Khả năng gắn kết với nền kinh tế trong nước

Một phần của tài liệu Phát triển khu kinh tế một số nước châu á và kinh nghiệm cho khu kinh tế nam thành phố hồ chí minh (Trang 150 - 152)

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ nằm trong vùng KTTĐPN, đồng thời cũng là đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế và là trung tâm kinh tế lớn nhất vùng mà còn là đầu tàu, động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Quy mô kinh tế tính theo tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GRDP) toàn Thành phố năm 2020 ước chiếm 22,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước và khoảng 48,4% GRDP của vùng KTTĐPN, thu ngân sách năm 2020 đạt 405.828 tỷ đồng, chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước [2].

Vùng KTTĐPN bao gồm: TP.HCM và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Một trong những thế mạnh lớn nhất của vùng KTTĐPN là đầu tàu phát triển kinh tế của

cả nước, là địa bàn có vai trò đầu nối các khu vực ĐBSCL và khu vực Tây Nguyên.

Giai đoạn 2013 - 2015, tỷ trọng tổng thu ngân sách của vùng KTTĐPN trong tổng thu ngân sách cả nước đạt mức trung bình khoảng 50% (trong đó TP.HCM chiếm khoảng 23,8%). Năm 2016 và 2017 các địa phương trong Vùng tiếp tục phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần mức trung bình của cả nước, đóng góp 60% ngân sách cả nước, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam [37]. Điều này cho thấy vị trí, vai trò, thế mạnh của các địa phương trong Vùng. Việc hình thành vùng kinh tế trọng điểm góp phần tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng cùng phát triển. Đây là điều kiện tiền đề quan trọng để Khu kinh tế Nam TP.HCM gắn kết với kinh tế khu vực.

Hơn thế nữa, ngoài hệ thống các KCX, KCN trên địa bàn TP.HCM, khu Nam Thành phố còn tiếp giáp với những trung tâm phát triển của các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang,…đây là điều kiện thuận lợi tạo nền tảng trao đổi và chuyển giao công nghệ “cứng và mềm” giữa NĐT trong KKT và bên ngoài, kết nối hỗ trợ kinh doanh, dịch chuyển tự do nguồn lao động có tay nghề và doanh nhân giữa KKT và bên ngoài.

Thành phố Hồ Chí Minh nằm giữa: Vùng ĐBSCL - nơi sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, vùng Đông Nam Bộ, và Tây Nguyên - vùng sản xuất công nghiệp và cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của các địa phương này tham gia cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp trong KKT. Quan hệ kết nối này giữa các doanh nghiệp lớn trong các KKT và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các địa phương sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ của địa giới hành chính hay các địa phương.

Một phần của tài liệu Phát triển khu kinh tế một số nước châu á và kinh nghiệm cho khu kinh tế nam thành phố hồ chí minh (Trang 150 - 152)