Với mục đích là lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng, dựa trên cơ sở kết quả phân tích định lượng đã tính toán được tại chương 4, các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn chưa thực sự đẩy mạnh hoạt động thu nhập ngoài lãi, còn một số hạn chế trong sử dụng nguồn lực để
đẩy mạnh thu nhập từ lãi, tác giả đưa ra các chính sách khuyến nghị cho phù hợp với yêu cầu đổi mới và đòi hỏi của xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế như sau:
Một là, kết quả nghiên cứu phản ánh việc đẩy mạnh các hoạt động ngoài lãi sẽ thúc đẩy gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Hiệu quả tích cực từ việc đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi đối với các hoạt động tài chính ngân hàng có thể là kết quả của việc tăng thu nhập ròng hoặc giảm chi phí hoạt động khi ngân hàng tiến hành đa dạng hóa thu nhập. Đồng thời, các ngân hàng thương mại trên thế giới đang có xu hướng gia tăng nguồn thu nhập ngoài lãi nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của mình trong môi trường cạnh tranh hiện nay, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay cũng cần tập trung, khai thác và phát triển các hoạt động phi tín dụng, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ mới nhằm gia tăng lượng sản phẩm, đáp ứng du cầu của khách hàng, thúc đẩy khả năng sinh lời một cách hiệu quả. Các ngân hàng thương mại Việt nam có cơ cấu hoạt động ngoài lãi còn khá đơn điệu so với các ngân hàng nước ngoài, những hoạt động liên quan đến các công cụ phái sinh, mua bán nợ (bao gồm cả nợ xấu), kinh doanh bảo hiểm,… chiếm một tỉ trọng khá lớn trong thu nhập của các ngân hàng nước ngoài thì lại khá khiêm tốn đối với các ngân hàng Việt Nam. Đây là những hoạt động khá mới mẻ đối với các ngân hàng thương mại trong nước, đòi hỏi nhân viên phải được đào tạo, học hỏi kỹ lượng những kỹ năng mới để phát triển và duy trì các dịch vụ mới, chịu đựng được các rủi ro từ các hoạt động mới và cần phải có kỹ năng giải quyết các tình huống mang tính phức tạp.
Hai là, các ngân hàng thương mại nên tiếp tục nâng cao tăng trưởng tín dụng một cách ổn định và bền vững đồng thời gia tăng chất lượng của các hồ sơ tín dụng, hạn chế những rủi ro tiềm ẩn. Để đảm bảo chất lượng tín dụng, các ngân hàng này có thể tiếp tục đầu tư cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, quản lý nhằm hoàn thiện năng lực quản trị, tối đa hóa sự đánh đổi giữa rủi ro và khả năng sinh lời, từ đó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để đối mặt với những tình huống trong công tác. Nâng cao năng lực xử lý hồ sơ cho nhân viên nhằm đẩy nhanh hoạt động cho vay và chọn lọc ra được những hồ sơ yếu kém. Các công nghệ hiện đại chính là công cụ vô cùng hiệu quả để các ngân hàng cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, từ đó các thao tác làm việc của nhân
viên sẽ nhanh chóng và chính xác hơn, đẩy mạnh được thêm các hoạt động tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay của khách hàng.
Ba là, cơ cấu nguồn vốn hợp lý, tránh tập trung nguồn vốn từ tiền gửi khách hàng nhằm giảm bớt lãi tiền gửi cần phải trả, gia tăng thu nhập, tăng hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Cuối cùng là, các ngân hàng nên tiết giảm chi phí, cân nhắc số tiền bỏ ra nên như thế nào để phù hợp đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng mình mà không có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lời. Trên thực tế, bộ máy nhân sự của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn rườm rà, các ngân hàng nên cắt giảm những nhân sự không có kiến thức cũng như khả năng làm việc trong một ngân hàng nhằm giảm bớt chi phí và tuyển dụng nhân sự có khả năng làm việc tốt, phù hợp với công việc, đưa ra những chương trình đào tạo hữu ích cho nhân viên nhằm hoạt động hiệu quả hơn, gia tăng khả năng sinh lời.