toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên di động, thanh toán qua QR Code, Tokenization,...; áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an ninh an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý.
4.2.4. Đối với nhân tố “Tăng trưởng số lượng chi nhánh và sở giao dịch củangân hàng” ngân hàng”
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tăng trưởng số lượng chi nhánh và sở giao dịch của ngân hàng tác động cùng chiều với rủi ro tín dụng ngân hàng. Điều đó có nghĩa là nếu NHTM nào càng mở rộng mạng lưới giao dịch thông qua việc mở rộng chi nhánh và sở giao dịch thì càng chiếm lĩnh được thị phần, tuy nhiên việc mở rộng mạng lưới giao dịch sẽ làm tăng chi phí hoạt động cho ngân hàng và làm tăng mức độ cạnh tranh giữa các NHTM do đó nếu NHTM không có biện pháp kiểm soát tốt hệ thống chi nhánh và sở giao dịch của mình thì rủi ro sẽ xảy ra đặc biệt là rủi ro tín dụng. Do đó, để tránh rủi ro xảy ra, các NHTM vẫn có thể mở rộng mạng lưới giao dịch của mình nhưng phải đảm bảo:
Thứ nhất, các NHTM muốn mở rộng mạng lưới giao dịch phải là những ngân hàng có nền tảng tài chính vững mạnh và phải có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện được cấp phép theo quy định trong Thông tư 21/2013 của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, theo Thông tư 21/2013 quy định về mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại, để được mở thêm chi nhánh thì ngân hàng thương mại phải kinh doanh có lãi; tỷ lệ nợ xấu không được vượt quá 3%; vốn tối thiểu cho mỗi chi nhánh là 300 tỷ đồng….
Thứ hai, Ngân hàng nhà nước chỉ chấp thuận cho các NHTM mở mới thêm chi nhánh và phòng giao dịch tại các địa bàn ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa chứ không được tập trung tại các thành phố lớn nhằm hạn chế tình trạng nơi thừa nơi thiếu dịch vụ ngân hàng và để đảm bảo phương châm ở đâu cần ở đó có ngay và ngân hàng luôn cung cấp dịch vụ ở mọi lúc mọi nơi.
Thứ ba, các NHTM có thể lựa chọn một hình thức khá đặc biệt đó là con đường sáp nhập với nhau để mở rộng mạng lưới giao dịch một cách nhanh chóng nhất và hiệu quả nhất. Chẳng hạn: trước khi sáp nhập, Sacombank có 428 điểm giao dịch, ít hơn Vietcombank, nhưng sau khi SouthernBank sáp nhập vào Sacombank thì tăng lên 564 điểm giao dịch - vươn lên đứng thứ 4 trong hệ thống chỉ sau Agribank, VietinBank, BIDV. Hay là BIDV sau khi nhận toàn bộ hệ thống MHB nhập vào đã giúp ngân hàng này có hệ thống phòng giao dịch và chi nhánh lên đến hơn 1.000 đơn vị, vươn lên dẫn đầu hệ thống các ngân hàng đã cổ phần hóa xét về mạng lưới.
Thứ tư, về kênh phân phối sản phẩm: thay vì việc phát triển kênh phân phối truyền thống là các chi nhánh và sở giao dịch thì các NHTM có thể phát triển kênh phân phối hiện đại dựa trên nền tảng của phát triển hệ thống công nghệ thông tin như: kênh phân phối thông qua máy ATM và POS, kênh phân phối dịch vụ ngân hàng điện tử. Đặc biệt là cần đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử bao gồm:
- Phonebanking: chỉ thông qua 1 cú điện thoại đơn giản mà khách hàng có thể thực hiện các giao dịch, kiểm tra và cập nhật thông tin hoạt động của ngân hàng cũng như nhờ ngân hàng tư vấn các gói dịch vụ có sẵn và sắp sửa cho ra của ngân hàng.
- Internetbanking: hiện nay internet ngày càng phát triển và trở thành phổ biến trong trong đời sống của người dân. Chính vì vậy, mọi dịch vụ liên quan đến internet đều rất thu hút khách hàng vì tính nhanh gọn, thuận lợi và không mất thời gian.
- Mobilebanking: với sự phát triển của điện thoại thông minh, mọi dịch vụ ngân hàng có thể được tích hợp thông qua ứng dụng trên hệ thống và có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào có sử dụng Wifi, mạng LAN, mạng 3G, mạng 4G. Đây có thể là sản phẩm dịch vụ được đánh giá là sản phẩm chủ đạo của các NHTM hiện nay. Tại các NHTM Việt Nam trong thời gian qua đã triển khai các dịch vụ Mobilebanking như: SMS Banking, Mobile Bank Plus, Fast Mobile…và được khách hàng đánh giá rất cao. Vì vậy, trong thời gian tới các NHTM cần nghiên cứu thêm nhiều tính năng của dịch vụ này nữa để có thể đáp ứng tất cả mọi nhu cầu cho khách hàng.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP tác động ngược chiều đến rủi ro tín dụng ngân hàng. Điều đó có nghĩa là khi nền kinh tế tăng trưởng chậm hay bị suy thoái thì khách hàng khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng thì rủi ro tín dụng ngân hàng tăng. Hay là khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng thì mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được thúc đẩy, các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh có lãi, hàng tồn kho giảm giúp quay vòng vốn nhanh, nhờ đó mà có khả năng trả nợ ngân hàng do đó rủi ro tín dụng sẽ giảm. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro tín dụng cho các NHTM thì Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần có các biện pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì các gói kích cầu nền kinh tế bằng giải pháp đầu tư trực tiếp và gián tiếp thông qua hỗ trợ lãi suất ngân hàng hay ưu tiên cho vay đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ giống như “gói kích cầu 17.000 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ 4% cho những khoản vay ngắn hạn dưới 1 năm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, sử dụng không quá 300 công nhân, không nợ đọng thuế và nợ tín dụng quá hạn” đã được thực hiện theo Quyết định 443/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009.
Gói kích cầu đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng với chi phí rẻ hơn, từ đó giảm bớt chi phí kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh và tăng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường; Nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ kịp thời của gói kích cầu đã có thêm cơ hội giữ vững và mở rộng sản xuất kinh doanh, nhờ đó mà có khả năng trả nợ ngân hàng từ đó góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và đảm bảo ổn định xã hội. Đối với ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng cải thiện hoạt động huy động vốn và cho vay của mình, một mặt, không phải hạ thấp lãi suất huy động dễ gây giảm và biến động mạnh nguồn tiền gửi và huy động; mặt khác, mở rộng đầu ra nhờ không buộc phải nâng lãi suất cho vay dễ làm thu hẹp cầu tín dụng trên thị trường và quan trọng hơn đó là giảm thiểu được rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
Thứ hai, tiếp tục duy trì sự ổn định của nền kinh tế tránh bị suy thoái: Nhà nước cần xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định và hợp lý. Việc xây dựng kinh tế vĩ mô ổn định và hợp lý tạo môi trường cho toàn bộ nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Nội dung của việc ổn định kinh tế vĩ mô bao gồm: điều chỉnh ưu tiên về đầu
tư công, kiểm soát tăng trưởng cung tiền và tín dụng, giảm thâm hụt ngân sách. Thực tiễn cho thấy sự sai lầm trong chính sách vĩ mô sẽ làm cho nền kinh tế sụp đổ ngay sau khi khủng hoảng xảy ra. Bài học từ cuộc khủng hoảng Thái Lan và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 cho thấy các quốc gia phải đặc biệt chú ý xây dựng một hệ thống lành mạnh đủ sức tiếp cận an toàn vốn nước ngoài, khai thác được tiềm năng nội lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước nên mạnh dạn đóng cửa các doanh nghiệp và NHTM làm ăn không hiệu quả tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Có như thế, các ngân hàng sẽ tránh được những biến động bất ngờ, từ đó hạn chế được rủi ro trong kinh doanh ngân hàng.
4.2.6. Đối với nhân tố “Tỷ lệ lạm phát”
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát tác động cùng chiều đến rủi ro tín dụng ngân hàng. Điều đó có nghĩa là nếu tỷ lệ lạm phát càng cao nó có thể gây ra việc vỡ nợ của khách hàng khi thu nhập thực tế của họ bị giảm đi, dẫn đến khách hàng mất khả năng trả nợ ngân hàng dó đó gây ra rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Vì vậy, để giảm thiểu và hạn chế rủi ro tín dụng thì Ngân hàng nhà nước cần phải có giải pháp để kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát. Việc duy trì lạm phát thấp sẽ giúp nền kinh tế ổn định, lãi suất ổn định và nợ xấu sẽ giảm đi. Những đề xuất nhằm kiềm chế lạm phát sau đây chỉ liên quan đến Ngân hàng nhà nước đó là:
Thứ nhất, tăng cường các giải pháp điều hành nhằm kiềm chế tín dụng tăng dưới 20% nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, sử dụng và điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ mà tập trung ở bốn công cụ chính là lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn và dự trữ bắt buộc để điều tiết lượng tiền cung ứng và thanh khoản. Bảo đảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%. Chỉ đạo các NHTM giảm đến mức tối đa tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán….
Thứ hai, kiểm soát lãi suất ở mức hợp lý theo hướng chủ động, tích cực kiềm chế lạm phát, kiềm chế tăng trưởng tín dụng, nâng cao giá trị và mức hấp dẫn của đồng VND so với ngoại tệ, đồng thời kiểm soát việc chuyển dịch tín dụng VND sang ngoại tệ, trong đó có nội dung đáng chú ý là sửa đổi cơ chế cho vay ngoại tệ để kiểm soát tốc
độ cho vay ngoại tệ khoảng 20% trên nguyên tắc chỉ phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu của nền kinh tế và có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Thứ ba, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường. Tăng cường quản lý ngoại hối, thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý, bảo đảm thanh khoản ngoại tệ, bình ổn tỷ giá, đáp ứng phát triển sản xuất, kinh doanh thiết yếu của nền kinh tế và tăng dự trữ ngoại hối.
Thứ tư, có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế và chi tiêu ngoại tệ ra nước ngoài của các tổ chức và cá nhân. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính để có các biện pháp quản lý chặt chẽ việc đầu tư và cho vay ra nước ngoài của các tổ chức kinh tế và các NHTM...
4.3. Những hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo
Thứ nhất, khi nghiên cứu các nhân tố tác động đến rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại, luận án mới chỉ tập trung phân tích các nhân tố định lượng mà chưa phân tích và đo lường sự ảnh hưởng của các nhân tố định tính bên trong ngân hàng như: chính sách tín dụng của ngân hàng, đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng, nguồn thông tin thu thập từ khách hàng và các nhân tố từ phía khách hàng như: khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, khách hàng không có thiện chí trả nợ ngân hàng, trình độ và năng lực quản lý của khách hàng yếu kém dẫn đến sử dụng vốn vay không hiệu quả, tình hình tài chính của khách hàng không tốt lại sử dụng vốn vay quá lớn… dẫn đến kết quả đo lường là chưa thật sự đầy đủ. Do đó các nghiên cứu tiếp theo có thể tiến hành phân tích và đo lường sự ảnh hưởng của các nhóm nhân tố định tính này.
Thứ hai, về phạm vi không gian nghiên cứu: tác giả lựa chọn 20 NHTM Việt Nam để nghiên cứu, như vậy lượng mẫu phục vụ cho việc điều tra khảo sát đối với cả hệ thống NHTM ở Việt Nam là chưa đủ tính đại diện, do đó các nghiên cứu tiếp theo có thể lựa chọn nghiên cứu với số lượng NHTM nhiều hơn hay có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu ra các tổ chức tín dụng khác trong hệ thống TCTD của Việt Nam.
Thứ ba, trong mô hình nghiên cứu của luận án; khi phân tích và đo lường các nhân tố định lượng thông qua các số liệu thứ cấp, tác giả mới chỉ đo lường được 2 nhân tố vĩ mô và 7 nhân tố vi mô. Tuy nhiên, thực tế rủi ro tín dụng còn bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố vi mô và vĩ mô khác như: đòn bảy tài chính, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ
thất nghiệp, lãi suất thực ngân hàng... Do vậy, các nghiên cứu tiếp theo có thể xây dựng mô hình đo lường thêm các nhân tố vi mô và vĩ mô khác.
KẾT LUẬN
Trong tất cả các hoạt động kinh doanh của ngân hàng, hoạt động tín dụng là một nghiệp vụ truyền thống, nền tảng và là hoạt động kinh doanh quan trọng nhất, mang lại tỷ trọng lợi nhuận lớn cho ngân hàng. Tuy nhiên, nó cũng là hoạt động phức tạp, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Rủi ro trong hoạt động tín dụng có thể tác động rất nặng nề đến các hoạt động kinh doanh khác và có thể làm tổn hại đến uy tín và vị thế của ngân hàng. Một ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, có năng lực tài chính mạnh và có hệ thống quản lý rủi ro đồng bộ, hiệu quả và chuyên nghiệp sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng tín dụng an toàn và bền vững. Thực tiễn hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy công tác quản trị rủi ro tín dụng mặc dù đã được các ngân hàng thương mại quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa được xác định, đo lường, đánh giá và kiểm soát một cách chính xác, chặt chẽ và theo thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra là cần phải xác định được các nhân tố tác động đến rủi ro tín dụng để từ đó đưa ra giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng từ các nhân tố đó.
Trên cơ sở vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bám sát với mục tiêu và phạm vi nghiên cứu, luận án đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản như sau:
Một là, hệ thống hóa những vấn đề lý luận về rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại. Với những phân tích và lập luận có tính thuyết phục, luận án đã chỉ ra những nguyên nhân của rủi ro tín dụng cũng như hậu quả của rủi ro tín dụng đối với các NHTM và đối với nền kinh tế; qua đó luận án trình bày các chỉ tiêu đo lường rủi ro tín dụng. Đặc biệt, luận án đã phân tích được những nhân tố tác động đến rủi ro tín dụng của Ngân hàng thương mại bao gồm cả nhân tố vi mô và nhân tố vĩ mô. Những nội dung này sẽ tạo cơ sở luận cho những phân tích đánh giá ở Chương 3.
Hai là, phân tích và đánh giá thực trạng rủi ro tín dụng của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2020 theo các chỉ tiêu trực tiếp và gián tiếp đo lường rủi ro