Đánh giá về thực trạng rủi ro tín dụng tại các Ngân hàng thương mại Việt

Một phần của tài liệu Phân tích các nhân tố tác động đến rủi ro tín dụng tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam. (Trang 112 - 116)

Việt Nam trong phạm vi nghiên cứu

3.4.1. Những kết quả đạt được

Rủi ro tín dụng là loại rủi ro chủ yếu luôn tiềm ẩn trong các Ngân hàng thương mại. Rủi ro tín dụng gây ra những tổn thất nặng nề cho các ngân hàng. Trong những năm gần đây, sau khi rủi ro tín dụng xảy ra gây nặng nề cho các ngân hàng thì các Ngân hàng thương mại Việt Nam ngày càng chú trọng tới công tác quản trị rủi ro tín dụng. Để giảm thiểu rủi ro tín dụng các Ngân hàng thương mại chú trọng tới công tác quản trị rủi ro tín dụng, các ngân hàng đã dần ứng dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel 2 trong công tác quản trị rủi ro. Các NHTM thường xuyên phải đo lường, đánh giá rủi ro tín dụng để có những biện pháp kịp thời hạn chế những tổn thất xẩy ra với ngân hàng.

Qua phân tích các số liệu thứ cấp thu thập từ các NHTM Việt Nam giai đoạn 2011-2020 qua một số chỉ tiêu đánh giá, cho thấy rủi ro tín dụng của các ngân hàng ngày càng được giảm thấp cụ thể như sau:

(1) Tỷ lệ nợ xấu:

Tỷ lệ nợ xấu là trong những chỉ tiêu trực tiếp đánh giá chất lượng tín dụng của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu ≤ 3% thì chứng tỏ rằng ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, rủi ro tín dụng thấp. Các NHTM Việt Nam nghiên cứu với các số liệu thống kê về tỷ lệ nợ xấu cho thấy các ngân hàng đã nỗ lực trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng, tỷ lệ xấu của các ngân hàng ngày càng giảm thấp. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đều ở ngưỡng ≤ 3% ngoại trừ năm 2012 là 3,25% và có nhiều ngân hàng nghiên cứu trong giai đoạn 2011-2020 qua các năm đều có tỷ lệ nợ xấu < 3% như Viettinbank, BIDV, ACB, LienViet, MB, OCB, HDBank, NamAbank, Eximbank, Vietcombank, VIB. Có được điều này là do các ngân hàng đã

thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro tín dụng, đã ứng dụng Basel trong quản trị rủi ro tín dụng.

(2) Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng:

Để phòng tránh rủi ro tín dụng các NHTM phải trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng theo quy định của NHNN. Tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD là một trong những chỉ tiêu trực tiếp đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD cao thì chi phí dự phòng của ngân hàng tăng cao làm giảm lợi nhuận của ngân hàng và tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD càng cao thì càng thấy mức độ rủi ro với danh mục tín dụng lớn. Theo kết quả phân tích chỉ tiêu tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD của các NHTM Việt Nam nghiên cứu trong giai đoạn 2011-2020 cho thấy các ngân hàng đạt được kết quả đáng kể trong công tác quản trị rủi ro tín dụng, hạn chế những tổn thất tín dụng xảy ra. Tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD trung bình của các ngân hàng dao động ở mức là 1,23% - 1,77%, thấp nhất năm 2019 và cao nhất là năm 2015. Các ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD thấp đa số dưới 1% phải kể tới là các ngân hàng như Viettinbank, ACB, Sacombank, OCB, Eximbank, HDBank, NamAbank. Điều này có được là do các ngân hàng ngày càng chú trọng tới công tác quản trị rủi ro tín dụng, các ngân hàng đều có bộ phận chuyên trách về quản trị rủi ro tín dụng và các ngân hàng đều tuân thủ các quy định về phòng ngừa rủi ro, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, xử lý rủi ro tín dụng theo quy định của NHNN.

(3) Dư nợ cho vay/Tổng tài sản:

Tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tài sản càng cao thì thu nhập của ngân hàng càng lớn nhưng đồng nghĩa là rủi ro tín dụng của ngân hàng càng cao. Để giảm rủi ro thì các ngân hàng phân tán rủi ro, tài sản của ngân hàng không quá lớn ở mục dư nợ cho vay. Theo tính toán phân tích số liệu thu thập từ báo cáo thường niên của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 thì cho thấy tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tài sản trung bình của các ngân hàng ở mức 46,52% - 64,41%. Các NHTM có tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tài sản giai đoạn 2011-2020 các năm hầu hết ở mức 50%- 60% phải kể tới các ngân hàng như Vietcombank,ABBank,Sacombank, Techcombank, MB, OCB, MSB, SCB, HDBank. Các ngân hàng có tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tài sản ở mức 50%-60% đây là tỷ lệ hợp lý đảm bảo việc phân tán rủi ro nhưng đồng thời tăng thu nhập cho ngân hàng. Tuy nhiên theo số liệu thống kê có nhiều ngân hàng tỷ lệ Dư

nợ cho vay/Tổng tài sản ở dưới mức 50%, tỷ lệ này càng nhỏ thì mức độ tập trung tài sản vào khoản mục tín dụng thấp do đó rủi ro tín dụng của ngân hàng thấp nhưng lợi nhuận của ngân hàng không đạt được ở mức tối đa.

(4) Tốc độ tăng trưởng tín dụng:

Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng sẽ dẫn tới nguy cơ rủi ro tín dụng đối với ngân hàng trong tương lai. Theo số liệu thống kê từ báo cáo thường niên của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020, kết quả cho thấy tốc độ tăng dư nợ cho vay của các NHTM có sự biến động và khác giữa các ngân hàng, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, hợp lý ở mức 10%-15% như Sacombank, Vietcombank, Vietinbank, VPBank… Mức tăng trưởng tín dụng hợp lý sẽ giúp ngân hàng tăng thu nhập lãi với với nguy cơ rủi ro thấp.

3.4.2. Những hạn chế

Mặc dù các ngân hàng đã nhận thức được những tổn thất to lớn mà rủi ro tín dụng gây ra, các ngân hàng đã nỗ lực trong công tác quản trị phòng ngừa rủi ro tín dụng nhưng hiện vẫn có những ngân hàng vẫn gặp phải những rủi ro tín dụng như tỷ lệ nợ xấu cao trên 3%, tăng trưởng tín dụng nóng, tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD cao.

Qua phân tích các số liệu thứ cấp thu thập từ các NHTM Việt Nam giai đoạn 2011-2020 qua một số chỉ tiêu đánh giá, cho thấy rủi ro tín dụng của các ngân hàng còn có một số hạn chế, cụ thể:

(1) Tỷ lệ nợ xấu:

Tỷ lệ nợ xấu phản ánh trực tiếp chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu càng lớn hơn 3% thì chứng tỏ chất lượng tín dụng ngân hàng càng thấp, rủi ro tín dụng ngân hàng cao. Theo số liệu thu thập từ báo cáo của các NHTM Việt Nam cho thấy mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực quản trị rủi ro tín dụng tỷ lệ nợ xấu đã được giảm dần xuống dưới mức 3%. Năm 2012 là năm hầu hết các ngân hàng có tỷ lệ xấu cao nhất. Sở dĩ, tỷ lệ nợ xấu những năm này cao là do ở giai đoạn này tỷ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh do đó làm giảm thấp khả năng trả nợ của khách hàng cho ngân hàng và từ đó dẫn tới tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng cao. Năm 2020 là năm có tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đều dưới mức 3%, tuy nhiên có nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Do đó các ngân hàng cần có biện pháp giảm thấp hơn tỷ lệ nợ xấu, giảm rủi ro tín dụng cho ngân hàng.

(2) Tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD:

Mặc dù các NHTM Việt Nam đã ngày càng chú trọng tới công tác quản trị rủi ro tín dụng, đã ứng dụng các biện pháp đo lường rủi ro tín dụng để hạn chế rủi ro tín dụng, tránh những tổn thất cho ngân hàng nhưng vẫn có những ngân hàng nguy cơ xảy ra rủi ro tín dụng với tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD khá cao. Theo số liệu tính toán phân tích tỷ lệ trích lập dự phòng RRTD trung bình của ngân hàng thấp dao động 1,23% - 1,77% giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cao thì làm gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận của ngân hàng, tăng mức rủi ro tín dụng đối với ngân hàng. Tỷ lệ trích lập dự phòng của đa số các ngân hàng thường cao hơn ở giai đoạn 2011-2015. Điều này là do các ngân hàng bị ảnh hưởng của nền kinh tế, do các doanh nghiệp làm ăn khó khăn khi lạm phát tăng cao từ đó gây ảnh hưởng tới ngân hàng trong việc thu hồi tiền vay.

(3) Dư nợ cho vay/Tổng tài sản:

Theo Nguyễn Văn Tiến (2015) tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tài sản ở mức 50%- 60% là phù hợp ở các ngân hàng thương mại hiện đại. Theo số liệu thống kê, tính toán về tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tài sản của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2020 cho thấy có một số ngân hàng có tỷ lệ này trên 60% và thậm chí ở mức trên 80%. Năm 2020 trong 20 ngân hàng nghiên cứu thì ngân hàng có tỷ lệ Dư nợ cho vay /Tổng tài sản khá cao > 60% ngoại trừ ngân hàng ABBank, MSB, OCB, HDBank. BIDV là ngân hàng có tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tài sản cao nhất 80,06%. Tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tài sản quá cao thì lợi nhuận với ngân hàng lớn nhưng điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro tín dụng ngân hàng cao do ngân hàng tập trung quá mức tài sản vào khoản mục dư nợ cho vay khách hàng.

(4) Tốc độ tăng trưởng tín dụng:

Theo số liệu thống kê các NHTM giai đoạn 2011-2020 cho thấy đa số các NHTM Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, có sự biến động. Tốc độ tăng trưởng trung bình tín dụng của các NHTM giai đoạn 2011-2020 dao động từ 15,77% - 26,43%, có sự chênh lệch lớn giữa các ngân hàng. Năm 2020, có nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng mạnh, đây là nguy cơ dẫn tới rủi ro tín dụng của ngân hàng như LienViet, NamAbank, MSB, VIB, OCB. Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp dưới 10%, thậm chí còn tăng trưởng âm như Eximbank, NCB, SCB…Tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng sẽ gây ra khó khăn cho ngân hàng

trong việc kiểm soát các khoản vay, sẽ dẫn rủi ro tín dụng trong tương lai. Ngược lại nếu tăng trưởng quá thấp hoặc âm sẽ làm giảm thu nhập lãi của ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng phải duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp đảm bảo sự phát triển của ngân hàng, tăng lợi nhuận nhưng vẫn kiểm soát, giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Một phần của tài liệu Phân tích các nhân tố tác động đến rủi ro tín dụng tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam. (Trang 112 - 116)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w