kỳ phong kiến trung đại, quy định PLHS nổi bật có thể kể đến là Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) năm 1483 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Các hình phạt được quy định trong Quốc Triều Hình luật gồm ngũ hình được quy định tại Điều 1, bao gồm: xuy hình (đánh bằng roi), trượng hình (đánh bằng gậy), đồ hình (bắt làm việc nặng nhọc), lưu hình (đày đi nơi xa) và tử hình. Ngoài ra còn có các hình phạt khác như: biếm tư (Điều 27, Điều 46), phạt tiền (Điều 26), tịch thu tài sản (Điều 88, Điều 426, Điều 430, Điều 523),… Bộ luật không có quy định riêng về độ tuổi của NCTN cũng như hình phạt áp dụng với NCTNPT. Tuy nhiên, Điều 16 Quốc Triều Hình luật quy định nguyên tắc áp dụng hình phạt với một số đối tượng:
- Người 15 tuổi trở xuống phạm từ tội lưu trở xuống thì đều cho chuộc bằng tiền, nghĩa là không cần phải chịu hình phạt, trừ trường hợp phạm tội thập ác.
- Người 10 tuổi trở xuống không bị bắt tội trừ trường hợp ăn trộm và đánh người bị thương thì được cho chuộc bằng tiền, phạm tội phản nghịch, giết người đáng phải tội chết thì phải tâu vua xét định.
- Người 07 tuổi trở xuống dù có bị tội chết cũng không hành hình.
Như vậy, trong thời kỳ này hình phạt áp dụng đối với NCTNPT chưa được quy định một cách cụ thể. Theo Bộ luật Hồng Đức thì người 15 tuổi trở lên phải chấp hành hình phạt như những NĐTN khác; người đủ 15 tuổi trở xuống thì tùy từng độ tuổi có thể được chuộc tiền, không phải áp dụng hình phạt hoặc thậm chí có thể bị tử hình nếu phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.