Thực trạng lo âu, trầm cảm ở đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG LO ÂU, TRẦM CẢM Ở NHÂN VIÊN CỦA HAI TRUNG TÂM Y TẾ TẠI HÀ NỘI NĂM 2021 VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN (Trang 64 - 69)

Bài kiểm tra trầm cảm PHQ-9 bao gồm 9 câu hỏi được sử dụng như là một công cụ kép, vừa phát hiện trầm cảm và vừa phản ánh được mức độ nặng của trầm cảm. [17]. GAD-7 là một bảng câu hỏi gồm 7 câu hỏi được phát triển để sàng lọc Rối loạn Lo âu Chung (GAD) và đánh giá mức độ nghiêm trọng của

nó [32]. Căn cứ theo đối tượng và địa điểm nghiên cứu, tôi quyết định sử dụng thang đánh giá trầm cảm PHQ–9 và thang đánh giá lo âu GAD-7 do thang đo có tính chất phù hợp với mục đích nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, đồng thời cũng dễ tiếp cận, có độ tin cậy cao và đã được việt hóa để đo trạng thái lo âu, trầm cảm của nhân viên y tế.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lo âu, trầm cảm của ĐTNC lần lượt là 46,2% và 14,5%. Trong đó phân loại theo mức độ lo âu thì đa số ĐTNC biểu hiện lo âu ở mức độ nhẹ, tỉ lệ lo âu của ĐTNC theo mức độ nhẹ, vừa và nặng lần lượt là: 28,2%; 17% và 1% . Tương tự, theo mức độ trầm cảm thì mức độ trầm cảm của ĐTNC theo mức nhẹ, trung bình và nặng lần lượt là 13,7%, 0,5% và 0,3%. Có 46,8% các nhân viên y tế có ít nhất một biểu hiện lo âu, trầm cảm; trong đó nhân viên y tế có một trong hai biểu hiện lo âu/trầm cảm là 32,8%; NVYT có cả hai biểu hiện lo âu, trầm cảm là 14%.

Nghiên cứu của tôi cho kết quả tỉ lệ lo âu của NVYT cao hơn nghiên cứu của tác giả Nobuyasu Awano (2020) về “Lo âu, trầm cảm và khả năng phục hồi của nhân viên y tế ở Nhật Bản trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19”. Nghiên cứu được thực hiện trên 848 nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Chữ thập đỏ Nhật Bản, sử dụng thang đánh giá rối loạn lo âu GAD-7 và Thang đo trầm cảm của Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học (CES-D), kết quả cho thấy có 10% người tham gia có biểu hiện lo âu từ trung bình đến nặng, trong khi tỉ lệ đó ở nghiên cứu của tôi là 18% [41]. Sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu là nhân viên y tế với vị trí công việc khác nhau, làm ở môi trường khác nhau, cũng như thời gian nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu của tôi được thực hiện trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn, do đó áp lực cũng như công việc của các NVYT tham gia nghiên cứu cũng nhiều hơn, dẫn đến biểu hiện lo âu ở ĐTNC cũng tăng cao. Về tỉ lệ trầm cảm, nghiên cứu của tác giả Nobuyasu Awano cho kết quả tỉ lệ trầm cảm của ĐTNC là 27,9%, cao hơn so với nghiên cứu của tôi với tỉ lệ trầm cảm là 14,5%. Sự chêch lệch này có thể do các nhân viên ở Trung tâm Y tế Chữ thập đỏ Nhật Bản làm việc trong thời gian dài trong

thời kì dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, dễ dẫn đến biểu hiện trầm cảm hơn. Ngoài ra là do thang đánh giá trầm cảm sử dụng ở hai nghiên cứu là khác nhau dẫn đến có sự khác nhau khi đánh gia biểu hiện trầm cảm của ĐTNC.

Nghiên cứu của tôi cho kết quả về tỉ lệ lo âu, trầm cảm của NVYT thấp hơn nghiên cứu của 03 tác giả Sverre Urnes Johnson, Omid V Ebrahimi, Asle Hoffart (2020). Nghiên cứu cũng sử dụng bộ câu hỏi đánh giá trầm cảm PHQ-9 và thang đánh giá rối loạn lo âu GAD-7, được thực hiện trên 1773 nhân viên y tế tuyến đầu tại Na Uy trong đợt bùng phát dịch COVID-19, nghiên cứu cho kết quả 21,5% NVYT có biểu hiện lo âu ở mức vừa và nặng; 20,5% NVYT có biểu hiện trầm cảm, trong khi tỉ lệ này ở nghiên cứu của tôi là 18% và 14,5% [45]. Nghiên cứu của tác giả được thực hiện trên đối tượng là nhân viên y tế tuyến đầu chữa trị và phục vụ bệnh nhân COVID-19, còn trong nghiên cứu của tôi là NVYT thuộc hệ dự phòng, áp lực và khối lượng của các NVYT tuyến đầu chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng là lớn hơn, dẫn đến nguy cơ biểu hiện lo âu, trầm cảm cũng lớn hơn. Sự khác nhau về đặc điểm đối tượng nghiên cứu.cũng như nền văn hoá, kinh tế giữa hai địa điểm nghiên cứu có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về kết quả giữa hai nghiên cứu.

Nghiên cứu của Yongjie Zhou và cộng sự (2020) sử dụng bộ câu hỏi đánh giá trầm cảm PHQ-9 và thang đánh giá rối loạn lo âu GAD-7 để đánh giá “Tỷ lệ và các yếu tố nguy cơ gây rối nhiễu tâm lý của nhân viên y tế tuyến đầu ở Trung Quốc trong dịch COVID-19”, nghiên cứu cho kết quả tỉ lệ trầm cảm, lo âu ở ĐTNC lần lượt là 57,6% và 45,4% [49]. Tỉ lệ lo âu ở nghiên cứu của Yongjie Zhou là tương đương với tỉ lệ lo âu ở nghiên cứu của tôi (45,4% và 46,2%). Tuy nhiên tỉ lệ trầm cảm cao hơn rất nhiều so với nghiên cứu này (57,6% so với 14,5%). Có sự khác nhau giữa hai tỉ lệ này có thể là do nghiên cứu của Yongjie Zhou được thực hiện trên các NVYT tuyến đầu chữa trị và làm việc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 trong thời gian dài, còn nghiên cứu của tôi làm trên đối tượng là các NVYT tham gia vào các hoạt động phòng dịch, không trực tiếp

tham gia chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 nên áp lực cũng được giảm bớt. Ngoài ra tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc luôn là điểm nóng với lượng bệnh nhân mắc bệnh rất cao, áp lực và khối lượng công việc của các NVYT trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân cũng sẽ rất lớn, sự khác nhau về địa điểm nghiên cứu cũng như đặc điểm con người, văn hóa tại hai quốc gia là khác nhau cũng sẽ dẫn đến sự chêch lệch này.

Nghiên cứu của JZ Huang và cộng sự (2020) đánh giá sức khỏe tâm thần của 230 nhân viên y tế tuyến đầu bằng Thang điểm tự đánh giá mức độ lo âu (SAS), kết quả cho thấy tỷ lệ lo lắng của nhân viên y tế là 23,04%, trong đó tỷ lệ lo lắng nặng, lo lắng vừa và lo lắng nhẹ lần lượt là 2,17% 4,78% và 16,09% [33]. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của tôi khá nhiều. Có sự khác biệt này có thể là do đối tượng và của hai nghiên cứu là khác nhau với những đặc thù công việc riêng, cũng như thời điểm thực hiện nghiên cứu khác nhau, ngoài ra hai nghiên cứu sử dụng thang đo đánh giá khác nhau cũng dẫn đến có sự chênh lệch giữa hai kết quả.

Nghiên cứu của ZP Huang và cộng sự (2020) nghiên cứu trên 615 nhân viên y tế, sử dụng thang đo đánh giá trầm cảm, lo âu và stress (DASS 21) đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế trong đợt dịch COVID-19. Nghiên cứu cho kết quả tỷ lệ lo âu của nhân viên y tế lần lượt là 25,37% [52]. Nghiên cứu có tỉ lệ lo âu thấp hơn so với nghiên cứu của tôi. Sự chênh lệch giữa hai kết quả nghiên cứu có thể giải thích do có sự khác nhau về văn hoá tổ chức, cách vận hành cũng như về đời sống xã hội của đối tượng tại các địa điểm khác nhau, ngoài ra hai nghiên cứu cũng sử dụng hai thang đánh giá khác nhau dẫn đến sự khác biệt về kết quả nghiên cứu.

Nghiên cứu của tôi có kết quả biểu hiện lo âu, trầm cảm thấp hơn so với nghiên cứu của Zandifar A, nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên y tế tại tỉnh Alborz, Iran, sử dụng thang đo đánh giá trầm cảm, lo âu và stress (DASS 21), cho kết quả tỉ lệ lo âu và trầm cảm lần lượt là: 51,2% và 41,7% [53]. Sự khác biệt có thể do thang đánh giá sử dụng ở hai nghiên cứu là khác nhau, cũng

như sự khác nhau về văn hóa cũng như điều kiện cơ sở vật chất, con người của hai địa điểm nghiên cứu.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Huyền (2019) sử dụng thang đo đánh giá trầm cảm, lo âu và stress (DASS 21) trên điều dưỡng viên đang làm việc tại 31 khoa lâm sàng của một bệnh viện đa khoa hạng I, cho kết quả tỉ lệ đối tượng có dấu hiệu trầm cảm và lo âu là 27,4% và 41,6% [8]. Tỉ lệ trầm cảm trong nghiên cứu cao hơn so với tỉ lệ trầm cảm ở nghiên cứu của tôi, trong khi tỉ lệ lo âu lại thấp hơn. Sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu của hai nghiên cứu có sự khác nhau. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Huyền thực hiện trên điều dưỡng khoa lâm sàng của bệnh viện, thường chịu nhiều áp lực trong việc chăm sóc người bệnh, thời gian dài trong môi trường làm việc đó dẫn đến tỉ lệ trầm cảm ở đối tượng khá cao. Nghiên cứu của tôi thực hiện trên các nhân viên y tế khối dự phòng, tuy không phải trực tiếp chữa trị chăm sóc người bệnh nhưng thời gian bùng phát dịch Covid-19, NVYT phải tham gia các hoạt động phòng chống dịch, do đó mà tỉ lệ lo âu cũng tăng cao. Sự khác nhau về tỉ lệ lo âu trầm cảm giữa hai nghiên cứu có thể còn do bộ công cụ của hai nghiên cứu sử dụng là khác nhau nên nên sự so sánh chỉ ở mức tương đối.

So với nghiên cứu của Lê Văn Tuấn và cộng sự (2017) sử dụng thang đo DASS21 đánh giá thực trạng stress, lo âu, trầm cảm của bác sỹ tại bệnh viên E. Kết quả lo âu, trầm cảm lần lượt là 27,2%, 22,3% [24]. Kết quả trầm cảm của nghiên cứu của tôi thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của Lê Văn Tuấn, nhưng tỉ lệ lo âu lại cao hơn. Sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu khác nhau, nghiên cứu của Lê Văn Tuấn là đánh giá trên toàn bộ bác sỹ bệnh viện E do bác sĩ luôn phải làm việc với đa số người bệnh bị ung thư nên áp lực của bác sỹ sẽ cao hơn và có mức độ nặng hơn.

Nghiên cứu của Lưu Thị Liên (2019) cùng thực hiện tại Trung tâm y tế tuyến quận huyện, đối tượng nghiên cứu là NVYT tại TTYT huyện Sóc Sơn, kết quả cho tỉ lệ lo âu, trầm cảm ở NVYT lần lượt là 25,35% và 16,62% [11]. Kết quả cho thấy tỉ lệ lo âu ở nghiên cứu thấp hơn so với tỉ lệ lo âu ở nghiên cứu của

tôi (25,35% và 46,2%), tuy nhiên tỉ lệ trầm cảm lại cao hơn (16,62% và 14,5%). Sự khác nhau này là do thời điểm của hai nghiên cứu là khác nhau, nghiên cứu của Lưu Thị Liên được thực hiện trước thời điểm dịch Covid-19 nên áp lực công việc cũng ít hơn so với nghiên cứu của tôi được thực hiện trong thời điểm dịch Covid-19. Sự chệnh lệch này cũng là do thang đánh giá sử dụng ở hai nghiên cứu là khác nhau, nghiên cứu của Lưu Thị Liên sử dụng thang đo DASS 21 để đánh giá còn nghiên cứu của tôi sử dụng bộ câu hỏi đánh giá trầm cảm PHQ-9 và tháng đánh giá lo âu GAD-7.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG LO ÂU, TRẦM CẢM Ở NHÂN VIÊN CỦA HAI TRUNG TÂM Y TẾ TẠI HÀ NỘI NĂM 2021 VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)