Tích hợp giáo dục biến đổi khí hậu trong dạy học Sinh học ở trung học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tích hợp giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh trung học phổ thông tỉnh bắc kạn trong dạy học phần sinh thái học sinh học 12​ (Trang 29 - 33)

9. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Tích hợp giáo dục biến đổi khí hậu trong dạy học Sinh học ở trung học

phổ thông

1.1. Mục tiêu chung

Qua dạy học môn Sinh học trang bị cho HS những kiến thức cơ bản về khí hậu, thời tiết, khí nhà kính, BĐKH hiện tại và quá khứ, nguyên nhân và hậu quả. Mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên, BĐKH và ứng phó BĐKH, để mỗi HS trở thành tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, nhà trường và địa phương về BĐKH đồng thời có ý thức tham gia đóng góp vào các hoạt động phù hợp ở địa phương làm giảm thiểu tác động của BĐKH khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như trong tương lai.

1.2. Mục tiêu cụ thể - Kiến thức

+ Trang bị cho HS những kiến thức cơ bản về khí hậu, thời tiết, khí nhà kính, BĐKH, nguyên nhân và hậu quả, mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và những cơ sở khoa học của các hiện tượng đó;

+ Trang bị cho HS những kiến thức cơ bản về BĐKH, ứng phó với BĐKH và cơ sở khoa học của các quá trình đó.

- Kĩ năng

+ Trang bị và phát triển những kỹ năng vận dụng kiến thức Sinh học để giải thích cơ sở khoa học của các hiện tượng khí hậu, thời tiết, khí nhà kính, nguyên nhân và hậu quả, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên;

+ Trang bị và phát triển những kỹ năng vận dụng kiến thức Sinh học để giải thích cơ sở khoa học về BĐKH, ứng phó với BĐKH trên cơ sở đó phát triển các kĩ năng thuyết phục, tuyên truyền về BĐKH và ứng phó với BĐKH trong cộng đồng.

- Thái độ

+ Giáo dục cho HS ý thức vận dụng kiến thức Sinh học trong giải thích các hiện tượng BĐKH, môi trường và ứng phó với BĐKH (giảm nhẹ và thích ứng).

+ HS có ý thức vận dụng các hiểu biết, kĩ năng thu được qua học tập môn Sinh học để tham gia các hoạt động tuyên truyền về ứng phó với BĐKH, tham gia các hoạt động nhằm ứng phó với BĐKH phù hợp với lứa tuổi.

+ Hình thành hoài bão ước mơ học tập, nghiên cứu học công nghệ để xây dựng một tương lai xanh, phát triển bền vững trên hành tinh Trái Đất.

- Hình thức: GDBĐKH có thể được tiến hành trong chương trình chính khóa và ngoại khóa.

Hình thức chính khóa:

Thông qua các bài học bộ môn trên lớp trong chương trình chính khóa. Với hình thức này, vừa có thể tích hợp nội dung GDBĐKH, vừa đảm bảo kiến thức cơ bản và tính logic của nội dung môn học mà không làm quá tải lượng kiến thức và tăng thời gian của bài học. Nội dung GDBĐKH được GV thực hiện thông qua các hoạt động sau:

- Nghiên cứu chương trình SGK để xây dựng mục tiêu dạy học, trong đó có các mục tiêu GDBĐKH.

- Xác định các nội dung GD BVMT và GDBĐKH cụ thể cần tích hợp. Căn cứ vào mối liên hệ giữa kiến thức môn học và các ND tích hợp năng lượng, GD BVMT,… từ đó GV lựa chọn tư liệu, phương án tích hợp phù hợp với kiến thức bài học.

- Xây dựng tiến trình dạy học cụ thể (chú ý đến hoạt động của HS). Lựa chọn các phương pháp dạy học và phương tiện phù hợp, cần chú ý sử dụng các phương pháp dạy học tích cực và phương tiện dạy học có hiệu quả để tăng cường tính trực quan và gây sự hứng thú học tập của HS.

Hình thức ngoại khóa:

Tổ chức GDBĐKH trong chương trình ngoại khóa. Hình thức GD này sẽ tạo cơ hội cho HS phát triển kỹ năng để có thể ứng phó một cách chủ động và tích cực đối với các vấn đề do MT và BĐKH gây ra. Đồng thời, thông qua các hoạt động ngoại khóa giúp nhà trường gắn kết với các lực lượng xã hội và tạo điều kiện cho họ

tham gia tích cực vào công tác giáo dục thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi tập trung nghiên cứu tích hợp nội dung GDBĐKH thông qua hình thức chính khóa.

- Mức độ: Sinh học là một môn học có liên hệ mật thiết với Khoa học môi trường. Đối tượng nghiên cứu của Sinh học là sinh vật ở các cấp độ tổ chức khác nhau; trong khi đó, sinh vật là một trong các nhân tố cấu thành môi trường, đồng thời sinh vật và các yếu tố khác như đất, nước... và không khí là đối tượng nghiên cứu của khoa học Môi trường. Các hoạt động của các yếu tố tự nhiên trong môi trường dựa trên cơ sở các nguyên lí sinh thái của của Sinh thái học, đây là một phân môn của Sinh học. Rõ ràng, trong nội dung Sinh học có chứa và có liên quan rất nhiều nội dung về GDBĐKH. Vì vậy, tích hợp GDBĐKH trong dạy học Sinh học ở trường phổ thông là rất thuận lợi. [36][38]

Kiến thức ứng phó với BĐKH mặc dù không có trong SGK Sinh học một cách rõ ràng như là một bài, một mục,... và nếu chỉ “nhìn bề ngoài” thì chưa thấy có liên quan gì giữa ứng phó với BĐKH và bài học Sinh học. Nhưng thực tế, trong SGK Sinh học THPT có hàng loạt các bài học có khả năng liên hệ kiến thức giáo dục GDBĐKH. Tuy nhiên, GV cần xác định các bài học có khả năng lồng ghép, liên hệ, lựa chọn các kiến thức và vị trí hay nơi có thể đưa kiến thức giáo dục GDBĐKH vào bài học một cách hợp lí. Muốn làm được điều này có hiệu quả cao thì người GV Sinh học THPT luôn phải cập nhật các kiến thức về GDBĐKH.

Đối với môn Sinh học có thể tích hợp kiến thức giáo dục GDBĐKH vào môn học theo 2 dạng:[4][38]

a) Dạng lồng ghép

Ở dạng này các kiến thức giáo dục GDBĐKH đã có trong chương trình và sách giáo khoa Sinh học THPT và trở thành một bộ phận kiến thức của môn học. Kiến thức giáo dục GDBĐKH được lồng ghép có thể :

- Chiếm một vài chương (trong SGK Sinh học 12, kiến thức ở ba chương trong phần Sinh thái học nói về những kiến thức liên quan chặt chẽ với kiến thức giáo dục GDBĐKH);

- Chiếm một hoặc một số bài trọn vẹn (lồng ghép toàn phần);

- Chiếm một mục, một đoạn hay một câu trong bài học (lồng ghép một phần).

b) Dạng liên hệ

Ở dạng này, các kiến thức giáo dục GDBĐKH không được đưa vào chương trình và SGK, nhưng dựa vào nội dung bài học, người GV có thể bổ sung kiến thức giáo dục môi trường có liên quan với bài học qua giờ giảng lên lớp.

- Nguyên tắc: Nguyên tắc GDBĐKH trong dạy học Sinh học THPT

+ Khi thực hiện dạy học tích hợp, cần đảm bảo sự thống nhất giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học [2]: Để đạt được mục tiêu GDBĐKH, người dạy cần phân tích cấu trúc chương trình để lựa chọn nội dung dạy học, xác định phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp.

+ Giáo dục cho người học về biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, nhưng cần hướng người học vào việc bảo vệ môi trường và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ngay tại nơi sinh sống.

+ Tích hợp GDBĐKH không được làm thay đổi đặc trưng môn học, không biến bài học Sinh học thành bài học về biến đổi khí hậu, mà cần tích hợp nhằm đạt được mục tiêu kép.

+ Khai thác nội dung giáo dục biến đổi khí hậu một cách có chọn lọc, hệ thống. + Tổ chức người học tự chủ trong dạy học, tận dụng kiến thức sẵn có của người học.

- Yêu cầu cơ bản của việc lựa chọn phương pháp giảng dạy tích hợp trong GDBĐKH:

Theo lý thuyết về sư phạm tích hợp chúng tôi đã xác định những yêu cầu cơ bản của việc lựa chọn phương pháp giảng dạy tích hợp trong GDBĐKH:

+ Thích hợp cho việc phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Giới hạn nội dung và thời lượng tích hợp GDBĐKH phù hợp.

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho người học tham gia tích cực vào quá trình học tập, đạt được mục tiêu dạy học Sinh học và GDBĐKH.Tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học hỗ trợ hiệu quả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tích hợp giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh trung học phổ thông tỉnh bắc kạn trong dạy học phần sinh thái học sinh học 12​ (Trang 29 - 33)