Trung Hoa Dân Quốc với các phong trào giành độc lập của người Việt

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ NHẬT bản và TRUNG HOA dân QUỐC với PHONG TRÀO đấu TRANH GIÀNH độc lập của VIỆT NAM nửa đầu THẾ kỷ XX (Trang 49 - 65)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1 Trung Hoa Dân Quốc với các phong trào giành độc lập của người Việt

giành độc lập của Việt Nam

2.2.1 Trung Hoa Dân Quốc với các phong trào giành độc lập của ngườiViệt Việt

Xét về phương diện vị trí địa lý, Việt Nam tiếp giáp với ba tỉnh Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc. Xét về mặt lịch sử, Việt Nam cũng đã tiếp nhận tư tưởng và văn hóa Trung Hoa trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời, xuyên suốt chiều dài lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc là sự xung đột và thỏa hiệp mà phần lớn sự những sự xung đột đều bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh xâm lăng từ phía Trung Hoa. Sau này, khi Việt Nam kết thúc 1000 năm Bắc thuộc và mở ra thời kỳ dân chủ, một mặt, các triều đại Việt Nam chấp nhận là chư hầu và cử các phái đoàn sang nhận sắc phong từ Trung Quốc, đồng thời, duy trì nền độc lập của mình. Đến khi triều Thanh thất bại trong Chiến tranh Thanh - Pháp nhằm tranh giành sức ảnh hưởng đối với Việt Nam và buộc phải ký Hòa ước Thiên Tân năm 1885, Trung Quốc chấp nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam để đối lại một loạt các quyền lợi khác thiết thân hơn. Dù vậy, không bứt phá được chính mình và ấu trĩ về thời cuộc, rất nhiều người yêu nước Việt Nam vẫn tiếp tục tìm đến nhà Thanh để mong chờ một sự hỗ trợ từ “thiên triều” để giải phóng dân tộc, tiêu biểu như Tôn Thất Thuyết. Trung Hoa lại tiếp tục nổi lên như là một vùng đất hứa với những người làm cách mạng châu Á sau khi cách mạng Tân Hợi thành công. Có thể nói, sự ra đời của một nước Trung Hoa độc lập mới của

người Hán – Trung Hoa Dân Quốc- ở không xa biên giới và sự ảnh hưởng của Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn là một nguồn cỗ vũ động viên cho những người yêu nước Việt Nam đứng lên tiếp tục đấu tranh chống lại ách cai trị của người Pháp. Có thể thấy chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Tôn Trung Sơn và những người yêu nước đi theo con đường giải phóng dân tộc Việt Nam ít nhiều có nhiều điểm đồng cảm với nhau khi họ đều xem các nước thực dân da trắng, trong đó có Pháp, là kẻ xâm lược và áp bức.

Do Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp nên mối quan hệ của Quốc dân Đảng Trung Quốc và phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng của quan hệ Trung - Pháp. Khi mà tình hình đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, chính phủ quốc gia Trung Hoa tại Nam Kinh cố gắng để đạt được sự hỗ trợ về mặt kinh tế và quân sự từ các cường quốc Âu Mỹ. Sau khi cuộc chiến chống Nhật của Trung Quốc bùng nổ, các cuộc đàm phán giữa Trung - Pháp chủ yếu xoay quanh chuyện vận chuyển hàng hóa và phương tiện chiến tranh cho chiến trường miền Nam Trung Hoa qua tuyến đường sắt xuyên Đông Dương và sự hợp tác quân sự Pháp - Trung. Cũng do vấn đề ngoại giao với Pháp, Trung Hoa Dân Quốc đã không có sự trợ giúp công khai nào cho phong trào giành độc lập của Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý là do bối cảnh lịch sử, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Hoa Dân Quốc đã phải tiến ành hợp tác, liên minh với những người cộng sản Trung Hoa. Điều này đã tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân người Việt đi theo hoặc có cảm tình với đường lối cách mạng vô sản được huấn luyện tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng được thiết lập ngay tại trung tâm của thành phố Quảng Châu của Trung Hoa Dân Quốc. Sau công xã Quảng Châu năm 1927, tình hình trở nên bất lợi cho những nhà cách mạng Việt Nam theo đường lối vô sản.

Năm 1930, sau thất bại của Khởi nghĩa Yên Bái, Việt Nam Quốc dân Đảng rút sang lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc tiến hành cải tổ tổ chức, “… chấn chỉnh nội bộ, thay đổi sách lược, thận trọng trong việc trưng cầu đảng viên, cử cán bộ đến các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam để thành lập các chi bộ ở nước ngoài và cử các cán bộ cao cấp khác đến Nam Kinh để đề nghị thành lập Văn phòng tại nước ngoài của Ủy ban Trung ương Việt Nam Quốc dân Đảng. Trụ sở Trung ương Đảng của Quốc dân Đảng Trung Quốc bày tỏ thiện chí đối với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam cho phép việc thành lập văn phòng và cấp chi phí hoạt động hàng tháng là 200 nhân dân tệ” [23; 24].

Như đã đề cập ở phần trước, tháng 6/1940, quân Pháp bại trận tại chiến trường Châu Âu, Chính phủ Nhật lợi dụng thời cơ buộc Pháp đóng cửa biên giới Việt - Trung. Đồng thời, Hiệp định Pháp - Nhật được ký kết đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thể biến Đông Dương trở thành căn cứ địa để tấn công vào Nam Trung Hoa. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bày tỏ sự phản đối đối với quyết định thỏa hiệp của Pháp trước Nhật Bản đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện “… các biện pháp tự vệ cần thiết để bảo vệ cuộc chiến chống xâm lược nhất quán của mình” và “quân Pháp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tổn thất và tác động từ việc đó” [23; 25].

Để ngăn chặn việc Nhật Bản sử dụng Đông Dương làm bàn đạp tấn công Trung Quốc, Đệ Tứ Chiến Khu đóng dọc biên giới Việt - Trung bắt đầu có các biện pháp phòng bị quân sự tương ứng. Đầu tháng 7, Tướng Trương Phát Khuê - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Đệ Tứ Chiến Khu đã bắt đầu tích cực chuẩn bị cho chiến tranh, ông ra lệnh “… chuẩn bị gạo, thuốc men, thiết bị liên lạc, vận chuyển, tóm lại là chuẩn bị vào Việt Nam” [21;246]. Cuối tháng 7, Trương Phát Khuê cử Trương Bội Công - một sĩ quan Việt Nam phục vụ trong Quân đội Trung Quốc tổ chức một nhóm các tình báo đặc biệt cho Việt Nam.

Ngoại trừ Hà Nội, Đệ Tứ Chiến Khu còn thiết lập tại Cao Bằng và Lạng Sơn các cơ quan tình báo để bí mật tiến hành các hoạt động tuyên truyền, tổ chức và huấn luyện người Việt Nam dưới chiêu bài tham gia đấu tranh chống đế quốc, đòi lại độc lập dân tộc. Bên cạnh đó, các cơ quan tình báo còn được thiết lập rải rác tại các khu vực dọc theo biên giới hai nước [22; 249].

Bên cạnh các hoạt động của Đệ Tứ Chiến Khu, tháng 8/1940 Trung ương Quốc dân Đảng Trung Quốc thành lập một Văn phòng Cục Việt Nam tại nước ngoài do Hình Sâm Châu phụ trách. Nhiệm vụ chính của văn phòng này là xúi giục Hoa kiều tại Việt Nam và Thái Lan, liên lạc với binh lính và dân thường tại Việt Nam và Thái Lan chuẩn bị cho một cuộc phản công quân sự.

Để tăng cường cho các hoạt động tại Việt Nam, Bộ Tư lệnh Đệ Tứ Chiến Khu lần lượt thành lập các lớp huấn luyện đặc biệt đào tạo cho lực lượng công tác tại chiến trường Tây Nam, chủ yếu là huấn luyện chính trị và các hoạt động quân sự như liên lạc, tình báo,… Các lớp huấn luyện này đã đào tạo một số lượng lớn thanh niên cho phong trào cách mạng của Việt Nam. Tinh đến nửa đầu năm 1942, đã đào tạo được 702 thanh niên Việt Nam, rất nhiều trong số này sau này trở thành lực lượng chính trong tổ chức gọi là “Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội” [23; 26].

Tháng 10/1942, “Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội” được thành lập tại Liễu Châu. Cơ cấu của tổ chức này là một liên đoàn bao gồm các tổ chức cách mạng của Việt Nam hiện đang có mặt tại Trung Quốc: Liên đoàn Giải phóng dân tộc Việt Nam, Việt Nam Quốc dân Đảng, Phục Quốc quân. Mục đích của Hội là “thống nhất nhân dân Việt Nam và Quốc dân Đảng Trung Quốc cùng đánh đổ Pháp, Nhật, khôi phục lãnh thổ Việt Nam, thành lập một đất nước tự do và bình đẳng” [23; 30]. Đây là tổ chức do Quốc dân Đảng Trung Quốc đứng ra hỗ trợ thành lập và cung cấp kinh phí hoạt động được đặt dưới quyền kiểm soát của Đệ Tứ Chiến Khu. Quốc dân Đảng Việt Nam, do

mối quan hệ đặc biệt với Quốc dân Đảng Trung Quốc nên có vị trí cao hơn, chiếm hai trên ba ghế trong Ủy ban thường vụ, đồng thời đứng đầu ba sở là Bí thư (Nguyễn Hải Thần), Tổ chức (Vũ Hồng Khanh) và Truyền thông (Dương Thanh Minh). Theo hồi ký của mình, Tướng Trương Phát Khuê cho rằng, tổ chức này là một sự hỗn loạn, các đảng phái không ngừng tranh cãi về các hoạt động của tổ chức, ngân quỹ của hội phân bố không đồng đều, các rắc rối về vấn đề tài chính thường xuyên xảy ra, các đảng phái thành viên không ngừng tranh giành quyền lực, kể từ sau khi Hồ Chí Minh gia nhập, sự đối đầu càng căng thẳng hơn giữa lực lượng Quốc dân Đảng Việt Nam và lực lượng Cộng sản… Có thể thấy, hoạt động của tổ chức này hoàn toàn bị đình trệ do những rắc rối từ bên trong nó.

Tháng 9/1943, Hồ Chí Minh được thả sau khi bị bắt bởi quân đội Tưởng khi ông đến Quảng Châu vào tháng 8/1942. Tướng Trương Phát Khuê đã đề nghị Hồ Chí Minh tham gia vào Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Tháng 12/1943, Tướng Trương Phát Khuê được chỉ thị kiêm nhiệm chức vụ đại diện chỉ đạo của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Tháng 3/1944, Đệ Tứ Chiến Khu chủ động triệu tập “Hội nghị đại biểu các nhóm cách mạng hải ngoại của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội” tại Liễu Châu. Hội nghị này tiến hành cải tổ lại ban giám sát điều hành của tổ chức, đồng thời với sự gia nhập của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng của tổ chức sau khi cải tổ có sự cân bằng nhất định. Thời gian sau đó, Hồ Chí Minh và lực lượng của mình trong tổ chức này dần thay thế vai trò của số đông thành viên thuộc Quốc dân Đảng Việt Nam, điều này khiến Nguyễn Hải Thần luôn tìm đối chọi với những chính sách do nhóm của Hồ Chí Minh đưa ra. Dù vậy, Tướng Trương Phát Khuê tỏ ra khá hài lòng với sự gia nhập của nhóm của Hồ Chí Minh vào Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, những chính sách cải tổ bộ máy của

Hồ Chí Minh rõ ràng có hiệu quả, nhờ đó mà tổ chức này trở nên “đoàn kết” hơn và bớt đi nhiều rắc rối cho ông.

Ngày 9/8/1944, Hồ Chí Minh cùng 18 người khác rời Trung Quốc trở về Việt Nam. Trương Phát Khuê đã cung cấp 7.6 vạn nhân dân tệ làm lộ phí cùng với phiếu thông hành và các loại thuốc men…[21; 265]. Viên tướng này muốn thông qua Hồ Chí Minh thao túng lực lượng cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc và tiếp tục gây ảnh hưởng lên phong trào cách mạng tại Việt Nam. Tuy nhiên, “lá bài” Hồ Chí Minh hoàn toàn thất bại. Hồ Chí Minh vừa là một người yêu nước chân chính, lại là một người cộng sản kiên trung. Lúc sa vào tay Trung Hoa Dân Quốc, ông đã giấu kín lập trường để thoát khỏi vòng lao lí và kềm tỏa; nhưng nay, khi đã trở về tổ quốc, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng quay lại quỹ đạo “chống đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc” mà ông đã vạch ra từ tháng 2 năm 1930.

Sau khi Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, cuộc nội chiến giữa Quốc dân Đảng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc tạm thời gác lại. Chính phủ Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã thành lập một Chiến trường Trung Quốc riêng biệt, trong đó bao gồm cả Đông Dương và Thái Lan lúc đó vẫn đang nằm trong vùng chiếm đóng của quân Đồng Minh. Tưởng Giới Thạch trở thành Tư lệnh tối cao của chiến trường này và có một Bộ Tham mưu Đồng Minh giúp việc [20; 8].

Việc trở thành Tư lệnh tối cao của Chiến trường Trung Quốc khiến vị thế của Chính phủ Tưởng Giới Thạch được nâng cao hơn trong cuộc chiến chống lại khối Phát xít. Đồng thời, Trung Hoa Dân Quốc cũng công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Tháng 11/1943, Tưởng Giới Thạch tuyên bố tại Hội nghị Cairo rằng Chính phủ của ông không có tham vọng về lãnh thổ đối với Việt Nam và rằng Việt Nam sẽ được độc lâp sau cuộc chiến. Đối với thái độ phản đối của Chính phủ Pháp

với chính sách hỗ trợ cho cách mạng Việt Nam, Tưởng Giới Thạch biểu thị “làm lơ”.

Giai đoạn này, có thể thấy sự ủng hộ công khai của Trung Hoa Dân Quốc đối với phong trào cách mạng của Việt Nam, tuy nhiên, sự ủng hộ lại không mấy hiệu quả. Điều này, trước hết bắt nguồn từ những lý do nội tại của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Bên cạnh đó còn là sự khác nhau trong quan điểm giữa Trung ương Quốc dân Đảng Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Đệ Tứ Chiến Khu đối với vấn đề Việt Nam. Trong hồi ký của mình, Tướng Trương Phát Khuê nói rõ, ông và Đệ Tứ Chiến Khu, dưới vai trò là đặc trách công tác chi viện cho Việt Nam, mong muốn Việt Nam xây dựng một liên minh cách mạng hùng mạnh trong cuộc đấu tranh với quân Pháp. Trong khi đó, Trung ương Quốc dân Đảng Trung Quốc lại chủ trương hỗ trợ cho Quốc dân Đảng Việt Nam, “có mối quan hệ sâu sắc” dưới góc độ chính đảng. Dù vậy, Việt Nam Quốc dân Đảng lại bộc lộ những thiếu sót và yếu kém trong việc xây dựng tổ chức cũng như tính thiếu kỷ luật trong hoạt động.

Tháng 10/1944, dưới sự ảnh hưởng của cuộc tấn công từ quân Nhật, Đệ Tứ Chiến Khu không thể tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, các hoạt động của Hội theo đó bị dừng hoàn toàn. Liễu Châu thất thủ, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội theo Bộ Tư lệnh Đệ Tứ Chiến Khu chuyển từ Liễu Châu đến Bách Sắc. Sau khi Quốc dân Đảng Việt Nam cải tổ, Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Nghiêm Kế Tổ và một số người khác rời Liễu Châu đến Vân Nam, Quý Châu và những nơi khác. Chỉ còn Lý Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật, Trương Trung Phụng ở lại, đồng thời có một số người từ Phục Quốc quân tham gia.

Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội do Trung Quốc viện trợ tạm ngừng hoạt động. Trong lúc đó, phong trào giải phóng dân tộc tại Việt Nam lại đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tháng 8/1944, sau khi lực lượng

Đồng Minh giải phóng Paris và lật đổ chính quyền Vichy, mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Chính quyền Pháp tại Việt Nam ngày càng trở nên gây gắt, điều này tạo điều kiện cho lực lượng Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội) thực hiện các kế hoạch của mình nhằm giải phóng dân tộc Việt Nam.

Sau cuộc đảo chính Pháp của Nhật ngày 9/3/1945, thái độ của Trung Quốc đối với việc ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã thay đổi. Sau cuộc đảo chính của Nhật, một lỗ hổng chính trị tồn tại tại Việt Nam. Lúc này, Việt Nam Quốc dân Đảng quyết định nhờ vào sự ủng hộ của Quốc dân Đảng Trung Quốc để quay lại Việt Nam. Các yêu cầu của Việt Nam Quốc dân Đảng bao gồm : Công nhận quyền độc lập của Chính phủ lâm thời Cách mạng Việt Nam; Giúp Đảng thành lập Quân đội Cách mạng Việt Nam; Tiếp tế vũ khí cho quân cách mạng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thỉnh cầu của Nguyễn Hải Thần đã bị Trung Quốc từ chối với lý do: Quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ vào Việt Nam giúp đỡ cho việc giải phóng và giành độc lập của người Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự phức tạp trong mối quan hệ với nước Pháp và mối liên hệ trong hệ thống chỉ huy quân sự của lực lượng Đồng Minh, Chính phủ của Tưởng Giới Thạch không thể lập tức nhân danh nghĩa quốc gia

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ NHẬT bản và TRUNG HOA dân QUỐC với PHONG TRÀO đấu TRANH GIÀNH độc lập của VIỆT NAM nửa đầu THẾ kỷ XX (Trang 49 - 65)