Tại Việt Nam

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN KHẢO sát tư vấn và kỹ NĂNG HƯỚNG dẫn sử DỤNG THUỐC KHÁNG SINH của NHÂN VIÊN cơ sở bán lẻ THUỐC CHO NGƯỜI MUA THUỐC (Trang 28 - 30)

Hiện nay, mạng lưới các nhà thuốc đạt chuẩn GPP ở nước ta đã được triển khai rộng khắp trên cả nước, giúp kiện toàn và phát triển hệ thống cung ứng thuốc; quy hoạch lại mạng lưới bán lẻ thuốc, phù hợp với việc áp dụng thống nhất các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, bảo quản, phân phối... thuốc chữa bệnh.

Mô hình “Nhà thuốc kiểu mẫu” lần đầu tiên được áp dụng tại Hà Nội vào năm 2000. Mặc dù chưa phải là chính thức, tuy nhiên với các tiêu chí được áp dụng cho nhà thuốc này, có thể nói đây là mô hình “Thực hành nhà thuốc tốt” chưa hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam.

Việc triển khai chính thức các nhà thuốc GPP bắt đầu thực hiện từ năm 2007. Với quy định tất cả các nhà thuốc trên cả nước phải đạt tiêu chuẩn GPP mới được phép hoạt động, số lượng nhà thuốc đạt GPP ngày càng tăng. Mặt khác, số lượng dược sĩ đại học, có thời gian thực hành tối thiểu 02 năm theo quy định mới của Luật Dược 106/2016 cũng tăng lên đáng kể. Theo Niên giám thống kê của Bộ Y tế 2011 – 2015, cả nước có trên 42.169 cơ sở bán lẻ thuốc, tính bình quân có 4,6 cơ sở trên 10.000 dân. Tính đến hết năm 2013, có tổng số 42.262 cơ sở bán lẻ thuốc (với khoảng 39.000 nhà thuốc) trên cả nước, mật độ 2.123 người dân có một cơ sở bán lẻ thuốc, cho thấy khả năng tiếp cận thuốc của người dân ngày càng được củng cố và hoàn thiện theo hướng thuận tiện hơn. Hệ thống cung ứng thuốc phủ rộng khắp toàn quốc, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ và thuận tiện đến khắp các biển đảo, vùng sâu, vùng xa...

Bảng 1.3. Số lượng các nhà thuốc GPP trên cả nước năm 2009 - 2016 Thời gian 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 Số lượng 679 3.455 5.986 11.672 39.000 55.164 63.189 8 71.320

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến 31/12/2008, toàn quốc có 312 nhà thuốc đạt GPP, trong đó Hà Nội có 175 nhà thuốc và thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) có 122 nhà thuốc. Số nhà thuốc bệnh viện đạt GPP là 83 (Hà Nội có 8 nhà thuốc, TP. HCM có 6 nhà thuốc).

Năm 2009, toàn thành phố Hà Nội có 249 nhà thuốc đạt GPP, trong đó 26 nhà thuốc bệnh viện, 24 nhà thuốc trực thuộc công ty và 199 nhà thuốc tư nhân.

Tính đến ngày 31/12/2010, tổng số có sở bán lẻ thuốc trong cả nước đã đạt tiêu chuẩn GPP là 3.455 nhà thuốc (theo báo cáo của 57/63 Sở Y Tế), chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Những nhà thuốc này được phân bố không đều giữa các địa phương trong cả nước và tập trung nhiều tại TP. HCM và Hà Nội. Tại Hà Nội, có khoảng 980 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, chiếm khoảng 60% trong khi đó, tại TP. HCM số lượng nhà thuốc đạt GPP là 1.535 nhà thuốc, chiếm khoảng 47%.

Năm 2012, cả nước có 39.124 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 11.672 nhà thuốc đạt chuẩn GPP.

Năm 2013, thống kê trên 52/63 tỉnh thành trên cả nước, số lượng các nhà thuốc là 6.481, trong đó 6.239 nhà thuốc đạt GPP, chiếm 96,27%. Trong đó chỉ có một số tỉnh thành phố đã triển khai được GPP đến toàn bộ các nhà thuốc như Hà Nội, Quảng Ngãi, An Giang .

Năm 2014 có 41.135 cơ sở. Tới năm 2018, cả nước có trên 42.169 cơ sở bán lẻ thuốc, tính bình quân có 4,6 cơ sở bán lẻ thuốc trên 10.000 dân .

Hoạt động bán lẻ thuốc ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ với các hệ thống bán lẻ thuốc phủ rộng khắp các địa bàn từ trung ương đến địa phương. Sự tăng nhanh chóng về số lượng các nhà thuốc, quầy thuốc đạt GPP trong cả nước đã đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Người dân có thể mua thuốc dễ dàng, thuận tiện, chất lượng thuốc cũng tốt hơn, sự phục vụ của các cơ sở bán lẻ thuốc cũng tận tình chu đáo, mặt hàng thuốc đa dạng nên người mua cũng có lựa chọn dễ dàng hơn .

Kể từ năm 2007, khi Bộ Y tế chính thức ban hành và áp dụng tiêu chuẩn GPP cho đến nay đã đạt được những thành quả nhất định. Các cơ sở bán lẻ thuốc nhìn chung đã có sự đầu tư về mặt cơ sở vật chất, khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, nhà thuốc GPP vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập như: Dược sĩ chỉ là người đứng tên, không thực sự là chủ nhà thuốc nên thường xuyên vắng mặt tại nhà thuốc, kéo theo vai trò của dược sĩ phụ trách chuyên môn tại nhà thuốc không được đảm bảo, vi phạm về một số quy chế chuyên môn về dược. Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ cơ sở vi phạm trong hoạt động duy trì GPP chiếm hơn 77% .

Vấn đề khó khăn nhất và là yếu tố quan trọng nhất của GPP là vấn đề nhân sự và nhận thức còn khá mơ hồ về GPP. Nhiều người vẫn nghĩ đơn giản GPP chỉ là nhà thuốc hiện tại cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất. Trong khi cốt lõi của GPP chính là sự bảo đảm chăm sóc dược, trong đó không thể thiếu vai trò của người dược sĩ. Hơn nữa, thế cạnh tranh không cân sức giữa các nhà thuốc GPP và các nhà thuốc không GPP cũng làm nản lòng nhiều dược sĩ chân chính. Bởi nhà thuốc GPP phải đầu tư hàng tỷ đồng cho cơ sở vật chất, thuốc bán phải kiểm soát nguồn gốc, chứng từ, phải

bảo đảm quy chế kê đơn, phải tuân thủ nhiều quy trình... trong khi tình trạng này hầu như chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhà thuốc không GPP.

Thực hiện bán thuốc theo đơn là một trong những tiêu chuẩn hoạt động của nhà thuốc GPP. Nhiều nhà thuốc đã triển khai GPP đang gặp rất nhiều khó khăn vì thói quen của người tiêu dùng Việt Nam chưa quen việc mua thuốc phải có đơn bác sĩ. Thói quen mua bán không hóa đơn hiện đang trở thành một vấn nạn trong khâu phân phối thuốc ở nước ta, khiến cho các loại thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng dễ dàng len lỏi vào khâu vận chuyển và đến tay người tiêu dùng. Theo các nghiên cứu, nhiều nhà thuốc đã phải hi sinh 40% doanh số của mình khi phải từ chối 40% khách hàng mua thuốc không có đơn của bác sĩ hoặc đơn không hợp lệ.

Thuốc kháng sinh đã được được quy định chỉ được bán khi có đơn, tuy nhiên lại được bán khá phổ biến tại hầu hết các nhà thuốc, mặc dù không có đơn của bác sĩ. Hơn nữa, nhiều dược sĩ của một số nhà thuốc vẫn chưa thực hiện tốt kỹ năng giao tiếp và tư vấn bán hàng, dẫn tới việc hiểu lầm hay không hiểu rõ hết cách sử dụng thuốc, gây ra thiệt hại về sức khỏe cho cộng đồng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là lợi nhuận từ việc tiêu thụ các loại thuốc kháng sinh đóng góp một phần đáng kể trong tổng lợi nhuận của nhà thuốc. Vì vậy, nếu tuân thủ quy chế bán thuốc theo đơn sẽ dẫn đến việc giảm doanh thu của nhà thuốc. Trong khi đó, công tác giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý còn yếu do số lượng nhà thuốc quá lớn trong khi lực lượng chức năng lại nhỏ.

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN KHẢO sát tư vấn và kỹ NĂNG HƯỚNG dẫn sử DỤNG THUỐC KHÁNG SINH của NHÂN VIÊN cơ sở bán lẻ THUỐC CHO NGƯỜI MUA THUỐC (Trang 28 - 30)