Nhật Bản với chiêu bài xây dựng nhà nước Việt Nam độc lập trong Khố

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ NHẬT bản và TRUNG HOA dân QUỐC với PHONG TRÀO đấu TRANH GIÀNH độc lập của VIỆT NAM nửa đầu THẾ kỷ XX (Trang 43 - 49)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2 Nhật Bản với chiêu bài xây dựng nhà nước Việt Nam độc lập trong Khố

Từ cuối năm 1943, tình hình diễn biến của Chiến tranh Thế giới thứ hai ngày càng bất lợi cho quân Nhật. Trong khi tại Đông Dương, Toàn quyền Pháp ngày càng tách mình ra khỏi chính quyền Vichy tại chính quốc thì tại Pháp, Chính quyền Vichy ngày càng bất ổn và cuối cùng sụp đổ. Điều này có nghĩa là lập trường thân Nhật của chính quyền thuộc địa - trước đây liên kết với Chính quyền Vichy - cũng theo đó suy yếu dần, các hiệp định đã được ký kết trước đó vốn là cơ sở cho sự kiểm soát chung giữa Nhật và Pháp tại Đông Dương sẽ trở nên vô giá trị. Bên cạnh đó, nếu sự hợp tác nửa vời giữa Nhật và Pháp kết thúc, khả năng quân Pháp liên kết với lực lượng Đồng Minh chống lại quân Nhật tại chiến trường Thái Bình Dương là rất cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc chiến của Nhật Bản tại khu vực Châu Á - Thái Bình

Dương. Để tránh trường hợp bất ngờ bị tấn công từ phía quân Đồng Minh, Nhật Bản đã chuẩn bị phương án cho một cuộc đảo chính quân sự nhằm hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương, chính thức đặt Đông Dương dưới quyền kiểm soát trực tiếp của quân đội Nhật đồng thời biến miền Nam Việt Nam thành nơi cung cấp lương thực thực phẩm chủ yếu cho Nhật Bản tại chiến trường Châu Á. Việc thành lập một chính phủ thân Nhật tại Việt Nam sau cuộc đảo chính là điều tất yếu, tuy nhiên, ai sẽ là người được lựa chọn trong số các nhân vật đang được Nhật Bản bảo trợ: là Kỳ ngoại hầu Cường Để - người luôn giữ niềm tin tuyệt đối vào sự trợ giúp của Chính phủ Nhật hay là Ngô Đình Diệm?

Trước khi cuộc đảo chính chính thức diễn ra, các nhà lãnh đạo quân sự và ngoại giao Nhật Bản tại Đông Dương đã vạch ra các kế hoạch liên quan đến việc tiếp quản bộ máy chính quyền sau khi thay thế Pháp. Bản kế hoạch đầu tiên được đệ trình là của Trung tá Hidezumi Hayashi.9 Theo bản kế hoạch này, ngay sau cuộc đảo chính, nền độc lập sẽ được trao trả cho ba nước Đông Dương thay vì đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Nhật Bản. Đồng thời, Ngô Đình Diệm và các cá nhân thân Nhật khác sẽ được lựa chọn làm người đứng đầu chính phủ mới [20;76]. Các tướng lĩnh đồn trú tại Đông Dương đã phản đối kế hoạch này với lý do rằng các dân tộc của ba nước Đông Dương không đủ năng lực để tự điều hành đất nước đồng thời nếu Nhật Bản không thiết lập sự kiểm soát quân sự, sẽ rất khó khăn cho việc quản lý và duy trì trật tự tại đây. Dù vấp phải sự phản đối, Hội đồng tối cao Tư lệnh Đông Dương đã phê duyệt kế hoạch của Hayashi.

Cùng lúc đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Đông Dương cũng đã chuẩn bị một kế hoạch riêng cho việc tiếp quản Đông Dương sau cuộc đảo chính. Bản kế hoạch của đại sứ quán được trình bày với các mục tiêu: nền độc lập của An

Nam phù hợp với tinh thần của tuyên bố Đại Đông Á; sau khi trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương, một “Liên bang Việt Nam” sẽ được thành lập mà quyền lực của tổng chính phủ liên bang này được chia đều cho đại diện của ba nước; tại Việt Nam, một chính phủ thân Nhật sẽ được dựng lên phù hợp với tinh thần Đại Đông Á; đại sứ quán sẽ là cơ quan cung cấp các chỉ thị sau cùng cho việc điều hành chính phủ của tổng liên bang [23;77].

Bản kế hoạch của Đại sứ quán và cả tướng Hayashi nhìn bên ngoài đều loại bỏ việc đặt Đông Dương dưới sự kiểm soát của lực lượng quân đội Nhật Bản đồng thời khẳng định rằng việc diễn ra một cuộc đảo chính quân sự chỉ là phương thức trao trả độc lập cho Đông Dương theo tinh thần của chính sách Đại Đông Á. Tuy nhiên, xét đến số phận của Mãn Châu, Trung Quốc và những nơi khác tại châu Á bị Nhật chiếm đóng, cùng như xét đến tình hình bất lợi bấy giờ của Nhật Bản trên chiến trường Thái Bình Dương, kế hoạch của Nhật Bản thực ra chỉ đem tới một nền độc lập giả hiệu, mà trong đó Nhật Bản xây dựng và thao túng chính quyền bản địa để tiếp tục nắm lấy những nguồn lực then chốt tại Việt Nam để phục vụ cho cuộc chiến đang xảy ra. Nếu thật sự người Nhật muốn trao trả lại Đông Dương cho người Việt Nam, họ đã không đợi cho tới thời điểm này vì đã có mặt ở Đông Dương trong một thời gian dài. Không quá thừa khi phải nhắc lại rằng Bộ tổng tham mưu quân đội Nhật và đại tướng Hideki Tojo, thủ tướng Nhật từ 17-10-1941 đến 22-7-1944, cho rằng “loại bỏ người Pháp ở Đông Dương đồng nghĩa với việc người Nhật phải tăng quân tại Đông Dương và nhứt là phải lo tổ chức hành chánh và bảo vệ Đông Dương cùng những hệ lụy phức tạp khác. Lúc đó, Đông Dương là thuộc địa của thực dân da trắng duy nhứt ở Đông Nam Á dưới sự kiểm soát của người Nhật”. (Masaya Shiraishi, “The Background to the Formation of the Tran Trong Kim Cabinet in April 1945: Japanese Plans for Governing Vietnam”, đăng trong sách Indochina In The 1940s And 1950s, Takashi

Shiraishi và Motoo Furuta chủ biên, New York: Cornell, 1992, tt. 114-115). Độc lập của Việt Nam thời điểm đó không nằm trong dự định từ đầu của Nhật.

Cuối năm 1944, các cuộc không kích của Hoa Kỳ nhằm phá hủy tiềm lực quân sự của Nhật Bản, tiêu diệt các căn cứ hải quân, lục quân, không quân và ngăn chặn sự chi viện của Nhật Bản đến các chiến trường xa đồng thời phong tỏa nước Nhật [7;170] đã khiến Trung tướng Yuichi Tsuchihashi - Tổng tư lệnh tại Đông Dương của quân đội Đế quốc Nhật Bản, người nắm vai trò quyết định trong cuộc đảo chính Pháp của Nhật - yêu cầu phải xây dựng một bản kế hoạch khác. Theo Tướng Tsuchihashi, ông không phản đối quyết định trao trả độc lập lại cho Đông Dương, tuy nhiên, việc này không thể nào được thực hiện ngay lập tức sau cuộc đảo chính mà vẫn cần có sự can thiệp của chính quyền quân sự. Bên cạnh đó, việc đưa Hoàng thân Cường Để đang sống lưu vong tại Nhật về nước và thành lập nên một chính quyền thân Nhật mới chỉ khiến cho tình hình chính trị tại Đông Dương thêm xáo trộn, điều này sẽ khiến Nhật Bản tốn công sức trong việc ổn định tình hình trong bối cảnh nước Nhật cần Đông Dương “ổn định về mặt chính trị” nhằm tập trung quân lực đối phó với Hoa Kỳ và lực lượng Đồng Minh.

Theo yêu cầu của Tướng Tsuchihashi, một bản kế hoạch mới được đệ trình bởi Thiếu tướng Takezo Numata10 vào ngày 27/1/1945 với mục tiêu là khôi phục quyền cai trị càng nhanh càng tốt đồng thời ngăn chặn các nguy cơ bất ổn về chính trị. Bản kế hoạch mới có những điểm chính như sau: Các cơ quan hành chính hiện có vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên hoạt động như trước, tuy nhiên, các nhân viên cấp cao sẽ được thay thế bằng các nhân viên của Đại sứ quán Nhật Bản; Ba nước Đông Dương sẽ được hướng dẫn để giành độc lập một cách tự chủ; Hoàng đế Bảo Đại của An Nam sẽ không bị truất ngôi [24;

10 Takezo Numata - Thiếu tướng, Tham mưu trưởng thuộc Binh đoàn 3 Lục quân Đế Quốc Nhật Bản, được đặt dưới sự chỉ huy của Đạo quân Quan Đông.

78]. Bản kế hoạch mới mặc dù vẫn giữ nguyên quyết định trao trả “độc lập cho Đông Dương”, tuy nhiên, bộ máy hành chính cũ vẫn sẽ được tái sử dụng. Điều này sẽ giúp cho tình hình chính trị tại Đông Dương giữ được sự ổn định cần thiết đối với quân đội Nhật.

Sau nhiều lần lên kế hoạch và sửa đổi kế hoạch, cuối cùng, Tướng Tsuchihashi, sau cuộc đảo chính Pháp ngày 9/3/1945 đã lựa chọn phương án giữ nguyên vị Bảo Đại và giúp ông ta lập một chính phủ bù nhìn do Trần Trọng Kim đứng đầu. Điều này sẽ gây ra ít xáo trộn nhất có thể đối với trật tự chính trị tại bản xứ và quân đội Nhật có thể tập trung vào việc phòng thủ tại Đông Dương, chống lại lực lượng Đồng Minh. Chính Bảo Đại trong hồi ký của mình cũng đã tỏ ra ngạc nhiên với quyết định của người Nhật, ông ta vốn cho rằng Nhật Bản sẽ lựa chọn Cường Để - người đã được nuôi dưỡng từ lâu là người đứng đầu chính phủ mới. Dù vậy, Bảo Đại cũng nhanh chóng nhận ra rằng, quyết định của người Nhật là nhằm bảo vệ cho lợi ích của họ. Đại sứ Yokoyama Masayuki còn đặc biệt nhấn mạnh rằng Bảo Đại là “người duy nhất thích hợp” [1;157-159] để đạt đươc kết quả như mong muốn.

Với sự thúc giục việc thành lập một chính phủ mới tại Việt Nam của quân đội Nhật, ngày 12/3/1945, Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các hiệp ước và điều ước đã ký với chính phủ Pháp kể từ năm 1884 đồng thời tuyên bố Việt Nam độc lập và sự thành lập của Đại Nam Đế quốc, tự xem mình là một phần tử của khối Đại Đông Á, đem tài lực giúp đỡ cho cuộc thịnh vượng chung [1;162].

Trong hai nhân vật chính trị mà người Nhật đã có liên hệ từ lâu là Trần Trọng Kim và Ngô Đình Diệm, cuối cùng Trần Trọng Kim là người đã đứng ra đảm nhận việc thiết lập một nội các mới dưới nền độc lập mà người Nhật ban phát cho Việt Nam. Ưu tiên hàng đầu của vua Bảo Đại về chức thủ tướng,

Ngô Đình Diệm, dựa trên một số tính toán về thời cuộc, đã không chấp nhận lời đề nghị của vua Bảo Đại tham gia chấp chính. Người Nhật đã để cho chính phủ Trần Trọng Kim “toàn quyền lựa chọn các nhân tố cho Nội các mới và không can dự trong quá trình đó”. Do vậy, những người tham gia Nội các của Trần Trọng Kim đều là các nhà trí thức có tên tuổi, trình độ học vấn cao, đầy lòng nhiệt tâm, trách nhiệm và yêu nước như Hoàng Xuân Hãn (Thạc sĩ Toán học - Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ nghệ), Trần Đình Nam (Bác sĩ - Bộ trưởng Nội vụ), Trần Văn Chương (Luật sư - Bộ trưởng Ngoại giao), Trịnh Đình Thảo (Luật sư - Bộ trưởng Tư pháp)… Những người này, tương tự Trần Trọng Kim, thiếu kinh nghiệm quản lý nhà nước và sự lọc lõi về mặt chính trị cần thiết trong thời buổi loạn lạc đương thời. Điều này, vô hình chung, lại phù hợp với mục đích của quân Nhật. Việt Nam vẫn tuyên bố độc lập, vẫn thành lập được Nội các, trên nguyên tắc, chính phủ mới có quyền tự do hành động trên mọi lĩnh vực, trừ các hoạt động quân sự. Dù vậy, trên thực tế, Tổng Tư lệnh quân đội Nhật là người thay thế vai trò của Toàn quyền Đông Dương, tất cả các cơ quan hành chính bắt buộc phải chấp nhận sự có mặt của các cố vấn người Nhật. Miền Nam Việt Nam với tư cách là thuộc địa của Pháp vẫn được giữ nguyên trạng và đặt dưới quyền kiểm soát của Thống đốc Minoda. Tuyên bố độc lập của Việt Nam được đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Nhật đúng như tinh thần của Chính sách Đại Đông Á.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc sớm hơn dự kiến, Nhật Bản đầu hàng trên khắp các chiến trường, bao gồm cả ở Đông Dương. Nội các của Trần Trọng Kim chỉ vừa được thành lập trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng bị thay thế bởi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Điểm đáng chú ý trong giai đoạn cuối cùng này là phía Nhật đã nghe theo nguyện vọng của chính quyền Bảo Đại và Trần Trọng Kim không tiến hành can thiệp quân sự nhằm vào lực lượng cách mạng do Việt Minh lãnh đạo, dẫn tới việc chuyển

đổi chính quyền diễn ra trong êm thấm và ít đổ máu. Cho dù đó có là một may mắn của lịch sử dân tộc đi nữa, dù gì thì Chiến tranh Thế giới thứ hai, vào lúc Cách mạng tháng Tám nổ ra, đã chấm dứt với người Nhật với lệnh đầu hàng của Nhật Hoàng, theo đó là sự cáo chung về tham vọng Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ NHẬT bản và TRUNG HOA dân QUỐC với PHONG TRÀO đấu TRANH GIÀNH độc lập của VIỆT NAM nửa đầu THẾ kỷ XX (Trang 43 - 49)