- Về chính sách đối với thị trường trong nước: định hướng chung là tiếp tục thực hiện tự do lưu thông hàng hóa, xóa bỏ tình trạng kiểm tra, kiểm soát tuỳ tiện trên đường vận chuyển; hoạt động của các ngành công an, thuế, quản lý thị trường, kiểm lâm phải tạo điều kiện hơn nữa cho hàng hóa lưu thông giữa các vùng, miền; giảm bớt phí cầu, đường và các loại phí khác đối với nông sản.
- Tổ chức tốt thị trường trong nước và lưu thông hàng hóa của mọi thành phần kinh tế; đồng thời, phát huy vai trò của thương nhân Nhà nước và hợp tác xã trên địa bàn nông thôn. Về vấn đề này, Bộ Thương mại đã có Đề án trình Chính phủ phê duyệt.
- Về thuế, từ nay đến năm 2005, đề nghị:
+ Miễn toàn bộ thuế VAT đối với sản xuất và kinh doanh nông sản thực phẩm tươi sống và chế biến trong nước.
+ Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản xuất và kinh doanh nông sản thực phẩm trong nước, nhưng có cơ chế quản lý để tái hỗ trợ đầu tư sản xuất nông sản thực phẩm.
- Đề nghị đầu tư trong nước đối với nông sản thực phẩm được hưởng ưu tiên như đối với đầu tư nước ngoài cộng với được ưu đãi các khoản thuế như trên.
- Tổ chức các kênh lưu thông hợp lý, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, nhất là thị trường nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp kích cầu:
+ Xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh hàng hoá phù hợp với quy hoạch phát triển dân cư, quy hoạch phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân và cũng để chuẩn bị đối phó khi các kinh doanh nước ngoài thực hiện quyền phân phối trên lãnh thổ Việt Nam.
+ Tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/1/1998 của Chính phủ về công tác thương mại miền núi.
+ Xây dựng mạng lưới bán nông sản tươi và chế biến đạt tiêu chuẩn về: chủng loại, chất lượng, quy cách, vệ sinh thực phẩm, hệ thống bảo quản (quầy lạnh và kho lạnh)... để đáp ứng nhu cầu cho các hộ tiêu thụ lớn như khu công nghiệp, khu du lịch, khu chế xuất...
+ Tập trung trợ giá, trợ cước vào một số mặt hàng có hiệu quả cao như: muối iốt, giống cây trồng, phân bón, chuyển dần từ hỗ trợ giá hàng bán cho nhân dân miền núi sang hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho miền núi sản xuất ra.
+ Tổ chức lại hệ thống doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, gắn sản xuất - chế biến với thị trường, bên cạnh các cơ sở chế biến cần có các xí nghiệp cung cứng, dịch vụ; tích cực tìm kiếm nguồn nông sản trong cả nước để bổ sung cho cơ cấu, chủng loại.
+ Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản nên áp dụng mô hình kinh doanh theo quy trình kép kín: "sản xuất - mua gom - chế biến - tiêu thụ" đã được một số doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng thành công.
+ Tiếp tục và mở rộng các chương trình kích cầu qua đầu tư như xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, xây dựng trường học, bệnh viện, trạm sá, trung tâm thương mại, chợ... theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm.
+ Đẩy mạnh đầu tư và triển khai đúng tiến độ các chương trình, dự án lớn của Nhà nước như Chương trình trồng mới 5 triệu héc ta rừng, Chương trình xoá giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Chương trình định canh định cư và vùng kinh tế mới...
+ Nhà nước tăng cường hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho thương nghiệp ở nông thôn (như các điểm mua gom nông sản, chế biến nông sản, chợ, hợp tác xã thương mại - dịch vụ trung tâm thương mại, trung tâm tiếp thị và xúc tiến thương mại...)
+ Dành nguồn lực thích đáng để mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động đông đảo ở nông thôn, góp phần "kích cầu" khu vực này.
+ Xây dựng và phát triển một số trung tâm thương mại, trung tâm thông tin, trung tâm kiểm tra chất lượng, chợ bán buôn nông sản ở các vùng có sản lượng hàng hóa lớn để cung ứng nông sản và các thông tin về: kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản, giống cây trồng, vật nuôi, đối tác thương mại và đầu tư, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh thực phẩm.
- Quy hoạch sản xuất kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường, nhằm giảm giá thành, giảm tỷ lệ hao hụt trong và sau thu hoạch, tiêu thụ được sản phẩm với khối lượng lớn. Hướng quy hoạch sẽ là: hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh sử dụng các loại giống có năng suất chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu thị trường. Cần hình thành vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến. Mỗi địa phương cần chọn 4 - 5 cây, con có khả năng phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương mình, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một loại cây, con
- Đẩy mạnh công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch nhằm tăng trị sản phẩm và nâng vị thế của nông sản trên thị trường (cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu). Phát triển công nghiệp chế biến nông sản phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp của nước ta. Theo Bộ Nông sản giai đoạn sắp tới ở mức khoảng 4 tỷ USD, chiếm 55,3% tổng mức vốn đầu tư cho toàn bộ khu vực nông nghiệp nông thôn. Chương trình này sẽ tập trung nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cơ sở chế biến, gắn các cơ sở chế biến với thị trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, khôi phục các cơ sở, các làng nghề truyền thống về chế độ nông sản, từng bước tạo sự kết hợp chặt chẽ với người sản xuất và cơ sở chế biến ở các vùng nguyên liệu tập trung.
- Khuyến khích kinh tế hợp tác xã, trang trại, kinh tế hộ gia đình sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Để thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển, hình thành các vùng sản xuất nông - lâm - thuỷ sản chuyên canh lớn, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
+ Về vốn: hướng trung là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Thủ tục cho vay cần được rà soát lại và các bước vay tiền cần được đơn giản hóa và chuẩn hóa để giúp nông dân vay vốn đúng thời vụ; lượng tín dụng cho vay lên được xác định theo ngành sản xuất; cung cấp nhiều thông tin về các cơ hội tín dụng và tư vấn cho nông dân về việc sử dụng vốn và các hoạt động theo dõi thường xuyên tại đồng ruộng để có thể giúp nông dân sử dụng hiệu quả đồng vốn và tạo lợi nhuận.
+ Về khoa học và công nghệ: Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các trung tâm giống, cây, con. Tổ chức tốt hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm giúp đỡ, hướng dẫn các chủ trang trại trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
+ Khuyến khích hình thành các hợp tác xã dịch vụ trên cơ sở liên kết các chủ trang trại trong việc cung ứng vật tư hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hiện đại hóa nông thôn, tạo điều kiện tốt cho sản xuất nông nghiệp và lưu thông các sản phẩm nông nghiệp; nội dung này rất rộng, nhưng liên quan đến hoạt động tiêu thụ nông sản hàng hóa và cung ứng vật tư hàng hóa ở khu vực nông thôn tập trung chính là: giao thông, trung tâm thương mại dịch vụ, chợ, kho bảo quản, dự trữ...