HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
Thu nhập ngoài lãi hiện đang là một vấn đề được quan tâm bởi nhiều thành phần khác nhau, từ nhà thiết lập chính sách cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng cho đến nhà quản trị ngân hàng và có thể là các cổ đông. Để tổng kết thực tiễn và bổ sung cho cơ sở lý luận, nghiên cứu này tiến hành phân tích định lượng bằng cách sử dụng ước lượng GMM để xem xét mối quan hệ giữa thu nhập ngoài lãi, hiệu quả hoạt động và các yếu tố khác tác động đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Thu nhập ngoài lãi: Nghiên cứu đã sử dụng chỉ tiêu NNII (non-interest income) thu nhập ngoài lãi của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008 – 2017.
Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi (NNII): Kết quả thống kê mô tả cho thấy chỉ số NNII trung bình của các ngân hàng thương mại đạt 8.32%, điều này thể hiện việc các ngân hàng thương mại đã thực hiện đa dạng hóa thu nhập, tuy nhiên việc tăng cường các hoạt động phi tín dụng tại các ngân hàng còn ở mức độ thấp, tới hơn 90% doanh thu của toàn hệ thống vẫn tập trung từ các hoạt động tín dụng truyền thống.
Về chiều hướng tác động của tỷ lệ thu nhập ngoài lãi: Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập ngoài lãi có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam với hệ số hồi quy dương lần lượt cho các biến độc lập ROAA, ROAE là 0.0961 và 0.5817, có ý nghĩa ở mức 5%, kết quả này giống với kết quả nghiên cứu của De Young và cộng sự, Apergis, Saunders và các tác giả, Lee và cộng sự; do đó việc đa dạng hóa các hoạt động phi tín dụng nhằm tăng tỉ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập, trở thành các ngân hàng đa năng đúng nghĩa nên là giải pháp ưu tiên nhất của tất cả các ngân hàng thương mại Việt Nam. Đây chính là xu thế phát triển tất yếu của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt. Trong khi nguồn thu từ hoạt động tín dụng là nguồn thu chính cho các ngân hàng thương mại Việt Nam, nguồn thu của các ngân hàng trên thế giới dựa chủ yếu vào các hoạt động dịch vụ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của chính phủ và ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy các ngân hàng thương mại Việt Nam đã được phép đa dạng hóa thu nhập từ cuối những năm 90 nhưng trên thực tế vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập từ hoạt động tín dụng, chưa mang tính đồng bộ và chưa tạo ra tiện ích có tính cạnh tranh cao. Vì vậy kết quả này một lần nữa khẳng định sự phù hợp giữa định hướng vĩ mô với lợi ích của từng ngân hàng. Tùy thuộc vào từng loại hình dịch vụ cụ thể như dịch vụ thanh toán quốc tế, dịch vụ thẻ, dịch vụ cho thuê két sắt an toàn… mà các ngân hàng có thể sử dụng để phát triển, làm tăng khả năng sinh lời cho mình.
Bên cạnh các yếu tố đa dạng hóa thu nhập thì tất cả các yếu tố còn lại như tỷ lệ tiền gửi khách hàng (DEPOSIT), tỷ lệ vốn chủ sở hữu (EQUITY), tỷ lệ dư nợ cho vay (LOAN), quy mô ngân hàng (SIZE) đều tác dụng đến biến hiệu quả hoạt động năm t. Cụ thể như sau:
Tỷ lệ tiền gửi khách hàng (DEPOSIT): Kết quả hồi quy cho thấy tỷ lệ tiền gửi khách hàng trên tổng tài sản (DEPOSIT) có ý nghĩa tiêu cực trong mô hình, điều này cho thấy tỷ lệ tiền gửi của khách hàng tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế nếu các ngân hàng thương mại duy trì tỷ lệ này quá thấp sẽ tạo ra khó khăn cho nguồn vốn hoạt động
ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng thương mại nên chú ý duy trì tỷ lệ tiền gửi tại mức hợp lý nhằm tránh làm giảm khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu (EQUITY): Có hệ số tác động âm cho cả hai biến phụ thuộc, tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng cao thì sẽ càng làm tăng áp lực chi trả cổ tức cho các cổ đông, điều này khiến cho hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại bị kém đi.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng (LOAN): Với hệ số hồi quy dương và đạt mức ý nghĩa 10%, tỷ lệ cho vay tín dụng có tác động tích cực đối với khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại. Điều này có thể được giải thích rằng mặc dù các ngân hàng thương mại đang nghiên cứu mở rộng ra các hoạt động phi tín dụng nhằm cải thiện khả năng sinh lời nhưng hoạt động tín dụng vẫn là nguồn thu nhập chính của các ngân hàng, do đó tỷ lệ dư nợ tín dụng đạt chất lượng tốt càng tăng càng làm khả năng sinh lời tăng.
Quy mô ngân hàng (SIZE): Có ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại với hệ số hồi quy âm và đạt mức ý nghĩa 5%. Các ngân hàng càng gia tăng quy mô được xem như càng gia tăng nguồn chi phí cần phải trả, điều này có tác động tiêu cực đến kết quả thu được của các ngân hàng thương mại.
Tóm lại: Nguồn thu nhập ngoài lãi sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại gia tăng hiệu quả hoạt động, mang lại khả năng sinh lời và độ an toàn cao hơn. Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ tín dụng gia tăng sẽ giúp hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại được cải thiện. Kết quả nghiên cứu trên giúp các nhà quản trị ngân hàng có thể xem xét và cân bằng các hoạt động nhằm cải thiện và làm tăng khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại.