năm 2003
BLTTHS năm 1988 ra đời đã đánh dấu sự phát triển của pháp luật TTHS, đây được xem là quá trình kế thừa và phát triển dựa trên việc vận dụng những kinh nghiệm và tri thức được đúc kết trong suốt quá trình xây dựng và phát triển khoa học luật TTHS. Tại Bộ luật này, BPTG được xây dựng đầy đủ và chi tiết quy định từ Điều 70 đến Điều 73. Các quy định về BPTG trong thời kỳ này đáp ứng được các yêu cầu áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định hình phạt tù trên một năm và có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. BPTG tại BLTTHS năm 1988 cũng đã thể hiện tinh thần nhân đạo khi quy định “đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới mười hai tháng, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng, trừ trường hợp đặc biệt thì không tạm giam mà áp dụng BPNC khác”.19
BLTTHS năm 1988 đã xác định được căn cứ để áp dụng tạm giam và phân loại cụ thể loại tội phạm bị áp dụng nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc cản trở quá trình giải quyết vụ án.
Việc quy định này là cơ sở cho việc xác định được bản chất của BPTG là nhằm đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án được thuận lợi, việc điều tra không bị cản trở nên cần áp dụng để ngăn chặn bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội. BPTG lần đầu được ghi nhận là biện pháp hạn chế quyền tự do thân thể của bị can, bị cáo nhưng để thể hiện sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân và đảm bảo cho 19 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988
việc áp dụng không bị tùy tiện, lạm dụng nên đã được quy định cụ thể trong BLTTHS chứ không chỉ còn quy định rải rác ở các văn bản dưới luật.
BLTTHS năm 1988 cũng đã thực hiện đúng theo quy định của Hiến pháp về việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con người, thể hiện chính sách nhân đạo đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ nhỏ. Mặc dù, BPTG là biện pháp mang tính nghiêm khắc nhất nhưng với một số đối tượng như phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 12 tháng, người già yếu, người bị bệnh nặng có nơi cư trú rõ ràng thì sẽ được miễn áp dụng.
Thời hạn tạm giam cũng được phân loại khác nhau tùy thuộc vào loại tội phạm. Những trường hợp nào được gia hạn, số lần gia hạn tối đa và thời hạn được gia hạn cũng được luật quy định chi tiết, cụ thể.
Thẩm quyền tạm giam được giao cho những người đứng đầu các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp quy định cụ thể tại điều 62 khoản 1 BLTTHS năm 1988. Lệnh bắt tạm giam phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Đây cũng được xem là một quy định tiến bộ, chặt chẽ bảo vệ được quyền con người, quyền công dân khi chỉ trao quyền cho một số người tiến hành tố tụng nhất định để tránh việc lạm dụng, tùy tiện ra lệnh bắt ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo.
Trong suốt thời gian thi hành thì BLTTHS năm 1988 cũng đã bộc lộ một số bất cập cần được sửa đổi bổ sung. Sự ra đời của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 và BLHS năm 1999 đã tạo nên những thay đổi trong lĩnh vực TTHS. Để nội dung của biện pháp tạm giam được đồng bộ thì Quốc hội đã ban hành Luật số 20/2000/QH sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 1988. Trong đó BPTG đã được sửa đổi, bổ sung: Một, trường hợp áp dụng BPTG được phân loại tội phạm phù hợp với BLHS năm 1999. Hai, là đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng (quy định cũ là không quá 12 tháng tuổi) không áp dụng BPTG. Ba, đối với thời hạn tạm giam để điều tra cũng được sửa đổi theo sự phân loại tội phạm của BLHS năm 1999.
Việc sửa đổi BLTTHS năm 1988 là một yêu cầu cần thiết để đáp ứng được những đòi hỏi trong quá trình đấu tranh, xử lý tội phạm khi đất nước ngày càng đổi mới phát triển. Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 cũng đã thông qua BLTTHS năm 2003 nhằm hoàn thiện hơn một số quy định của biện pháp tạm giam như sau:
(1) Đối với đối tượng bị tạm giam không có sự thay đổi nhiều so với quy định của BLTTHS năm 1988, nhưng tại BLTTHS năm 2003 thì 3 đối tượng đặc biệt có thể áp dụng BPTG là: bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy
nã; Bị can, bị cáo đã được áp dụng BPNC khác nhưng vẫn tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam thì họ sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
(2) BLTTHS năm 2003 đã quy định rõ hơn và thu hẹp phạm vi người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam so với BLTTHS năm 1988. Phó trưởng Công an cấp huyện không còn thẩm quyền ra lệnh tạm giam thay vào đó chỉ có Thủ trưởng CQĐT các cấp mới có thẩm quyền ra lệnh tạm giam; Loại bỏ thẩm quyền ra lệnh tạm giam của Thẩm phán TAND cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên chủ tọa phiên tòa. Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm TAND tối cao được bổ sung thêm thẩm quyền ra lệnh tạm giam.
(3)Về trình tự thủ tục tạm giam tại BLTTHS năm 2003 khá chi tiết, đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng thi hành áp dụng một cách hiệu quả, hợp lý. Tình trạng lạm dụng biện pháp tạm giam cũng như hoạt động phê chuẩn lệnh tạm giam bừa bãi đã được siết chặt không còn mang tính chất chủ quan, cá nhân.
Thông qua tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm thì có thể khẳng định vai trò quan trọng của Bộ luật đối với việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo được đất nước có thể phát triển kinh tế- xã hội vững vàng, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới xã hội, kinh tế đã xuất hiện những hạn chế làm ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội nên BLTTHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết những bất cập này.