33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trong giai đoạn 2015-2020, với mục tiêu hỗ trợ cho hơn 311.000 hộ nghèo xây dựng nhà ở; sau khi rà soát, số hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở giảm xuống còn 240.000 hộ. Theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, các hộ nghèo được vay vốn từ ngân sách trung ương để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở với mức vay tối đa là 25 triệu đồng/hộ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến nay, cả nước đã thực hiện hỗ trợ được cho 115.650/240.000 hộ nghèo đăng ký vay vốn làm nhà ở, với tổng số vốn đã cho vay khoảng 2.891 tỷ đồng (đạt 49% kế hoạch của cả Chương trình). Dự kiến trong năm 2020 sẽ thực hiện hỗ trợ nhà ở cho khoảng 42.000 hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg.
Ngày 14/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2019/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 33/2015/QĐ- TTg ngày 10/8/2019) hướng dẫn thanh quyết toán bù lãi suất cho vay.
- Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng
bằng sông Cửu Long: Giai đoạn 2 đã hỗ trợ được trên 51.600 hộ có nhà ở an
toàn trong các cụm tuyến. Hiện nay, đang triển khai giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện đồng bộ và phát huy hiệu quả Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long 2001-2015 và đáp ứng nhu cầu di dời, ổn định đời sống cho khoảng 17.800 hộ dân. Theo Quyết định này, các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn, rà soát số lượng hộ, số lượng dự án để thực hiện. Ngày 01/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 319/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018 - 2020.
3. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Về nguồn cung nhà ở: Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
- Về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng: Trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng; trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản mới
(condotel, officetel,..) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
- Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân (theo cách đánh giá chung hiện nay: giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng). Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
- Hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.
- Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản tuy đã được chú trọng và tăng cường, tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục. Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật.
- Các quy định của pháp luật về đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. Thu nhập của các hộ thu nhập thấp tuy đã được cải thiện, nâng cao từng bước nhưng còn thấp, rất khó khăn trong việc chi trả chi phí nhà ở, kể cả trường hợp đã được Nhà nước hỗ trợ một phần. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Không ít các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội; chưa tích cực xây dựng cơ chế ưu đãi thêm để phát triển nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền để thu hút các doanh nghiệp tham gia; chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.
- Khó khăn về nguồn vốn tín dụng để phát triển nhà ở xã hội:
Trong giai đoạn 2017-2019 (sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dừng giải ngân tái cấp vốn) nguồn vốn ngân sách bố trí cho vay chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu (đến nay mới phân bổ được 2.163/9.000 tỷ đồng, đạt 24% so với nhu cầu vốn trung hạn 2016-2020); chưa có kênh huy động vốn dài hạn cho nhà ở xã hội bên cạnh nguồn vốn tín dụng, nên nhiều dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công (221 dự án), trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế. Ngày 09/4/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 41/NQ-CP bố trí bổ sung 1.000 tỷ cho Ngân hàng chính sách xã hội và 2.000 tỷ cho 04 ngân hàng thương mại được chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay.