Công việc của các nhà nhân học

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 2 (Trang 32 - 34)

Trên phương diện việc làm, có thể chia các nhà nhân học thành hai bộ phận. Một bộ phận nhỏ đi sâu vào các lĩnh vực học thuật. Bộ phận này đa số giảng dạy trong các trường đại học, hay làm công tác nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu hay các viện bảo tàng.

Tuy nhiên, từ những ví dụ nêu ở phần trên, có thể thấy rằng đa số các nhà nhân học làm việc trong các lĩnh vực không nặng về tính học thuật, mà thiên về tính ứng dụng. Xuất phát từ phạm vi ứng dụng rất rộng của nhân học, các nhà nhân học cũng có phạm vi nghề nghiệp rất đa dạng, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Họ làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, làm tư vấn cho các dự án phát triển, đặc biệt là các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, trong các doanh nghiệp, các phòng phát triển sản phẩm và marketing, làm công tác quản lý nhân sự, trong các hoạt động đối ngoại, và nhiều lĩnh vực đa dạng khác. Nói cách khác, các nhà nhân học không làm việc trong một lĩnh vực cụ thể, mà trên rất nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung trong công việc của các nhà nhân học ở khắp mọi nơi là đều liên quan đến việc xử lý và giải quyết những vấn đề liên quan tới sự khác biệt văn hóa.

Trở lại với ví dụ về công ty Apple và chiếc điện thoại Iphone. Ở đây có một sự khác biệt lớn giữa công việc của một nhà nhân học với một chuyên gia phần cứng máy tính hay một chuyên gia về kinh doanh. Chuyên gia phần cứng sẽ chịu trách nhiệm tìm hiểu các công nghệ phần cứng mới nhất để đưa vào những mẫu Iphone mới. Chuyên gia kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm định giá các mẫu Iphone trên cơ sở tính toán các chi phí đầu vào, cũng như khả năng chi trả của khách hàng. Điểm chung giữa chuyên gia phần cứng và chuyên gia kinh doanh là họ tính toán các giải pháp công nghệ và kinh doanh để áp dụng trên phạm vi toàn thế giới. Các giải pháp đó

sẽ giống nhau từ Mỹ cho đến Trung Quốc và Việt Nam, không phân biệt các đặc trưng văn hóa của mỗi vùng.

Trong khi đó, công việc của nhà nhân học lại là xác định xem nên sản xuất chiếc Iphone có màu gì để phù hợp với khách hàng mua Iphone ở những thị trường mới nổi của Apple. Một nhà nhân học sẽ tư vấn cho lãnh đạo Apple rằng hãy sản xuất các bản Iphone có màu vàng (gold) nếu Apple muốn chuyển hướng sang phát triển thị trường tại các quốc gia châu Á, điển hình là Trung Quốc. Lý do là tại những thị trường đó, do đặc điểm văn hóa, nên thị hiếu về màu sắc của khách hàng có thể rất khác với tại các thị trường Âu Mỹ, nơi người ta đa số chỉ chuộng hai màu đen và trắng.

Tương tự như vậy, trong một phòng quản lý nhân lực của một công ty đa quốc gia, công việc của một chuyên gia quản trị nhân lực sẽ khác với công việc của một nhà nhân học. Một chuyên gia quản trị nhân lực sẽ xây dựng các cơ chế quản lý nhân lực, các hệ thống đánh giá năng lực nhân viên, các hệ thống quản lý dựa trên kết quả hay doanh thu hàng tháng như ISO hay KPI. Các tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng cho toàn bộ các nhân viên trong công ty, ở tất cả các chi nhánh của công ty đó trên thế giới. Tuy nhiên, việc của nhà nhân học lại là tìm hiểu các nhu cầu riêng, các đặc thù riêng của người lao động tại từng quốc gia, vùng miền và có những điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn như ở châu Âu, giờ làm việc có thể bắt đầu từ 9h sáng đến 5h chiều và chỉ có 30 phút nghỉ trưa. Tuy nhiên, tại một chi nhánh ở Việt Nam, để phù hợp với tập quán văn hóa, giờ làm việc có thể bắt đầu sớm hơn, từ 8 giờ, để tăng thời gian nghỉ trưa lên một giờ ba mươi phút. Tương tự như thế, nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới có quy định phải có một căn phòng nhỏ để cho các nhân viên là người Hồi giáo có thể cầu nguyện mỗi ngày.

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 2 (Trang 32 - 34)