1.3.1.1. Chất lượng thẩm định tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam — chi nhánh Thăng Long
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - chi nhánh Thăng Long hoạt động trên địa bàn quận Đống đa. Trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, Techcombank - chi nhánh Thăng Long đã đạt được những bước tiến đáng kể trong hoạt động cấp tín dụng và đối chiếu với những chỉ tiêu đánh giá chất lượng cho thấy hoạt động thẩm định tín dụng tại đây có chất lượng khá tốt và không ngừng được nâng cao, cụ thể như sau:
+ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - chi nhánh Thăng Long đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm không những đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh của mình và ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Hoạt động thẩm định tín dụng không chỉ nhằm mục tiêu phát hiện sai sót, bất hợp lý trong hồ sơ, phương án vay vốn ngân hàng của khác hàng mà còn nhằm tư vấn cho khách hàng những biện pháp triển khai kế hoạch, phương án kinh doanh một cách hiệu quả, nhờ vậy giúp nâng cao uy tín của chi nhánh cũng như mối quan hệ với khác hàng ngày càng được củng cố.
+ Công tác thẩm định tín dụng tại chi nhánh được tổ chức một cách hợp lý. Quy trình thẩm định được tuân thủ và phổ biến tới từng cán bộ làm việc tại Chi nhánh và có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, công tác thẩm định luôn có sự hỗ trợ của các bộ phận liên quan tại Chi nhánh. Nội dung thẩm định được thể hiện, trình bầy theo một trình tự logic, khoa học và linh hoạt theo tính chất từng khoản cấp tín dụng. Tính chuyên môn hóa được nâng cao và thể hiện rõ ràng thông qua việc phân nhóm cán bộ chuyên trách thực hiện thẩm định tín dụng thuộc từng sản phẩm, lĩnh vực riêng biệt, tạo điều kiện cho cán bộ tích lũy kinh nghiệm, hiểu rõ
hơn về sản phẩm, lĩnh vực được phân công. Mặc dù Techcombank - chi nhánh Thăng Long chưa xây dựng được phần mềm chuyên dùng cho hoạt động thẩm định tín dụng tuy nhiên đỗi ngũ chuyên viên phụ trách công tác thẩm định tín dụng tại chi nhánh với kinh nghiệm làm việc đã tận dụng, khai thác tối đa tiện ích của máy tính giúp cho thời gian thẩm định được rút ngắn và giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể đảm bảo chất lượng thẩm định.
+ Những thành công đạt được trong công tác thẩm định tín dụng tại Techcombank - chi nhánh Thăng Long giúp cho chất lượng hoạt động thẩm định tín dụng tại đây luôn được duy trì ở mức cao. Điều này được thể hiện thông qua chỉ tiêu dư nợ, doanh số cho vay năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu có xu hướng giảm dần.
Sở dĩ Techcombank - chi nhánh Thăng Long có thể đạt được những kết quả trên là nhờ:
+ Nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách công tác thẩm định tín dụng tại Chi nhánh bằng việc nâng cao chất lượng cán bộ đầu vào, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thẩm định.
+ Techcombank đã có hướng dẫn thống nhất về nội dung, quy trình nghiệp vụ và các hoạt động liên quan đến công tác thẩm định tín dụng. Tại Chi nhánh luôn khuyến khích việc tuân thủ nghiêm túc quy trình thẩm định tín dụng để hoạt động thẩm định tín dụng có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.
+ Chú trọng trong công tác thu thập thông tin, lưu trữ, quản lý thông tin một cách khoa học, khai thác thông tin một cách hiệu quả.
Mặc dù vậy hoạt động thẩm định tín dụng, cũng như chất lượng của công tác thẩm định tín dụng tại Techcombank - chi nhánh Thăng Long vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế:
+ Hoạt động thẩm định tình hình tài chính của khách hàng còn hạn chế. Đối với khách hàng cá nhân chủ yếu dựa vào thông tin lịch sử của khách hàng như sao kê lương, xác nhận lương hoặc hợp đồng lao động, tuy nhiên chưa đánh giá được các biến động có thể xẩy ra trong tương lai ảnh hưởng tới nguồn thu của khách
hàng. Đối với khác hàng pháp nhân là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động thẩm định tại chi nhánh mới chỉ xem xét, đánh giá các chỉ số tài chính so với các chỉ tiêu này trong những năm trước đó mà chưa so sánh với mức trung bình ngành cũng như đánh giá xu hướng biến động phát triển hoặc suy thoái của ngành trong tương lai.
+ Hoạt động thẩm định tại Techcombank - chi nhánh Thăng Long mới chỉ chú trọng đánh giá tại thời điểm trước khi cấp tín dụng còn chưa thực sự quan tâm tới việc kiểm tra, đánh giá, thẩm định tình hình khách hàng định kỳ làm cơ sở cho việc tiếp tục cấp tín dụng hoặc dừng cấp tín dụng cho khách hàng trong thời gian tới.
1.3.1.2. Chất lượng thẩm định tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam — chi nhánh Thành Công
Hoạt động thẩm định tín dụng tại Vietcombank - chi nhánh Thành Công đã đạt được những thành quả tốt, biểu hiện qua chất lượng của hoạt động thẩm định tín dụng: Dư nợ tín dụng tăng nhanh qua các năm, tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì dưới 3%.
Vietcombank - chi nhánh Thành Công luôn chú trọng vào công tác thẩm định trước khi cấp tín dụng, các món vay được Chi nhánh thẩm định, phê duyệt trên cơ sở chú trọng đánh giá tính khả thi, hiệu quả của phương án đề nghị cấp tín dụng, thực hiện triệt để phân loại khách hàng theo quy định của ngân hàng từ đó có các biện pháp thích hợp nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng của Chi nhánh.
Đồng thời, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, quá trình hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, Vietcombank - chi nhánh Thành Công luôn thúc đẩy công tác trao đổi thông tin giữa các chi nhánh, phòng ban trong ngân hàng và các cơ quan ngoài ngân hàng, từ đó nâng cao chất lượng thông tin có được nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, đánh giá được độ tin cậy của thông tin, quan hệ tín dụng của khách hàng do đó giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí thẩm định và nâng cao chất lượng công tác thẩm định tín dụng tại Chi nhánh.
Tuy nhiên hoạt động thẩm định tín dụng tại Vietcombank - chi nhánh Thành Công vẫn còn có một số điểm hạn chế gây ảnh hưởng tới chất lượng thẩm định tín
dụng tại Chi nhánh như:
+ Tổ chức cán bộ trong hoạt động thẩm định tín dụng tại chi nhánh chưa hiệu quả, chưa thực hiện chuyên môn hóa theo lĩnh vực, ngành nghề do đó đòi hỏi cán bộ thực hiện công tác thẩm định phải có sự am hiểu về nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
+ Hoạt động thẩm định chưa xem xét tới sự thay đổi của thị trường tác động đến các yếu tố, gây ra sự sai khác so với thực tế, tăng nguy cơ rủi ro trong quyết định cấp tín dụng.