Địa hình, địa thế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xác định tiêu chuẩn chọn đất trồng rừng keo lai và đề xuất quy hoạch vùng trồng keo lai ở huyện mang yang tỉnh gia lai​ (Trang 30 - 32)

Mang Yang là một huyện vùng núi và cao nguyên của tỉnh Gia Lai có địa hình và địa thế thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam, tất cả hướng dốc đổ về phía sông A Yun (là một trong những con sông đầu nguồn của sông Ba). Bao gồm các kiểu địa hình chính sau:

a. Kiểu địa hình núi trung bình.

Với đặc trưng có độ cao tuyệt đối trên 1000m, độ dốc phổ biến trên 250. Phần phía Bắc là sườn của dẫy Kon Ka Kinh, phần phía Đông và Đông Bắc là đỉnh Lơ Pang. Thảm thực vật là kiểu rừng lá rộng thường xanh với loài cây ưu thế là Giổi, Trám, Kháo, Bời lời, Re, trữ lượng rừng đang ở mức độ trung bình đến giầu. Đất thuộc kiểu địa hình này chủ yếu là đất Feralit mùn trên núi cao, tầng đất trung bình đến dầy. Tuy là nơi cao dốc nhưng độ che phủ của rừng vẫn còn tương đối tốt, nên đã hạn chế được xói mòn, phòng hộ tích cực cho sông A Yun.

b. Kiểu địa hình núi thấp.

Kiểu địa hình này có độ cao tuyệt đối từ 300 đến 700m, độ chia cắt sâu (theo độ cao tương đối) 100 - 250m, độ dốc phổ biến 200. Kiểu rừng phổ biến là kiểu rừng thường xanh ở phía trên, kiểu rừng nửa rụng lá ở phía dưới. Loại đất ở đây là đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá macma axit, tầng đất trung bình đến dầy. Phần chân của kiểu địa hình này được người dân sử dụng canh tác nương rẫy.

c. Kiểu địa hình Cao nguyên thấp

Kiểu địa hình này có độ cao tuyệt đối từ 500 – 1000m, độ chia cắt địa hình <25m, độ dốc phổ biến dưới 150. Thảm thực vật là kiểu rừng rụng lá và nửa rụng lá với đặc trưng là những loài cây thuộc họ Dầu, trữ lượng rừng nghèo do bị tác động bởi yếu tố con người. Đất thuộc kiểu địa hình này là đất Feralit nâu đỏ phát triển trên đá kiềm trung tính và đá macma axit, tầng đất dầy. Đất này rất thích hợp đối với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng trên kiểu địa hình này giảm rõ rệt trong những năm gần đây và được thay vào đó là những nương rẫy nông nghiệp, rừng trồng công nghiệp. Tuy đất ở đây tốt, tầng đất dầy nhưng nếu không được quản lý và sử dụng hợp lý sẽ dẫn tới đất bị xói mòn rửa trôi và đất sẽ trở nên hoang mạc hóa và sa mạc hóa trong tương lai.

d. Kiểu địa hình đồi.

Kiểu địa hình này có độ cao tuyệt đối từ > 300m, độ dốc phổ biến từ 15 – 250, loại đất chủ yếu là đất vàng đỏ, tầng đất từ trung bình đến dầy. Hiện trạng trên kiểu địa hình này chủ yếu là đất trống, cây bụi rải rác. Kiểu địa hình này phân bố rải rác trên vùng thấp phía Nam của huyện, rất phù hợp với hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên trong hoạt động sản xuất ở đây, cần chú ý tới mô hình canh tác cho phù hợp với độ dốc, nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng xói mòn đất.

e. Kiểu địa hình bán bình nguyên

Kiểu địa hình này có độ cao trên dưới 500m, độ chia cắt địa hình nhỏ hơn 25m, độ dốc phổ biến dưới 80. Loại đất chính là đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá macma axit. Với độ cao và dốc như vậy nên rất thích hợp với canh tác nông nghiệp, trồng cây công nghiệp ngắn ngày.

f. Kiểu địa hình thung lũng.

Kiểu địa hình này được phân bố chủ yếu dọc theo sông A Yun và một số suối lớn như Đăk BDầu, Dăk Sơ Mây. Đặc điểm của kiểu địa hình này là có hình dạng máng trũng, độ dốc phổ biến từ 80-150, đất được hình thành do hiện tượng dốc tụ, bồi tụ nên tầng đất dầy, nhiều chỗ hơi chua. Với đặc điểm địa hình như thế, người dân thường canh tác nông nghiệp, nơi có nguồn nước, còn lại là rẫy các loài cây như đậu, bắp, mì,...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xác định tiêu chuẩn chọn đất trồng rừng keo lai và đề xuất quy hoạch vùng trồng keo lai ở huyện mang yang tỉnh gia lai​ (Trang 30 - 32)