xa, đói nghèo lạc hậu hay không?
Câu trả lời là không. Đây là một định kiến tồn tại từ lâu về công việc của các nhà nhân học. Định kiến này thậm chí tồn tại ngay cả ở các nước có nền nhân học tiên tiến. Tuy nhiên, đây là một định kiến lỗi thời.
Như đã nói, nghiên cứu nhân học không bị giới hạn trong một bối cảnh hay không gian cụ thể, mà cần thiết ở tất cả những nơi mà sự khác biệt văn hóa nảy sinh. Như tôi đã trình bày trong chương 1, trong giai đoạn đầu khi nhân học ra đời, thì các thuộc địa, những vùng nông thôn hẻo lánh ở châu Á, châu Phi lần đầu tiên tiếp xúc với nền văn minh châu Âu là những điểm va chạm văn hóa chính. Nhưng gắn với quá trình toàn cầu hóa, di động dân số và giao thoa văn hóa, thì sự khác biệt bây giờ đang xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, và do đó biến tất cả các không gian trên địa cầu trở thành mảnh đất màu mỡ cho nghiên cứu của các nhà nhân học.
Từ những năm 1960, một phân ngành của nhân học là Nhân học đô thị đã được hình thành, gắn liền với vai trò của một nhóm các nhà nhân học tiên phong ở Mỹ mà nay được biết đến với tên gọi Trường phái Chicago (Hannerz 1980). Các nhà nhân học hôm nay cũng không còn giới hạn không gian nghiên cứu ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, các địa bàn đói nghèo lạc hậu ở Á, Phi và Mỹ Latinh nữa. Thay vào đó, rất nhiều nghiên cứu điền dã dân tộc học đã và đang được tiến hành ở các nước phát triển Âu - Mỹ, tại New York (Hannerz 1996), trên thế giới ảo (Boellstorff 2008), tại Tòa án Hành chính Tối cao của Pháp (Latour 2010), và giữa những siêu thị ở London (Miller 1998).