Tạm ngừng thành kiến

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 1 (Trang 79 - 82)

Sau khi đọc xong tiêu đề, bạn có thể nghĩ trong đầu: “Keith, anh đi quá xa rồi đó. Tôi đâu có thành kiến!”

Nhưng mà có đấy. Chúng ta ai cũng thế cả. Chúng ta đều hình thành những thành kiến về người khác rất nhanh và dữ dội. Thử nhớ lại chuyện gì xảy ra mỗi khi bạn bước chân vào một căn phòng đầy người. Bạn nhìn thấy ai đó, họ nhìn thấy bạn, và cả hai cân nhắc suy nghĩ về nhau. Bạn đang đánh giá người kia.

Thành kiến đơn giản là một phần của con người. Bộ não chúng ta đã được lập trình như thế. Hãy nghĩ về nó theo hướng này: Mỗi ngày chúng ta tiếp cận rất nhiều thông tin. Khuôn mẫu là một hình thức đi tắt cho phép não bộ hoạt động hàng ngày trong một thế giới ngập tràn thông tin. Hàng ngàn năm trước đây, một nhận xét trong tích tắc “Bạn hay Thù?” có thể giúp tổ tiên chúng ta bảo toàn tính mạng. Kết quả là chúng ta ngày nay vừa là nạn nhân vừa là người phạm tội thành kiến.

Gần đây tôi được vinh hạnh phát biểu trước một hội nghị sinh viên năm nhất tại Yale. Sau bài phát biểu của tôi, trong đó tôi có đưa ra một vài bài tập nhằm khuyến khích sự hỗ trợ lẫn nhau, một sinh viên người Mỹ gốc Phi rụt rè tìm đến tôi. “Cám ơn ông nhiều lắm,” cô ấy nói. Nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng cô ấy muốn nói điều gì khác hơn là chỉ lời cảm ơn suông mà thôi. “Tôi biết tất cả các bạn trong khóa học đều nghĩ rằng tôi là người căm ghét xã hội và kỳ quặc vì tôi không nói chuyện với họ và tôi mặc cùng một bộ quần áo ngày qua ngày. Nhưng lý do tôi không nói chuyện với ai là vì tôi thấy xấu hổ khi nói với mọi người rằng cho đến ngày tôi vào trường thì tôi là một kẻ không nhà. Tôi sống trong một chiếc xe hơi với mẹ và em trai. Mẹ tôi bị mất việc và đã làm mọi cách có thể nhưng cuối cùng chúng tôi cũng bị ném ra khỏi căn hộ, quần áo chúng tôi vẫn còn nằm trong đó. Đây là tất cả những gì tôi có”.

Cô ấy nói tiếp: “Dẫu sao, cuối cùng tôi cũng đã đủ can đảm chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình với một anh chàng da trắng giàu có ở Greenwich. Anh ta trông có vẻ là người chẳng có gì phải lo trong đời. Nhưng khi anh ta nghe qua câu chuyện của tôi, anh ta bật khóc. Anh ta kể rằng trong cuộc đời mình, anh ta luôn bị cha mình đánh, trong khi mẹ lại chẳng làm gì để bảo vệ anh ta cả. Anh ta thật hạnh phúc được thoát ra khỏi ngôi nhà ngột ngạt ấy. Vì vậy tôi muốn nói là ta chẳng bao giờ biết được về người khác”.

Trong môi trường xã hội phức tạp hiện nay, chúng ta gặp rất nhiều người mỗi ngày, và chúng ta vẫn luôn đánh giá sai lầm. Chúng ta đều đã từng gặp những người mình cho rằng mình không thích, nhưng sau đó, một khi chúng ta hiểu rõ về họ, chúng ta khám phá ra rằng mình cực kỳ yêu quý họ và rằng cảm nhận ban đầu của chúng ta hoàn toàn sai lệch. Một số người sau đó trở thành bạn thân nhất của chúng ta.

Nhưng khoan đã, bạn nghĩ. Tôi sẵn sàng thừa nhận rằng mình có thành kiến với những người mới gặp, nhưng dĩ nhiên là không còn nữa đối với những người tôi muốn mời vào vòng tròn thân thiết của mình. Thử đoán lại lần nữa

xem! Tôi dám chắc rằng bạn vẫn có những cảm nhận từ trước ngay cả về những người bạn thân nhất. Những thành kiến này là lý do chính khiến chúng ta có rất ít bạn thân và cố vấn tin cậy.

Ở một tầm mức rộng hơn, một tổ chức kinh doanh cũng có những thành kiến văn hóa ngăn cản hiệu quả làm việc - đội ngũ bán hàng không xem trọng marketing, và đội ngũ marketing thì không tôn trọng những người làm nghiên cứu, tài chính hình như ghét hết thảy mọi người, và mọi người đều ghét nhân sự. Và công ty về tổng thể thường nghi ngờ khách hàng và những yêu cầu quá đáng của họ.

Đó là lý do vì sao tôi tin rằng kỹ năng quan trọng nhất cần luyện tập khi gặp gỡ người khác là tiếp cận tình huống với ít giả định nhất. Nếu có giả định, hãy hướng đến điều tốt đẹp, và tìm cách thể hiện sự quan tâm và lo lắng cho người khác.

Hãy thử làm thí nghiệm sau cho tôi. Lần sau khi bạn đến một bữa tiệc cocktail, hay lúc nghỉ giải lao uống nước, hay một sự kiện của công ty, hãy chọn ra một người lạ nào đó trong phòng mà bạn nghĩ giống một kẻ gàn hay trông thật đáng sợ, và tiếp cận người đó. Hãy thể hiện nỗ lực chân thật muốn làm quen và tìm hiểu người đó - và như vậy là không chỉ nói chuyện xã giao mà thôi. Bạn phải để mở khả năng rằng đây là một người bạn thật sự quan tâm. (Tôi thường nói với các khách mời trong các bữa tiệc của tôi rằng đây chính là nhiệm vụ của họ trong buổi tối, họ phải tìm ra vài người mà họ thật sự quan tâm đến).

Sau đây là kịch bản mà tôi nghĩ sẽ xảy ra: Một cá nhân thật sự sẽ xuất hiện đằng sau bức bình phong mà bạn đã vẽ ra trong đầu - và biết đâu bạn có thể thích người này và muốn tìm hiểu họ kỹ hơn. Chúng ta gặp gỡ rất nhiều

người hàng ngày mà chúng ta không biết tí gì về họ. Hãy thay đổi - bạn không thể biết được chuyện gì sẽ đến.

Chấp nhận tổn thương không hề đơn giản trong giai đoạn ban đầu. Nó đòi hỏi bạn phải bước chân ra ngoài vùng an toàn của mình. Trong các bài nói chuyện của tôi, tôi có thể đoán trước đây là phần tôi sẽ mất đi sự chú ý của khán giả. Một ai đó thế nào cũng hét lên: “Chuyện gì xảy ra nếu ai đó sử dụng những thông tin này chống lại tôi?” Hoặc “Nơi tôi làm việc không áp dụng lời khuyên này được - nó không nằm trong văn hóa của tổ chức”.

Phụ nữ nói với tôi: “Nam giới không thể tổn thương theo kiểu này; họ cạnh tranh với nhau ghê lắm”. Và nam giới thì nói với tôi: “Phụ nữ không làm theo cách này; họ không chấp nhận tỏ ra yếu đuối hay nữ tính tại nơi làm việc”. Tuy nhiên khi tôi diễn thuyết, tôi yêu cầu thành phần khán giả đứng lên và nói chuyện với một người hoàn toàn xa lạ về một điều thật sự có ý nghĩa với họ - không phải là kiểu nói chuyện xã giao trong các buổi tiệc như “Chỗ anh sống thời tiết có đẹp không?” Kiểu nói chuyện này chỉ làm cho người ta quên mất tên của nhau trước khi kết thúc câu.

Không, quan điểm của tôi là khởi đầu những mối quan hệ thật sự ngay lập tức. Điều này bắt buộc khán giả phải chấp nhận rủi ro một chút vốn không thường xảy ra trong một phòng họp lớn. Tôi không quan tâm đến việc giải trí cho khán giả, hay chỉ đưa ra lý thuyết về quá trình. Tôi muốn khán giả phải thay đổi thật sự - ngay lập tức! Khi lần đầu tiên tôi yêu cầu mọi người đứng dậy và chia sẻ điều mình quan tâm nhất, tôi có thể thấy những thái độ khoanh tay và mặt mày lầm lì. Nhưng điều buồn cười là, một khi họ đã bắt đầu, tôi phải vất vả lắm mới đưa họ trở lại ghế ngồi được.

Tôi cảm thấy cũng không kém phần quan trọng là yêu cầu họ không chỉ nói về vấn đề mình quan tâm mà còn giải thích vì sao. Yêu cầu họ kể một câu chuyện! Thành thật mà nói, có nhiều khi làm bài tập này tôi không thể kiểm soát được khán giả của mình nữa và không cách chi đưa họ vào chỗ ngồi - và đó là lúc mà tôi biết là chúng tôi đang đi đúng hướng.

Một phần của tài liệu Ai che lưng cho bạn: Phần 1 (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)