2.2.5.1. Những bệnh hay gặp ở lợn nái sinh sản
a. Hội chứng viêm vú, viêm tử cung, mất sữa (MMA)
Theo trung tâm Chẩn đoán và cố vấn thú y (2010) [17] hội chứng viêm tử cung - viêm vú - mất sữa (MMA - Mastitis - Metritis - Agalactia) là một hội chứng phức hợp các căn nguyên bệnh trên lợn nái, bệnh thường xảy ra trong giai đoạn lợn nái trước và sau khi đẻ. Hội chứng này nằm trong nhóm bệnh do quản lý, bởi vậy, ta hoàn toàn có thể khống chế được.
Theo Nguyễn Thị Hồng Minh và cs (2013) [10], triệu chứng lâm sàng và điển hình của lợn nái mắc hội chứng MMA là: sốt, kém ăn, mệt mỏi, chảy dịch viêm ở tử cung, không cho con bú, viêm sưng vú... Số lượng hồng cầu, thể tích hồng cầu, nồng độ huyết sắc tố và huyết sắc tố trong 1 hồng cầu của lợn mắc hội chứng MMA đều cao hơn các chỉ tiêu ở lợn bình thường.
b. Bệnh viêm vú trên lợn nái
* Nguyên nhân:
Lợn nái bị nhiễm khuẩn: Trường hợp này, lợn nái có thể bị một số vi khuẩn xâm nhập trong núm vú gây viêm vú: E.coli, Staphylococcus, Streptococcus, Pseunomonas,...
Lợn nái thiếu dinh dưỡng: Trường hợp này hay gặp vào mùa nóng, lợn nái kém ăn trong khi nhu cầu dinh dưỡng trong lúc này đang cần rất cao để sản sinh ra sữa nuôi con. Điều này dẫn đến lợn nái kém sữa, mất sữa.
Lợn nái bị phù tuyến vú: Nguyên nhân là do lợn nái ăn nhiều trước khi đẻ, lợn nái uống ít nước dẫn đến bị táo bón, hay cũng có thể do lợn nái bị stress. Lợn nái bị dịch phù tích lại trong mô bào tuyến vú, dẫn đến các bầu vú cứng, lợn nái cảm thấy khó chịu (nhưng không cảm thấy đau) do sức ép của dịch phù. Lợn nái có tuyến vú kém phát triển nguyên nhân có thể do di truyền, do hormone, do thiếu dinh dưỡng, độc tố nấm mốc,... có thể dẫn đến tuyến vú của lợn nái kém phát triển, gây thiếu sữa, mất sữa.
* Triệu chứng
Lê Hồng Mận (2002) [9] cho biết, bình thường bệnh viêm vú xảy ra ngay sau khi đẻ 4 - 5 giờ cho đến 5 - 7 ngày có khi đến một tháng. Viêm vú thường xuất hiện ở một vài vú nhưng đôi khi cũng lan ra toàn bộ các vú. Vú có màu hồng, sưng đỏ, sờ vào thấy nóng, hơi cứng, ấn vào lợn nái có phản ứng đau. Lợn nái giảm ăn, trường hợp nặng thì bỏ ăn, sốt cao 40,5 - 42ºC kéo dài trong suốt thời gian viêm, sản lượng sữa giảm, lợn nái thường nằm úp đầu vú xuống sàn, ít cho con bú. Lợn con thiếu sữa kêu la chạy vòng quanh lợn mẹ đòi bú, lợn con ỉa chảy, xù lông, gầy tọp, tỷ lệ chết cao 30 - 100%. Vắt sữa ở những vú bị viêm thấy sữa loãng, trong sữa có những cặn hoặc cục sữa vón lại, xuất hiện những mảnh cazein màu vàng, xanh lợn cợn, đôi khi có máu.
* Hậu quả của bệnh viêm vú
Theo Nguyễn Xuân Bình (2000) [2] mất sữa sau khi đẻ là do kế phát từ bệnh viêm tử cung và viêm vú. Do khi bị viêm cơ thể thường sốt cao liên tục 2 - 3 ngày, nước trong máu và trong mô bào bị giảm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, nhất là quá trình hấp thu chất dinh dưỡng trong đường tiêu hóa bị giảm dần dẫn đến mất sữa, khả năng phục hồi chức năng tiết sữa sẽ bị hạn chế thường xảy ra ở lứa đẻ tiếp theo.
Các nghiên cứu của Trekaxoa A.V. (1983) [16] về chữa bệnh viêm vú cho lợn nái hướng vào việc đưa ra các phương pháp chữa kết hợp. Dùng Novocain phong bế phối hợp với điều trị bằng kháng sinh cho kết quả tốt. Để phong bế thần kinh tuyến sữa, tác giả đã dùng dung dịch Novocain 0,5% liều từ 30 - 40ml cho mỗi lá vú. Thuốc tiêm vào mỗi thuỳ vú bệnh, sâu 8 - 10cm. Dung dịch Novocain còn được bổ sung 100 - 200 ngàn đơn vị Penicillin hay kháng sinh khác. Đồng thời, lợn nái còn được tiêm bắp cùng một loại kháng sinh trong Novocain này, từ 400 - 600 đơn vị, mỗi ngày 2 - 3 lần.
c. Bệnh viêm tử cung ở lợn nái
Theo Trần Tiến Dũng và cs (2002) [4] viêm tử cung là một quá trình bệnh lý thường xảy ra ở gia súc cái sinh sản sau đẻ. Quá trình viêm phá huỷ các tế bào, tổ chức của các lớp hay các tầng tử cung gây rối loạn sinh sản ở gia súc cái làm ảnh hưởng lớn, thậm chí mất khả năng sinh sản của gia súc cái.
* Nguyên nhân bệnh viêm tử cung
Theo Nguyễn Xuân Bình (2000) [2], Phạm Sỹ Lăng và cs (2002) [6] bệnh viêm tử cung ở lợn nái thường do các nguyên nhân sau:
- Công tác phối giống không đúng kỹ thuật, nhất là phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo làm sây sát niêm mạc tử cung, dụng cụ dẫn tinh không được vô trùng khi phối giống có thể từ ngoài vào tử cung lợn nái gây viêm.
- Lợn nái phối giống trực tiếp, lợn đực mắc bệnh viêm bao dương vật hoặc mang vi khuẩn từ những con lợn nái khác đã bị viêm tử cung, viêm âm đạo truyền sang cho lợn khoẻ.
- Lợn nái đẻ khó phải can thiệp bằng thủ thuật gây tổn thương niêm mạc tử cung, vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, viêm tử cung kế phát.
- Lợn nái sau đẻ bị sát nhau xử lý không triệt để dẫn đến viêm.
- Do kế phát từ một số bệnh truyền nhiễm như: sảy thai truyền nhiễm, phó thương hàn, bệnh lao… gây viêm.
- Do vệ sinh chuồng đẻ, vệ sinh bộ phận sinh dục lợn nái trước và sau đẻ không sạch sẽ, trong thời gian đẻ cổ tử cung mở vi sinh vật có điều kiện để xâm nhập vào gây viêm.
Theo Bilkei (1994) [1], viêm tử cung thường sảy ra trong lúc sinh do nhiễm vi khuẩn E. coli gây dung huyết và các vi khuẩn gram dương.
Theo Urban (1983) [22], Bilkei (1994) [1], các vi khuẩn gây nhiễm trùng tử cung có nguồn gốc từ nước tiểu, các tác giả đã phân lập vi khuẩn từ mẫu
nước tiểu lợn nái sắp sinh thường có chứa các vi khuẩn E. coli,
Staphylococcus aureus, Streptococcus spp. Tuy nhiên, các nghiên cứu của các
tác giả khác lại ghi nhận các vi khuẩn gây nhiễm trùng tử cung là các vi khuẩn cơ hội thuộc nhóm vi sinh vật hiếu khí có mặt ở nền chuồng, lúc lợn nái sinh cổ tử cung mở, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Do đó theo Gardner (1990) [18], Smith (1995) [19], Taylor (1995) [20], tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thân thể lợn nái là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa nhiễm trùng sau khi sinh.
* Triệu chứng:
Theo Phạm Ngọc Thạch và cs (2013) [14] bệnh viêm tử cung ở lợn nái được chia làm hai thể:
+ Thể cấp tính: Con vật sốt 41 - 42ºC trong vài ngày đầu âm môn sưng tấy đỏ, dịch xuất tiết từ trong âm đạo chảy ra màu trắng đục đôi khi có máu lờ lờ.
+ Thể mãn tính: Không sốt, âm môn không sưng đỏ nhưng vẫn có dịch nhầy trắng đục tiết ra từ âm đạo, dịch nhầy thường không liên tục mà chỉ chảy ra từng đợt từ vài ngày đến 1 tuần. Lợn nái thường thụ tinh không có kết quả hoặc khi đã có thai sẽ bị tiêu thai vì quá trình viêm nhiễm niêm mạc âm đạo tử cung lan sang thai làm chết thai.
* Hậu quả của bệnh viêm tử cung
Trần Tiến Dũng và cs (2002) [4], Trần Thị Dân (2004) [3] cho biết: khi lợn nái bị viêm tử cung sẽ dẫn tới một số hậu quả chính sau:
- Khi lợn bị viêm tử cung dễ dẫn tới sảy thai.
- Lợn mẹ bị viêm tử cung bào thai phát triển kém hoặc thai chết lưu. - Sau khi sinh con lượng sữa giảm hoặc mất hẳn sữa nên lợn con trong giai đoạn theo mẹ thường bị tiêu chảy.
- Lợn nái bị viêm tử cung mãn tính không có khả năng động dục lại. - Tỷ lệ phối giống không đạt tăng lên ở đàn lợn nái viêm tử cung sau khi sinh đẻ.
Để phát hiện là lợn nái có bị viêm hay không, ta có thể quan sát qua dịch tiết từ tử cung từ đó phát hiện bệnh viêm tử cung ở lợn nái.
* Điều trị:
Theo Trần Thị Thuận (2005) [15], thụt rửa tử cung, âm đạo bằng một số các dung dịch sau: nước muối NaCl 1 - 2%, thuốc tím KMnO4 0,1%, lugol 0,5 - 1%, rivanol 1 - 2%, thụt rửa 2 - 3 lần trong ngày đầy tiên, những ngày sau mỗi ngày một lần. Nếu con vật sốt, mệt mỏi tiêm thuốc toàn thân: kháng sinh penicillin + streptomycin hoặc ampicillin và thuốc trợ sức B - complex, cafein natribenzoat.
d. Bệnh bại liệt sau sinh
* Nguyên nhân gây bệnh:
- Do thai quá to, tư thế và chiều hướng của thai không bình thường. - Quá trình thủ thuật kéo thai quá mạnh hay không đúng thao tác…
Từ đó gây tổn thương thần kinh tọa hoặc ảnh hưởng đến đám rối hông khum → lợn mẹ bại liệt.
* Biểu hiện bệnh:
- Lúc đầu lợn mẹ đi lại khó khăn, về sau không đứng lên được mà nằm bẹp 1 chỗ.
- Bệnh thường kế phát với 1 số bệnh ở hệ tiêu hóa, hô hấp như: chướng bụng đầy hơi, viêm phế quản cấp.
- Nếu bệnh kéo dài, con vật dễ bị loét từng mảng da phía tiếp xúc với nền, sàn chuồng.
- Sau 3 - 4 tuần con vật gầy dần và chết. * Biện pháp khắc phục:
- Thao tác can thiệp kịp thời, đúng kỹ thuật.
- Hằng ngày trở mình cho lợn mẹ → tránh bầm huyết, hoại tử da và kế phát với chướng bụng, đầy hơi.
- Tăng cường thức ăn có bổ sung nguyên tố vi lượng nhất là canxi và photpho. - Tiêm Mg - canxium cho lợn, đồng thời kết hợp với châm cứu.
2.2.5.2. Những bệnh thường gặp ở lợn con theo mẹ a. Bệnh lợn con phân trắng
* Nguyên nhân
- Do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá từ môi trường chăn nuôi (có thể là do E. coli). - Do điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột (nhiệt độ cao quá hoặc giảm đột ngột khiến lợn bị nhiễm lạnh), các chất thải của chăn nuôi khiến môi trường và nền chuồng ẩm ướt, có mùi hôi nồng (khí NH3, H2S).
- Do thức ăn, nước uống cho lợn mẹ không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt quá trình bảo quản thức ăn không tốt làm cho thức ăn bị nấm mốc sinh độc tố Aflatoxin hoặc đôi khi do thay đổi đột ngột loại thức ăn của lợn mẹ.
Bệnh mắc ở lợn con từ 2 - 3 giờ sau khi sinh ra đến 21 ngày tuổi. * Triệu chứng
Lợn kém bú, rồi bỏ hẳn, ủ rũ, đi đứng siêu vẹo. Lợn đi ỉa, da khô nhăn nheo, đầu to bụng hóp, lợn gầy sút rất nhanh, hậu môn thường dính bết phân. Niêm mạc mắt nhợt nhạt, 4 chân lạnh, thở nhanh. Lợn rặn rất nhiều khi ỉa. Màu phân lúc đầu trắng sữa sau đó chuyển sang trắng đục, có mùi tanh, khắm đặc trưng. Phân dính nhiều vào đít, vào khoeo.
* Bệnh tích
- Dạ dày giãn rộng, đường bề cong lớn bị chảy máu (xuất huyết). - Dạ dày chứa đầy sữa đông vón không tiêu.
- Ruột non chứa đầy hơi, xuất huyết từng đoạn * Phòng, điều trị bệnh
- Phòng bệnh bằng vệ sinh dinh dưỡng: chăm sóc, nuôi dưỡng lợn mẹ, lợn con tốt. Cần chú ý khâu thức ăn cho mẹ phải tốt cả về số lượng và chất lượng, không nên thay đổi thức ăn của lợn mẹ trong quá trình đang cho lợn con bú sữa. Thực hiện tốt 3 khâu: chống lạnh, chống ẩm và chống bẩn; chuồng trại thoáng mát mùa hè, ấm mùa đông… Tập cho lợn con ăn sớm với thức ăn có
chất lượng cao, tiêm sắt cho lợn con. Ngoài ra có thể bổ sung chế phẩm sinh học “Vườn Sinh Thái” vào khẩu phần ăn cho lợn từ 18 ngày tuổi trở lên, cứ 2 ngày cho ăn một lần theo hướng dẫn ghi trên bao bì của sản phẩm. Cho ăn liên tục sẽ giúp lợn tăng cường khả năng tiêu hóa, tăng sức đề kháng…
- Phòng bằng vắc-xin cho cả mẹ và con: Tiêm cho mẹ 1 - 2 tuần trước khi đẻ. Tiêm cho lợn con vào ngày tuổi thứ 14.
- Điều trị bệnh: dùng các thuốc như: Clistin, Flumyquil, Neomycin, Antidia… đặc trị tiêu chảy, kết hợp với đường, điện giải, Sorbitol… chống mất nước, tăng cường sức đề kháng cho lợn con.
b. Bệnh viêm khớp
* Nguyên nhân gây bệnh
Các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể theo đường miệng, cuống rốn, vết thương khi cắt đuôi, bấm răng, bấm tai, các vết thương trên chân, da, đầu gối khi chúng chà sát trên nền chuồng cứng, thô ráp hoặc qua vết thiến. Một nguyên nhân khác là do lợn con sau khi sinh không được bú sữa đầu từ lợn mẹ đầy đủ, nhất là ở những lợn con bị mất mẹ…
* Triệu chứng
Lợn đi khập khiễng từ 3 - 4 ngày tuổi. Khớp chân sưng lên sau đó 7 - 15 ngày tuổi và lợn có thể chết sau đó lúc 2 - 5 tuần tuổi. Dấu hiệu viêm có thể thấy trên mọi ổ khớp nhưng thường thấy nhất là khớp cổ chân, khớp háng và khớp bàn chân. Khi rạch ổ khớp viêm thấy trong khớp có mủ đặc, có vết máu và những chất hoại tử màu trắng.
* Điều trị
Có thể sử dụng các chất kháng sinh tổng hợp như Ampicilin, Penicillin phối hợp Streptomycin… để tiêm trực tiếp vào khớp viêm và chích bắp thịt để điều trị toàn thân. Cần điều trị thật sớm ngay sau khi phát hiện ra triệu chứng viêm khớp.
* Phòng bệnh
Cần vệ sinh sát trùng chuồng đẻ kỹ lưỡng. Dùng thuốc sát trùng hoặc đun sôi các dụng cụ đỡ đẻ, kìm bấm răng, cắt đuôi, thiến heo đực… Nền chuồng nuôi lợn con không quá thô nhám, gồ ghề để tránh các vết trầy da cho heo con khi chúng tranh bú mẹ. Sau khi cắt cuống rốn cần sát trùng đầu rốn bằng cồn Iod. Cần chăm sóc, bảo đảm cho các lợn con sau khi sinh được cho bú sữa đầu đầy đủ.
c. Bệnh cầu trùng * Triệu chứng
Đầu tiên lợn tiêu chảy phân sệt, sau đó trở nên lỏng (có thể lẫn bọt). Tiêu chảy kéo dài 5 - 6 ngày, phân có màu trắng đến vàng, vàng cam, nâu hoặc có máu, có mỡ hoặc mịn, phân dính đít, đau bụng, rặn nhiều. Lợn nhiễm bệnh nặng xù lông, gầy ốm. Tỉ lệ chết do bệnh cầu trùng thấp (khoảng 20% lợn mắc bệnh) nhưng làm tăng trưởng kém cho lợn con cả giai đoạn trước và sau cai sữa.
Phòng bệnh
Các đàn lợn con mới sinh sử dụng Vicox Toltra suspension, uống 1 liều duy nhất lúc 3 - 5 ngày tuổi, liều 0,5 ml/ con sẽ phòng được bệnh.
Trị bệnh
Thuốc đặc trị: Vicox Toltra suspension: 1ml/ 2,5 kg thể trọng, ngày một lần, 2 - 3 ngày.
- Thuốc kết hợp (dùng ngày/ lần, 2 - 3 ngày): + Atropin 1ml/ 5 kg thể trọng
+ Vime - Canlamin: 1ml/ 5 kg thể trọng + Vitamin K 1ml/ 5 kg thể trọng
- Bù nước bằng cách cho uống: Vime - Electrolyte: 1g pha 2 - 4 lít nước uống hoặc truyền sinh lý mặn NaCl 0,9% 2 - 5ml/kg thể trọng/ ngày.