Các tài nguyên rừng, tài nguyên biển đang dần cạn kiệt; nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Có nhiều lý do để giải thích cho điều này, nhưng một lý do rất quan trọng là một hiện tượng gọi là Bi kịch tài sản công cộng (Tragedy of the commons).
Đây là một hiện tượng được nghiên cứu trong lý thuyết trò chơi và nó có liên hệ mật thiết với lý thuyết về thế lưỡng nan của hai người tù.
Và chúng ta cũng sẽ thấy những ví dụ đã nêu ở trên có sự xuất hiện của hiện tượng này.
Có hai người nông dân sống bằng nghề đánh bắt cá, anh An và anh Bình mỗi người đều sở hữu cho riêng mình một ao cá rộng, ở giữa hai ao cá này là một ao cá chung không có ai sở hữu. Giả sử mỗi ao cá có 100 con, mỗi tháng thì mỗi 100 con này sẽ sinh sản thêm 20 con nữa. 20 con cá này sẽ được thu hoạch mỗi tháng và họ có thể duy trì ao cá của họ mãi mãi.
Nhưng với ao cá của chung thì sao?
Đứng từ ngoài nhìn vào thì chúng ta thấy rằng mỗi tháng An và Bình nên thu hoạch mỗi người 10 con từ ao cá chung (bằng một nửa số cá tăng thêm). Nhưng rồi An bắt đầu lại nghĩ nếu anh ta thu hoạch thêm một chút thì cũng không ảnh hưởng tới ai cảm nên anh ta bắt 20 con từ ao cá chung. Rồi anh ta lại nghĩ nếu mình nghĩ thế thì anh Bình cũng sẽ nghĩ như vậy. Nếu vậy thì sẽ cần bắt nhiều hơn nếu không muốn bị thiệt. Và anh ta quyết định bắt 30 con và lại nghĩ rằng Bình cũng sẽ nghĩ như vậy. Cứ như thế, cuối cùng An quyết định thu hoạch toàn bộ ao cá chung vì anh ta nghĩ rằng kiểu gì thì Bình cũng sẽ tìm cách thu hoạch ao cá kia. Vậy tốt nhất là lấy hết để khỏi phải suy nghĩ gì cả.
Và như thế cả An và Bình sẽ tìm cách thu hoạch cật lực ao cá chung, mỗi người 50 con cá và ao cá chung cạn kiệt chỉ sau 1 tháng. Đây không phải một kết quả tối ưu! Bởi nếu mỗi người chỉ bắt 10 con thì sau một năm họ có thể nhận được 120 con, lớn hơn nhiều so với con số 50 nhận được.
Họ không làm thế với ao cá của riêng mình bởi họ biết rằng nếu họ làm vậy thì các tháng sau sẽ bị chết đói. Chính vì sự không tin tưởng và cạnh tranh nhau khiến cho ao cá chung bị cạn kiệt.
Đây là hiện tượng được gọi là "Bi kịch của tài sản công cộng". Ta có thể thấy đây cũng là hệ quả của "Thế lưỡng nan hai người tù. Dù cả hai đều hành động theo lợi ích của riêng mình, kết quả cuối cùng lại gây ra bất lợi cho cả hai và nguyên nhân đến từ sự không tin tưởng lẫn nhau.
Hiện tượng này có thể được thấy ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Có thể thấy rằng những món đồ dùng chung có tuổi thọ thấp hơn các món đồ dùng riêng. Tại sao? Vì mọi người nghĩ là đồ của chung nên sẽ tìm cách để tận dụng chúng một cách tối đa. Điều này cũng đúng trong trường hợp thuê xe. Một nghiên cứu cho thấy những người đi xe thuê có tỷ lệ tai nạn nhiều hơn những người đi xe riêng của mình, lý do đơn giản là vì đó không phải xe của họ và họ sẽ ít cẩn trọng hơn khi điều khiển chúng.
Từ ví dụ ao cá chung chắc hẳn mỗi chúng ta sẽ đều nghĩ rằng hai người kia thật là ngu ngốc, tại sao lại không bắt tay và hợp tác nhận về 10 con/1 tháng chứ?
Trong thực tế, có tới hàng ngàn người cùng dùng chung một tài sản công cộng. Những tài sản đó có thể kể đến như không khí, đại dương, các khu rừng và đông vật hoang dã. Tại sao các hiện tượng như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, săn bắt thú rừng, phá rừng xảy ra trên diện rộng và khó có thể khắc phục? Vì tất cả mọi người đều muốn khai thác chúng một cách tối đa.
Lấy ví dụ là tài nguyên không khí. Không có ai là sở hữu khí quyển của trái đất cả. Mọi người, mọi nhà máy đều có quyền sử dụng và họ cạnh tranh nhau để sở hữu nó. Thậm chí các quốc gia cũng cạnh tranh nhau để khai thác vì họ không muốn bị quốc gia khác vượt mặt. Áp lực về phát triển kinh tế khiến cho môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng nề.
Ví dụ thứ hai là việc sử dụng kháng sinh quá mức trong chăn nuôi gia súc. Điều này tạo nên lợi ích trong ngắn hạn là doanh thu lớn hơn và sản lượng cao hơn. Tuy nhiên việc lạm dụng kháng sinh tạo ra những vi khuẩn kháng thuốc với tốc độ ngày càng tăng.
Ví dụ thứ 3, gia tăng dân số. Nhiều nhà khoa học cho rằng sự bùng nổ dân số là do chúng ta đang lạm dụng một tài sản dùng chung là Trái Đất và tài nguyên của nó. Một người sinh ra cần không gian để sống, cần không khí, nước và thức ăn. Do vậy việc kiểm soát dân số là cần thiết vì tài nguyên của Trái Đất không phải là vô tận.