Thời giờ làm thêm

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ở Việt Nam Thực trạng và một số kiến nghị (Trang 37 - 43)

Thời giờ làm thêm là thời giờ làm việc của người lao động ngoài phạm vi thời giờ làm việc tiêu chuẩn, được hưởng thêm tiền lương, theo yêu cầu của người sử dụng lao động trong những trường hợp cần thiết được pháp luật quy định. Có hai trường hợp làm thêm giờ: làm thêm giờ trong ngày làm việc bình thường và làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày lễ, ngày tết.

Thời giờ làm thêm không được vượt quá 50% số giờ làm việc được quy định trong mỗi ngày đối với từng loại công việc. Trong trường hợp quy định thời giờ làm việc theo tuần thì tổng cộng thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm thêm trong một ngày không vượt quá 12 giờ. Số giờ làm thêm tối đa không quá 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt không được quá 300 giờ trong một năm (Khoản 2 Điều 1 Nghị định 109/2002/NĐ-CP). Theo đó, tổng số giờ làm thêm trong một tuần không quá 16 ngày, tổng số giờ làm thêm trong 4 ngày liên tục không quá 14 giờ, riêng đối với những người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tổng số giờ làm thêm trong một tuần không quá 12 giờ, trong 4 ngày

40

liên tục không quá 10 giờ. Trường hợp nhằm khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thiên tai, địch họa, dịch bệnh trong phạm vi đơn vị, pháp luật cho phép huy động vượt quá 4 giờ một ngày với sự đồng ý của người lao động. Số giờ làm thêm này không được tính vào tổng số giờ làm thêm trong năm nhưng vẫn được trả lương và đảm bảo thực hiện các chế độ khác có liên quan đến làm thêm của người lao động.

Theo Điều 1 và Điều 2 Mục II Thông tư 15/2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/06/2003 về việc hướng dẫn làm thêm giờ theo quy định tại nghị định số 109/2003/NĐ-CP thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận làm thêm quá 200 giờ trong một năm trong các trường hợp: xử lý sự cố trong sản xuất; giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn; xử lý kịp thời các mặt hàng tươi sống, công trình xây dựng và sản phẩm do yêu cầu nghiêm ngặt của công nghệ không thể bỏ dở được; giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu, bao gồm sản phẩm: dệt, may, da, giày và chế biến thuỷ sản nếu phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do yêu cầu cấp thiết của sản xuất hoặc do tính chất thời vụ của sản xuất hoặc do yếu tố khách quan không dự liệu trước thì được làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Khi tổ chức làm thêm cho người lao động, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động và phải đảm bảo số thời giờ làm thêm quy định trong ngày, tuần, ngày liên tục trong tuần, các quy định về thời giờ nghỉ ngơi, các quy định về cấm hoặc hạn chế làm thêm giờ đối với một số đối tượng và đảm bảo chế độ trả lương làm thêm giờ cho người lao động.

Bên cạnh đó BLLĐ cũng quy định hạn chế làm thêm đối với các đối tượng như lao động nữ có thai từ tháng thứ bảy hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi (Khoản 1 Điều 115 BLLĐ); lao động chưa thành niên trừ một số nghề Bộ Lao động-TBXH quy định (Khoản 2 Điều 122 BLLĐ); người tàn tật đã bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên (Điều 127 BLLĐ).

Trên thực tế, để nhằm tối đa hóa lợi nhuận, tránh việc phải tuyển thêm lao động, nhiều ngườisử dụng lao động đã cố tình vi phạm các quy định về làm thêm

41

giờ. Theo một khảo sát mới đây của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các doanh nghiệp đều vi phạm quy định về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi. Cụ thể, các doanh nghiệp đều kéo dài thời giờ làm việc từ 12 đến 14 giờ/ngày. Đối với lao động nữ tại doanh nghiệp may mặc, thủy sản, da giày, thời gian làm thêm từ 2 giờ đến 5 giờ/ngày, khoảng 600 giờ đến 1.000 giờ/năm, vượt quá xa quy định. Trong số lao động được hỏi có 35,8% người cho rằng phải làm thêm ít nhất 2 giờ/ngày; 18,8% phải làm 3 giờ/ngày và 7,5% phải làm thêm từ 4 giờ đến 5 giờ/ngày [33].

Để khắc phục thực trạng trên, Điều 112 Dự thảo BLLĐ quy định người sử dụng lao động chỉ được huy động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động và phải đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng.Dự thảo BLLĐ đã thay thế mức giới hạn số giờ làm thêm tối đa trong một năm không quá 200 giờ (theo quy định của BLLĐ hiện hành) bằng mức tối đa của từng tháng (không quá 30 giờ/ tháng). Việc quy định giờ làm thêm với mức tối đa theo tháng sẽ giúp người lao động dễ dàng tính toán được giới hạn thời giờ làm thêm; tuy nhiên, mức tối đa không quá 30 giờ/ tháng là mức quá cao và không phù hợp với thực tế. Việc dự thảo thời giờ làm thêm không quá 30 giờ/ tháng đã nhận được sự phản đối của nhiều đại biểu quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII với lý do là việc quy định như vậy thì một năm thời giờ làm thêm sẽ không quá 360 giờ, rõ ràng mức này cao hơn so với mức thực tế (200 giờ). Theo quan điểm cá nhân Tác giả thì quy định như trên có thể coi là bước lùi của pháp luật về thời giờ làm thêm bởi vì quy định này không những không bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn đi ngược với xu thế chung của thế giới trong việc giảm dần số giờ làm thêm. Vì thế, chỉ nên quy định thời giờ làm thêm tối đa mỗi tháng không quá 15 giờ.

Trên thế giới, pháp luật các nước cũng quy định chặt chẽ và cụ thể về làm thêm giờ từ việc giới hạn số giờ làm thêm tối đa như Malaysia quy định số giờ làm thêm tối đa được giới hạn ở mức 64 giờ trong 1 tháng [64], Nhật bản quy định mỗi ngày không được làm thêm quá 2 giờ [79], Liên Bang Nga quy định thời giờ làm thêm không được vượt quá 4 giờ trong 2 ngày liên tục và 120 giờ trong một năm [76]. Một số nước còn hạn chế làm thêm giờ với một số đối tượng đặc biệt như

42

Nhật Bản quy định số giờ làm thêm đối với lao động nữ không quá 2 giờ/ngày, 6 giờ/tuần, 150 giờ/năm [79]. Bên cạnh đó, pháp luật các nước cũng quy định rõ ràng điều kiện và thủ tục làm thêm giờ như ở Đài Loan chủ lao động chỉ được huy động làm thêm do thiên tai, sự cố, sau khi được công đoàn đồng ý, doanh nghiệp có thể huy động làm thêm giờ nhưng mỗi ngày không quá 12 giờ, tính chung tổng số giờ làm thêm mỗi tháng không được quá 46 giờ [78].Việc pháp luật các nước quy định hạn chế số giờ làm thêm là nhằm mục đích tránh không để người sử dụng lao động lạm dụng đòi hỏi người lao động làm việc quá sức vượt quá giới hạn sinh lý và tâm lý; đồng thời trong điều kiện nguồn cung của sức lao động lớn hơn nhiều so với nhu cầu về sức lao động thì việc khống chế này nhằm để dành chỗ làm việc cho những người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Bộ luật Lao động Pháp, Điều 212-7 ghi rõ: “trong trường hợp có thất nghiệp, thanh tra lao động có thể cấm các doanh nghiệp sử dụng lao động làm thêm để cho phép tuyển dụng những người lao động không có việc làm” [71].

Việc quy định chế độ làm thêm giờ giới hạn ở mức tối đa là hết sức cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe của người lao động, đặc biệt đối với các lao động đặc thù. Tuy nhiên, người lao động thường không biết hoặc không có điều kiện sử dụng các quy định để bảo vệ mình hiệu quả. Thực tế, trong những năm qua, khoảng 90% những cuộc đình công ở Việt Nam đều có nguyên nhân từ sự vi phạm quyền lợi người lao động. Trong đó, vi phạm về thời giờ làm việc, đặc biệt là vấn đề làm thêm giờ khá phổ biến, xếp hàng thứ hai trong nguyên nhân đình công. Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đối chiếu với các quy định của Luật lao động về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi thì hiện nay phần lớn các Doanh nghiệp đều vi phạm Luật lao động. Thể hiện rõ nhất là các Doanh nghiệp đều kéo dài thời gian làm việc từ 12 đến 14 giờ/ngày, đối với lao động nữ tại Doanh nghiệp may mặc, thuỷ sản, da giày, thời gian làm thêm giờ từ 2 đến 5 giờ/ngày, khoảng 600 đến 1.000 giờ/năm, vượt quá xa mức quy định trong luật. Số liệu khảo sát cho thấy, trong số lao động được hỏi có 35,8% người cho rằng ít nhất phải làm thêm 2 giờ/ngày, 18,8% người trả lời cho rằng phải làm 3 giờ/ngày, 7,5% trả lời phải làm thêm giờ từ 4 đến 5 giờ/ngày [33].

43

2.1.4.Thời giờ làm việc ban đêm

Thời giờ làm việc ban đêm là thời giờ làm việc tính từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ tuỳ theo vùng khí hậu và được hưởng phụ cấp làm thêm.Theo Điều 6 Nghị định 195/CP, thời giờ làm việc ban đêm được tính từ22 giờ đến 6 giờ (đối với khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc) và từ 21 giờ đến 5 giờ (đối với khu vực từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở về phía Nam).

Việc quy định thời giờ làm việc ban đêm tùy thuộc vào vùng khí hậu bởi yếu tố khí hậu có ảnh hưởng tới độ dài của đêm. Vì vậy hầu hết các nước khi quy định về thời giờ làm đêm rất linh hoạt, căn cứ vào khu vực địa lý, mùa trong năm… thậm chí cả độ tuổi giới tính của người lao động. Ví dụ, Luật lao động tiêu chuẩn Nhật Bản quy định thời gian làm đêm tính từ 22 giờ đến 5 giờ nhưng tùy theo mùa, khu vực và độ tuổi của người lao động có nơi được tính từ 23 giờ đến 6 giờ hoặc tính từ 22 giờ 30 đến 5 giờ 30.

Trên thế giới, thời giờ làm việc ban đêm ở nhiều nước chỉ quy định một độ dài chung cho các vùng miền từ 10 giờ tối đến 5 giờ hoặc 6 giờ sáng hôm sau (Liên Bang Nga – Điều 96 [76], Philippine – Điều 86 [68]). Có nước quy định “đêm” là thời hạn tối thiểu 11 giờ liên tục bao gồm cả khoảng thời gian được quy định tối thiểu là 7 giờ liên tục từ 10 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Các khoảng thời gian khác nhau có thể quy định cho các khu vực, công việc lao động (Luật Lao động Brunei, áp dụng đối với lao động nữ (Điều 75), hoặc đêm là thời hạn tối thiểu 12 giờ liên tục áp dụng đối với lao động chưa thành niên (Điều 74) [66]. Luật lao động Campuchia quy định, đêm là khoảng thời gian ít nhất 11 giờ liên tục có nghỉ giải lao trong khoảng 22 giờ đên 5 giờ sáng (Điều 144) [74]. Luật lao động năm 1957 của Achentina, Điều 62 quy định ca đêm dài nhất không quá 7 giờ trong khoảng từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng) [69].

Làm việc ban đêm có những ảnh hưởng, biến đổi nhất định đến tâm sinh lý của người lao động, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện cho sự phát triển của các tình trạng bệnh lý (nếu có)… Điều này dẫn đến nhu cầu được bảo vệ và bù đắp hao phí sức lao động cao hơn so với làm việc vào ban ngày. Theo quy định pháp luật, người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng

44

30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương và tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày (Nghị định 114/CP ngày 31/12/2002 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về tiền lương). Khi làm việc ban đêm người lao động cũng được nghỉ ngơi nhiều hơn so với làm việc ban ngày. Nếu làm việc ca đêm được nghỉ ít nhất 45 phút tính vào giờ làm việc (Khoản 2 Điều 71 BLLĐ). Ngoài ra, người lao động cũng được hưởng lương, phụ cấp và lương làm thêm giờ.

Mặt khác, do những ảnh hưởng nhất định của làm việc ban đêm đối với sức khỏe của người lao động nên pháp luật của đa số các nước cũng quy định hạn chế làm đêm đối với một số đối tượng. Tổ chức lao động quốc tế ILO có ba công ước về thời giờ làm đêm của lao động nữ và ba công ước làm đêm của lao động chưa thành niên. Bộ luật lao động của Pháp cấm sử dụng lao động nữ làm ca đêm trừ nhân viên kỹ thuật, y tế… Luật tiêu chuẩn lao động của Nhật Bản cấm sử dụng lao động chưa thành niên, lao động nữ làm việc từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng, trừ nam đủ 16 tuổi làm theo ca, kíp [79]. Luật lao động Nga cũng cấm việc làm ban đêm đối với phụ nữ có thai, người lao động chưa đủ 18 tuổi (ngoại trừ những người tham gia tổ chức và thực hiện công việc nghệ thuật và một số loại lao động khác theo luật), phụ nữ có con nhỏ dưới 3 tuổi, người tàn tật, người lao động có con tàn tật, người lao động phải chăm sóc người ốm đau, phụ nữ hoặc đàn ông độc thân phải nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi và cả người đỡ đầu của những đứa trẻ thuộc các diện nói trên ngoại trừ trường hợp có sự động ý làm ban đêm bằng văn bản và theo kết luận của cơ quan y tế công việc đó không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động (Điều 96) [76]. Ở Việt Nam, các đối tượng thuộc trường hợp cấm hoặc bị hạn chế làm thêm giờ cũng thuộc các đối tượng không được hoặc hạn chế làm thêm ban đêm.

Ở Việt Nam, ngoài các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ cho người lao động làm việc ban đêm thì còn rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ca kíp và có đông nhân viên, chưa đảm bảo quyền lợi như việc yêu cầu người lao động làm việc vào ban đêm mà không cho hưởng tiền phụ cấp làm đêm ít nhất bằng 30% tiền lương làm vào ban ngày, hoặc cắt xén thời gian nghỉ giữa ca 45 phút của người lao động [33].

45

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ở Việt Nam Thực trạng và một số kiến nghị (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)