2.1. Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, cán bộ để đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
- Xây dựng mạng thông tin thị trường nông sản thế giới. Đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách cho mạng thông tin này. Khi mạng này hoạt động tốt sẽ phát triển thành Trung tâm dữ liệu thông tin thị trường.
- Đẩy mạnh công tác dự báo, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại bằng các nguồn vốn: nhà nước, doanh nghiệp, tài trợ của các tổ chức và cá nhân nước ngoài và trong nước.
- Xây dựng, phát triển và nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị và cá nhân tham gia Hiệp hội ngành hàng.
- Xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm giao dịch nông sản ở các thành phố lớn, các trung tâm thương mại, kho ngoại quan ở nước ngoài.
- Chính phủ tiếp tục đàm phán về các Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Hiệp định về kiểm dịch động vật và thực vật, đàm phán trả nợ nước ngoài bằng nông sản... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thâm nhập thị trường nước ngoài. Gắn đàm phán nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị với xuất khẩu nông sản...
- Nghiên cứu thành lập Quỹ Xúc tiến thương mại có sự đóng góp của các doanh nghiệp để tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng mẫu...
2.2. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xuất - nhập khẩu
- Chuyển dẫn hỗ trợ tài chính cho xuất khẩu thông qua các yếu tố cấu thành đầu ra sang hỗ trợ các yếu tố cấu thành đầu vào.
- Nhà nước thành lập các Quỹ Bảo hiểm cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ cho người sản xuất trong trường hợp rủi ro bất khả kháng như: sâu bệnh gây thiệt hại mùa màng, thiên tai...
- Nghiên cứu phương án xây dựng Trung tâm giao dịch một số loại nông sản như gạo, cà phê, chè, hạt điều, thủy sản xuất khẩu nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng này. Thực hiện và mở rộng các loại hình kinh doanh theo phương thức thị trường kỳ hạn.
- Bộ Thương mại đang soạn thảo văn bản pháp quy về hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối, thuế chống phá giá, chống trợ cấp và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.
- Xây dựng một số kho bảo quản nông sản tươi sống (kho lạnh, kho mát) tại các khu sản xuất nông sản tập trung, cửa khẩu, cảng; phát triển các phương tiện vận chuyển có thiết bị lạnh... để chủ động xuất khẩu hàng tươi sống.
2.3. Xúc tiến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường
- Những mặt hàng cung đã vượt cao so với cầu, giá xuống quá thấp (như lúa, cà phê...), cần theo dõi sát, dự báo đúng thị trường để có giải pháp phù hợp, kể cả việc ngừng hoặc hạn chế mở rộng diện tích, lấy nâng cao chất lượng và hiệu quả là chính, để tăng khả năng cạnh tranh; chuyển sang sản xuất các cây, con khác có hiệu quả hơn.
- Nhà nước có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như chính sách về đất đai, vốn, tín dụng, thuế, đào tạo nguồn
nhân lực, trong đó đặc biệt khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu.
2.4. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về thương mại
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật thương mại đã có như: Luật Thương mại, Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước...
- Ban hành và tổ chức thực hiện tốt các luật mới phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế như: Pháp lệnh về chế độ đối xử Tối huệ quốc (MFN), Đối xử quốc gia (NT); Pháp lệnh về các biện pháp tự vệ trong thương mại hàng hóa; Luật Cạnh tranh; Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp; Luật Chống chuyển giá (transfer pricing)...
- Tổ chức thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp; sửa đổi Luật Phá sản cho phù hợp với tình hình mới. - Các cơ quan thông tin đại chúng chấn chỉnh việc đưa tin không có lợi cho hàng Việt Nam (như dịch bệnh tôm, gạo, cao su, thuỷ sản lẫn tạp chất...).
2.5. Nâng cao khả năng cạnh trạnh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế
- Kiên trì thực hiện chiến lược phát triển kinh tế "hướng về xuất khẩu"; chú trọng quy hoạch phát triển các khu chuyên canh và vùng sản xuất hàng xuất khẩu tập trung.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình nâng cao khả năng cạnh tranh của từng mặt hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế.
- Hết sức coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tỷ trọng hàng hóa chế biến sâu và chất lượng hàng hóa, nhất là hàng xuất khẩu; giảm dần tỷ trọng hàng hóa sơ chế và hàng hóa bán qua các thị trường trung gian.
- Hoàn thiện các chính sách và cơ chế quản lý kinh tế - thương mại theo hướng rõ ràng, ổn định, minh bạch, phù hợp với yêu cầu hội nhập.