Nhà nhân học có biết xem tướng hay xem bói không?

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 2 (Trang 35 - 36)

Nhân học hay bị hiểu lầm là nhân tướng học. Trên thực tế, giữa hai lĩnh vực này có sự khác nhau rất căn bản. Nhân tướng học là một dạng thức xem bói, dựa trên các đặc điểm sinh học của con người, đặc biệt là trên khuôn mặt, để đưa ra các tiên đoán về tiền đồ, số mệnh, hậu vận, tính cách của người đó. Trong khi đó, như đã nói, nhân học chủ yếu quan tâm đến con người trên phương diện văn hóa chứ không phải là sinh học. Trong khi nhân tướng học cho rằng sự khác nhau về các đặc điểm sinh học quyết định sự khác nhau trong tiền đồ, số phận của con người, thì các nhà nhân học cho rằng con người trên thế giới khác nhau chủ yếu là do những khác biệt về mặt văn hóa chứ không phải các đặc điểm về hình thể hay khuôn mặt. Hệ quả là với một nhà nhân học, hai con người có cùng một cấu tạo khuôn mặt, cùng sinh năm Bính Dần, có cùng đường chỉ tay, nhưng cuộc đời, tính cách, và lối ứng xử có thể hoàn toàn khác nhau, do tác động của hai yếu tố vô cùng quan trọng. Thứ nhất là môi trường văn hóa mà con người đó sinh ra và lớn lên, bao gồm các mối quan hệ gia đình và cộng đồng, các thể chế chính trị, các hoạt động kinh tế, quá trình nuôi dưỡng, giáo dục. Thứ hai là những nhu cầu, suy nghĩ, cách tư duy của bản thân con người đó được hình thành trong quá trình tương tác và thích ứng với môi trường. Như đã nói, sự kết hợp giữa hai yếu tố đó tạo thành văn hóa.

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 2 (Trang 35 - 36)