3.1. Định hướng phát triển và tầm nhìn những năm tiếp theo của TTCK ViệtNam Nam
Về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, quan điểm bao trùm khi xây dựng chiến lược là phát triển thị trường đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thị trường trên cơ sở chú trọng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế đang rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, quản lý, giám sát thị trường chứng khoán trên cơ sở quản lý rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo tính minh bạch, an toàn và bền vững của thị trường. Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, bằng khuôn khổ pháp lý, bằng hệ thống các quy định pháp luật thị trường.
Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Trước đây, khi chưa có thị trường chứng khoán, vai trò cấp vốn ngắn, trung, dài hạn cho doanh nghiệp đều đặt lên vai hệ thống ngân hàng. Nhưng từ khi Việt Nam xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán, gánh nặng này của hệ thống tín dụng được san sẻ. Tỷ trọng dẫn vốn cho nền kinh tế của kênh chứng khoán cũng ngày càng lớn dần so với hệ thống ngân hàng.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam cũng gắn liền với sự phát triển của thị trường khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, sẽ đưa các chuẩn mực, thông lệ tốt trên các thị trường quốc tế vào áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong giai đoạn mới, thị trường chứng khoán sẽ được định hướng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và tính thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (GDP đã điều chỉnh) vào năm 2025 và 110% GDP vào năm 2030… Đối với thị trường trái phiếu, mục tiêu hướng tới là quy mô thị trường đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Cơ cấu thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ được phát triển hợp lý. Với thị trường chứng khoán phái sinh, mục tiêu tốc độ, quy mô tăng 20 - 30%/năm; số lượng nhà đầu tư đạt
5% dân số vào năm 2025, đạt 8% vào năm 2030, với cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, trong nước, ngoài nước hợp lý.
Quan điểm chủ đạo là sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, trước đây tập trung nhiều vào quy mô và sản phẩm, thời gian tới sẽ tập trung phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng chất lượng, phát triển bền vững hơn. Phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các yếu tố quản trị doanh nghiệp, công tác thanh tra giám sát sẽ được tập trung với quan điểm chất lượng đặt lên hàng đầu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chủ động hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới và mục tiêu là sẽ nằm trong nhóm 4 thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN.
3.2. Đề xuất kiến nghị, giải pháp nâng cao sự phát triển của TTCK Việt Nam