Mỗi vị trí tổn thương khác nhau, đáp ứng với điều trị laser khác nhau. Vùng quanh mắt thường đáp ứng kém hơn so với các vùng thương tổn khác. Trong nghiên cứu của chúng tôi vùng quanh mắt sau điều trị laser cải thiện cả về sắc tố và diện tích thấp hơn so với vùng má, thái dương, trán. 15,6% thương tổn vùng mi mắt cải thiện màu sắc sau điều trị ở mức rất tốt, trong khi tỷ lệ này của vị trí vùng má, thái dương, trán lần lượt là 29%; 25%; 28,6%. Kết quả này của chúng tôi cũng không khác biệt so với nghiên cứu của các tác giả khác. Lu Z, Fang L, Jiao S khi nghiên cứu 522 bệnh nhân bớt Ota được điều trị đã nhận thấy thương tổn vùng quanh mắt đáp ứng chậm hơn so với các vị trí khác. Với màu sắc như nhau, vị trí vùng quanh mắt cần nhiều hơn 1-3 lần bắn tia laser để đạt được kết quả tương tự vị trí khác [34]. Henry H. Chan, khi nghiên cứu 119 bệnh nhân điều trị bớt Ota bằng laser Alexandrite và laser Yag thấy rằng những trường hợp thương tổn vùng quanh mắt đáp ứng điều trị kém hơn vùng khác [24], [22]. Chính Henry H. Chan đề xuất phân loại mới trong bớt Ota, trong đó thương tổn quanh mắt (dấu hiệu Panda) là một dấu hiệu chỉ điểm điều trị khó [22].
Nguyên nhân điều trị bớt Ota vùng quanh mắt đáp ứng kém hơn so với vị trí khác được giải thích là do sự khác nhau về mức độ thương tổn mô bệnh học. N-K.Rho, W-S.Kim, khi nghiên cứu 40 mẫu sinh thiết bớt Ota đã ghi nhận vị trí thương tổn bớt Ota khác nhau, độ tập trung sắc tố cũng khác nhau. Trong hình ảnh mô bệnh học vùng mi mắt có độ tập trung sắc tố melanin nhiều hơn so với vùng má trên cùng một bệnh nhân bớt Ota. Mặt khác do cấu trúc da vùng mi mắt mỏng, dễ khuyếch tán, dễ sưng hơn các vùng da khác nên ngay khi tia laser bắn vào, vùng da lập tức có hiện tượng sưng nề, thoát dịch, dẫn đến giảm năng lượng tia laser do một phần tia đã bị hấp thu bởi nước.
Những trường hợp có thương tổn đối xứng hai bên đáp ứng điều trị kém hơn so với những thương tổn một bên mặt. Trong 35 bệnh nhân được
điều trị của chúng tôi có 2 trường hợp tổn thương song phương 2 bên mặt, sau 8 lần điều trị 1 trường hợp đáp ứng mức độ trung bình, 1 mức độ kém và đây là trường hợp duy nhất đáp ứng mức độ kém về cải thiện kích thước sau điều trị. Điều trị những trường hợp thương tổn 2 bên mặt kết quả thấp hơn và thường cần nhiều lần điều trị hơn so với những trường hợp bớt Ota một bên mặt cũng là nhận định chung của nhiều tác giả khi tiến hành điều trị bớt Ota. Các tác giả Omprakash, Cheng-Jen Chang, Henry H. Chan khi sử dụng laser Yag Q-switched điều trị bớt Ota đều nhận thấy không có trường hợp nào bệnh nhân tổn thương hai bên mặt đáp ứng điều trị cải thiện >70% với ≤ 8 lần điều trị, để đạt mức cải thiện này có những trường hợp cần điều trị 11-12 lần [40][11][23].