quan hệ đặc thù và cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Đó chính là song hành giữa sự thống nhất và đấu tranh nhau về mặt lợi ích giữa các chủ thể; sự đan xen giữa quy mô lớn với quy mô; số ít doanh nghiệp với số đông nông dân; kỳ vọng ổn định với những biến động rủi ro của thời tiết, thiên tai và thị trường.
2.1.3. Vai trò của quan hệ lợi ích trong phát triển nông nghiệp hữucơ cơ
Một là, quan hệ lợi ích trong phát triển nông nghiệp hữu cơ là cơ sở, điều kiện đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các chủ thể tham gia nói riêng và nền nông nghiệp hữu cơ nói chung.
Suy cho cùng, tất cả các mối quan hệ, các hoạt động hợp tác, liên kết giữa các chủ thể trong nông nghiệp hữu cơ đều xuất phát từ lợi ích. Lợi ích chính là sự phản ánh mối quan hệ giữa người với người trong hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ và là biểu hiện sống động nhất của các mối quan hệ. Đối với những mối quan hệ này, chủ thể nắm tư liệu sản xuất, nắm quyền điều hành, quyền kiểm soát quá trình sản xuất, đặc biệt là nắm quyền phân phối hàng nông sản hữu cơ chính là chủ thể có vai trò chủ đạo, quyết định nhất trong các mối quan hệ lợi ích. Do đó, lợi ích và sự phân chia lợi ích của các nhóm chủ thể khác nhau là khác nhau. Hiểu một cách đơn giản thì phân chia lợi ích công bằng, hài hòa thì sẽ là điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ phát triển. Ngược lại, phân chia lợi ích giữa các chủ thể thiên vị, nhiều mâu thuẫn thì sẽ phá vỡ mối quan hệ lợi ích giữa các chủ thể, cắt đứt một hay nhiều mắt xích trong chuỗi sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, kéo lùi sự phát triển nông nghiệp hữu cơ, thậm chí làm phá sản việc xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ. Vì thế, hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhân tố thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững mô hình NNHC. Hơn nữa, nó sẽ là cơ sở nền tảng góp phần tạo nên sự bền vững các liên kết kinh tế mà các chủ thể tham gia. Sự hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông
nghiệp hữu cơ không chỉ thúc đẩy bản thân các quan hệ lợi ích của các chủ thể, mà hơn thế còn là cơ sở để hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong sản xuất NNHC.
Hai là, tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững.
Suy cho cùng, mọi hoạt động thực tiễn của con người đều hướng tới mục tiêu thỏa mãn những lợi ích nhất định. Vì vậy, chỉ khi hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể mới tạo ra động lực để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và được giám sát chặt chẽ bởi nhiều chủ thể có lợi ích gắn với chuỗi sản xuất này. Từ quá trình sản xuất từ các dịch vụ đầu vào như: cung ứng cây, con giống cho sản xuất; công nghệ gen; kỹ thuật canh tác; sử dụng các loại máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp,... đều được thực hiện theo hướng tiết kiệm tài nguyên, giảm tiêu hao năng lượng đầu vào, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng phân hóa học, thuốc từ sâu có nguồn gốc vô cơ, thay thế chúng bằng các loại phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc hữu cơ để giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm người tiêu dùng được sử dụng nông sản an toàn có lợi cho sức khỏe.
Do đó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các chủ thể mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Việc mở rộng quy mô sản xuất một mặt cho phép ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hữu cơ trên thị trường. Mặt khác, sản xuất tập trung quy mô lớn sẽ tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hữu cơ phát triển, thực hiện cơ cấu lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo hướng liên kết chặt chẽ từ sản xuất - thu gom - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo
chuỗi giá trị. Ngoài ra, việc phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng về điều kiện tự nhiên để sản xuất ra các sản phẩm có tính đặc hữu sẽ đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng. Từ đó góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn những sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Ba là, tạo sự gắn kết bền vững giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ.
Quan hệ lợi ích giữa các chủ thể phát triển nông nghiệp hữu cơ trở thành yếu tố gắn kết Nhà nước và doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân với nhau, đảm bảo cho các chủ thể này đạt được lợi ích đặt ra. Khi lợi ích giữa các chủ thể được đảm bảo, hài hòa thì quan hệ liên kết kinh tế giữa các chủ thể này được củng cố và thắt chặt. Ngược lại, khi lợi ích không được thực hiện một cách công bằng, bị xâm phạm thì sớm hay muộn quan hệ lợi ích giữa các chủ thể đều có thể bị đổ vỡ, chấm dứt khiến mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ trở nên lỏng lẻo, thiếu bền vững. Một trong những nguyên nhân được nhiều nhà kinh tế chỉ ra là do các chủ thể tham gia vào liên kết chạy theo lợi ích trước mắt của cá nhân nên không tuân thủ các cam kết đã được ký kết (Ví dụ: trong mối liên kết giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Khi nông sản có giá cao hộ nông dân tìm cách phá vỡ hợp đồng bán cho thương lái với giá cao hơn để tìm kiếm lợi ích kinh tế. Ngược lại cũng nhiều trường hợp khi giá thấp hơn so với cam kết giá mua trong hợp đồng thì doanh nghiệp chấp nhận mất phần vốn đã tạm đặt cọc cho hộ nông dân để phá vỡ hợp đồng không tiếp tục mua nông sản cho nông dân để tránh tổn thất về tài chính). Những hiện tượng phá bỏ cam kết trong hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp rất khó đưa ra xử lý vì những lý do như: do quy mô của sản xuất nhỏ nên giá trị hợp đồng ít, trong trường hợp khởi kiện thành công thì phần giá trị bồi thường không đáng kể;
thủ tục khiếu kiện rất phức tạp, tốn thời gian của doanh nghiệp; ngoài ra doanh nghiệp ngại khi tham gia khiếu kiện sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh và thương hiệu...
Để hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ có nhiều cách mà các nước trên thế giới đã thực hiện rất thành công như: (i) trong hợp đồng cho phép các chủ thể được điều chỉnh giá nông sản hữu cơ trong một biên độ giới hạn (thường biên độ này do các chủ thể khi ký kết hợp đồng đã thỏa thuận trước và không trái với quy định của pháp luật). Việc cho phép điều chỉnh biên độ giá sẽ không làm cho thiệt hại dồn hết về một phía dẫn tới đơn phương phá vỡ hợp đồng, đây là nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa các chủ thể để đảm bảo tính gắn kết; (ii) thông qua các biện pháp quản lý hành chính, chính quyền và các cơ quan chức năng có thể thực hiện không cấp giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm hữu cơ đối với các chủ thể vi phạm cam kết trong các hợp đồng kinh tế lặp lại nhiều lần... Hài hòa quan hệ lợi ích giữa cá chủ thể có vai trò quan trọng trong việc tạo lập niềm tin, từ đó tạo sự gắn kết giữa các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bốn là, tạo khâu đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, ngoài rào cản về thuế quan, nhiều quốc gia, khu vực có nền kinh tế phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, EU … đều áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dư lượng chất kháng sinh trong nông sản, thực phẩm với tiêu chuẩn rất cao. Với quy trình sản xuất được quản lý nghiêm ngặt trong từng khâu, từng giai đoạn của quá trình sản xuất dưới sự giám sát của nhiều bên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường sinh thái, không gây tổn hại tới môi trường. Đây là phương thức
tốt nhất để vừa nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản xuất khẩu, vừa giúp nông sản nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp các chủ thể đến với nhau để tìm ra phương thức kết hợp tối ưu nhất nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, vốn, công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất để cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, giá thành phù hợp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của của nông sản hữu cơ. Từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường thế giới.
Năm là, hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể sẽ góp phần củng cố, duy trì các mối quan hệ kinh tế - xã hội giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh, từ đó thực hiện phân công lao động xã hội, chuyên môn hóa sản xuất.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống với công nghệ sản xuất hiện đại. Do đó phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ đòi hỏi quá trình phân công lao động không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn cả trong khu vực nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, đa dạng hóa với hai xu hướng là: (i) chuyển từ lao động nông nghiệp với kỹ thuật và phương thức truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống với công nghệ hiện đại; (ii) chuyển một phần lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển sẽ mở ra những ngành nghề mới như: dịch vụ về cây, con giống đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của sản xuất hữu cơ; dịch vụ về khoa học, kỹ thuật cho sản xuất; dịch vụ về kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm; chế biến và bảo quản nông sản; phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng... Ngoài ra, việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn cho phép khai thác các loại hình du lịch sinh thái kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng với tham quan các khu trang
trại nông nghiệp hữu cơ, trong đó cho phép du khách thực hiện một khâu nào đó trong quá trình sản xuất (thường là khâu thu hoạch rau, củ, quả hoặc gieo cấy). Đây là loại hình dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Như vậy, hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ kết nối người nông dân với các chủ thể khác trong chuỗi sản xuất, thúc đẩy chuyên môn hóa sản xuất, phân công lao động nông nghiệp, nông thôn.
Sáu là, hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp hữu cơ với quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống các tiêu chí thân thiện với môi trường, loại bỏ hoàn toàn các chất hóa học ra khỏi quy trình sản xuất. Vì vậy, một mặt phát triển nông nghiệp hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đó cũng chính là môi trường sống của người nông dân, mặt khác với hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần cải thiện thu nhập, từ đó nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn.
Ngoài ra, việc loại bỏ các chế phẩm hóa học khỏi chu trình sản xuất nông nghiệp, dựa vào các sản phẩm của nguồn gốc hữu cơ và các loài thiên địch để bảo vệ cây trồng, vật nuôi sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững và thích ứng tốt với những biến đổi của khí hậu.