Học sinh khuyết tật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện định hóa tỉnh thái nguyên​ (Trang 25)

8. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Học sinh khuyết tật

- Khuyết tật:

Những thuật ngữ “tàn tật”, khiếm khuyết“, “khuyết tật”, “tật nguyền” …thường được dùng với những mục đích khác nhau, trong những trường hợp khác nhau. Cho dù dùng thuật ngữ nào thì “bản chất khuyết tật là những tổn thương thực thể hoặc sự suy giảm chức năng của cơ thể dẫn đến những hậu quả không tránh khỏi làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể” [21].

UNESCO định nghĩa “khuyết tật là hiện tượng đa chiều gây ra tác động qua lại giữa con người và môi trường” [21].

Theo Số: 23/2006/QĐ-BGDĐT, Quyết định Quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật, tại điều 2. Người khuyết tật quy định: Người khuyết tật, không phân biệt nguồn gốc gây ra khuyết tật, là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc suy giảm chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm giảm khả năng hoạt động, khiến cho việc sinh hoạt, học tập, lao động gặp nhiều khó khăn [5].

Luật số 51/2010/QH12 của Quốc hội: Luật người khuyết tật, tại Điều đã giải thích “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn” [12].

Phân loại khuyết tật căn cứ vào ba yếu tố cơ bản:

-Những thiếu hụt về cấu trúc cơ thể hoặc sự suy giảm các chức năng. -Những hạn chế trong hoạt động của cá thể khuyết tật gây nên.

-Môi trường sống có điều kiện thuận lợi hay tạo ra những rào cản làm ảnh hưởng đến sự tham gia đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động của người khuyết tật.

Như vậy, học sinh khuyết tật là người dưới 18 tuổi bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

- Học sinh khuyết tật trí tuệ:

Ngày 10/04/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 28/2012/NĐ- CP hướng dẫn Luật người khuyết tật. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật người khuyết tật về dạng tật, mức độ khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật; chính sách xã hội hóa trợ giúp người khuyết tật nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, sản xuất trang thiết bị dành cho người khuyết tật; chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật,...

Định nghĩa khuyết tật trí tuệ được quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, theo đó: Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê những rối nhiễu tâm thần V (DSM-V, 2013) của Hiệp hội rối nhiễu tâm thần Mỹ đã đưa ra định nghĩa và các tiêu chí chẩn đoán về khuyết tật trí tuệ như sau: Khuyết tật trí tuệ (Intellectual Disabilities) là một rối loạn diễn ra trong suốt quá trình phát triển, bao gồm sự

thiếu hụt cả về trí tuệ và chức năng thích ứng về khái niệm, xã hội và các lĩnh vực thực hành. Bắt buộc phải có 3 tiêu chuẩn sau:

A. Bị thiếu hụt các chức năng trí tuệ như lí luận, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, tư duy trừu tượng, phán xét, kỹ năng học tập, học hỏi từ trải nghiệm. Các thiếu hụt này được kiểm chứng thông qua các đánh giá lâm sàng và cá nhân, kiểm tra trí thông minh đã được tiêu chuẩn hóa.

B. Bị thiếu hụt trong chức năng thích ứng dẫn đến thất bại trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển văn hóa xã hội, độc lập cá nhân và trách nhiệm xã hội. Không có sự hỗ trợ, những thiếu hụt trong chức năng thích ứng này sẽ dẫn đến những hạn chế một hoặc nhiều hoạt động trong học tập hàng ngày như thông tin liên lạc, tham gia xã hội, sống độc lập; và trong nhiều môi trường như gia đình, trường học, nơi làm việc và cộng đồng,

C. Những thiếu hụt về trí tuệ và chức năng diễn ra trong suốt quá trình phát triển. DSM-V cũng phân loại 4 mức độ khuyết tật trí tuệ dựa trên những khó khăn trong học tập, chỉ số thông minh, các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống và các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của trẻ, bao gồm 4 mức độ khuyết tật trí tuệ sau: mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ nghiệm trọng [10].

Như vậy, học sinh khuyết tật trí tuệ là học sinh có tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy dẫn tới gặp phải những vấn đề khó khăn về học tập trong nhà trường.

1.2.4. Giáo dục hoà nhập

Giáo dục hoà nhập là "Hỗ trợ mọi học sinh, trong đó có trẻ khuyết tật, cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết trong lớp học phù hợp tại trường phổ thông nơi trẻ sinh sống nhằm chuẩn bị trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội [9, tr.3].

Luật số 51/2010/QH12 của Quốc hội: Luật người khuyết tật, tại Điều đã giải thích “Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục [12].

Như vậy, Giáo dục hòa nhập cho học sinh là phương thức giáo dục để học sinh khuyết tật được học chung với học sinh cùng độ tuổi theo chương trình chung tại trường phổ thông nhằm hỗ trợ để phát triển và đáp ứng những nhu cầu phù hợp với đặc điểm cá nhân giúp học sinh hòa nhập cộng đồng.

1.2.5. Quản lý giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục

Quản lý giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục là những biện pháp tác động của chủ thể quản lý mang tính mục đích, có kế hoạch đến quá trình tổ chức giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục nhằm hỗ trợ để phát triển và đáp ứng những nhu cầu phù hợp với đặc điểm cá nhân giúp học sinh hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, quản lý giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục ở các trường trung học cơ sở thể hiện ở các khâu: lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đánh giá giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục ở các trường trung học cơ sở.

1.3. Hoạt động giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục ở các trường trung học cơ sở

1.3.1. Một số đặc điểm tâm lí cơ bản của học sinh khuyết tật trí tuệ

- Đặc điểm về hoạt động nhận thức:

Học sinh khuyết tật trí tuệ có đặc điểm về tri giác rất chậm chạp, sự thu nhận thông tin của HSKT trí tuệ chỉ bằng 40% HS bình thường, sự phân biệt các hình dạng và bắt chước các hình dạng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, trong quá trình tri giác, HS thiếu tính tích cực do không muốn xem xét kỹ các chi tiết do nguyên nhân thần kinh bị yếu, tri giác cũng dễ mệt mỏi, khó duy trì được trong một thời gian dài.

Học sinh khuyết tật trí tuệ có tư duy mang tính trực quan và cụ thể, do vậy các em khi khái quát bản chất của sự vật rất kém, khi nhận xét về bản chất của sự vật thì không đưa ra nhận xét đúng. HSKT trí tuệ phân biệt kém đối với màu sắc, hình dạng và kích cỡ, trong quá trình phân biệt âm thanh, HS khó phân biệt và nhận biết các loại âm thanh khác nhau.

Sự phát triển kém về ngôn ngữ và tư duy khiến HSKT trí tuệ thường đưa ra những câu trả lời thiếu suy nghĩ hoặc khả năng diễn đạt kém, lúng túng khi trình bày một vấn đề nào đó liên quan đến cuộc sống và học tập.

HSKT trí tuệ gặp khó khăn trong học tập do trí nhớ có đặc điểm chậm nhớ, mau quên, do vậy, khi dạy học cho HSKT trí tuệ các em thường ghi nhớ máy móc tốt hơn, không nhớ ý nghĩa của sự vật, hiện tượng mà chỉ nhìn thấy những đặc điểm chung, bề ngoài của sự vật, hiện tượng. Do khả năng ghi nhớ dài hạn bị hạn chế, ghi nhớ trực tiếp tốt hơn là ghi nhớ gián tiếp, “gặp khó khăn về trí nhớ ngôn ngữ (các em chỉ có thể ghi nhớ được 4 đến 5 từ mà giáo viên đọc cho nghe trong 6 lần với tốc độ đọc là 1 từ/giây)” [10].

Học sinh khuyết tật trí tuệ có vốn từ nghèo nàn, gặp khó khăn trong diễn đạt, HS khó hiểu hoặc gặp khó khăn khi diễn đạt các từ có tính trừu tượng hoặc mang nghĩa bóng. Giao tiếp của HSKT trí tuệ không đáp ứng hoặc đáp ứng rất ít yêu cầu đặt ra, do ngôn ngữ diễn đạt hạn chế nên HSKT nói ngọng, nói lắp, nói khó và HS KT trí tuệ thường sử dụng câu đơn, không nắm được quy tắc ngữ pháp. Trong quá trình học tập, HSKT trí tuệ gặp khó khăn khi làm bài tập về tiếng việt, đọc chuyện và kể lại, do vậy, khi diễn đạt các em lúng túng, mất tự tin và khó tham gia vào hoạt động tập thể.

Học sinh khuyết tật trí tuệ có một số đặc trưng về tình cảm, các em có nhiều loại phản ứng mang tính xúc cảm khác nhau, đôi khi các em thờ ơ đối với những sự vật xung quanh, lảng tránh những trò chơi tập thể và ít chủ động chơi với bạn.

1.3.2. Mục tiêu giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục ở các trường trung học cơ sở

Mục tiêu là cái đích phải đạt tới, là trạng thái mong muốn, khả thi và cần thiết trong tương lai hoạt động giáo dục hòa nhập (GDHN) cho học sinh khuyết tật (HSKT) thông qua hoạt động giáo dục trong trường THCS. Trong quá trình GDHN cho HSKT thông qua hoạt động giáo dục phải đảm bảo các mục tiêu, từ đó tổ chức, quản lý hoạt động GDHN cho HSKT thông qua hoạt động giáo dục có hiệu quả.

Bộ Giáo dục & Đào tạo (2018), Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật như sau:

- HS khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng.

- Đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của HS khuyết tật.

- Chuẩn bị cho HS khuyết tật về các mặt đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất và lao động để tiếp tục học lên trung học hoặc đi vào cuộc sống lao động. để tiếp tục học theo nhu cầu và nguyện vọng bằng những hình thức thích hợp,

- Hỗ trợ cho việc sống tự lập và hướng nghiệp, sống độc lập trong cuộc sống sau này của HS khuyết tật.

- Đạt trình độ văn hóa tùy theo năng lực của bản thân trong môi trường giáo dục phổ thông.

- Được trang bị những kiến thức và kỹ năng xã hội như HS bình thường cùng độ tuổi, được bổ sung những kỹ năng xã hội thông thường tự hình thành ở HS bình thường.

- Cải thiện tình trạng giảm sút các chức năng do tật, phát huy tối đa những năng lực còn lại. Rèn luyện thói quen và kỹ năng tự phục vụ đồng thời giáo dục định hướng nghề nghiệp tùy theo năng lực và sức khỏe của HS.

1.3.3. Nội dung giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục ở các trường trung học cơ sở

Để đạt được mục tiêu giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục các trường trung học cơ sở cần thực hiện các nội dung sau:

- Đảm bảo cho HS khuyết tật được hưởng những quyền giáo dục cơ bản, quyền tự do, không bị tách biệt và được cụ thể trong từng cấp học. Các trường trung học cơ sở thực hiện nội dung giáo dục thông qua các hoạt động chính khóa, ngoại khóa và đặc biệt là môi trường dạy học.

Xây dựng nội dung giáo dục cho HS khuyết tật dạng trí tuệ cần đảm bảo nội dung kiến thức vừa sức và đảm bảo được sự phát triển của HS sau này. Đồng thời CBQL, GV phải chú ý đến những lĩnh vực thiết yếu của cuộc sống học tập của HS gắn với hòa nhập cộng đồng. Việc tham gia học tập của HS có hiệu quả hay không phụ thuộc vào môi trường tác động giáo dục và sự điều chỉnh nội dung hợp lý cho từng học sinh.

- Phát hiện, huy động và tiếp nhận HS khuyết tật học tập tại nhà trường. - Sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với HS khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 (hai) người khuyết tật.

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân hoạt động can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập; tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Xác định điều kiện, cơ hội nghề nghiệp sau này của HS.

- Xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện, đảm bảo người khuyết tật được tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác và được tham gia bình đẳng trong mọi hoạt động giáo dục.

- Đảm bảo thực hiện yêu cầu chương trình giáo dục chung, tính đến năng lực và nhu cầu của HS khuyết tật. Giáo dục cho HS những kiến thức văn hóa cơ bản, có những hiểu biết về quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội, tư duy. Những kiến thức về yêu thích lao động, những công việc làm hàng ngày của bản thân, bạn bè, gia đình. Hiểu biết những tính chất, công dụng của những vật liệu thông thường, có hiểu biết về an toàn lao động.

- Giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, cho HS khuyết tật.

- Thực hiện các hình thức, phương pháp giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật nhằm tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu và khả năng của học sinh khuyết tật.

Giáo dục nhận thức cho HS khuyết tật và xây dựng mối quan hệ tình cảm gia đình, bạn bè, những người xung quanh, tôn trọng các quy định và nội quy ở nhà, ở trường và nơi sinh sống, cư xử với mọi người đúng mực.

Dựa vào nội dung giáo dục chung, GV tiến hành lựa chọn và điều chỉnh để hình thành kiến thức, thái độ cho HS khuyết tật.

1.3.4. Hình thức giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục ở các trường trung học cơ sở

- GDHN thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp:Thông qua hoạt động này, GV định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh khuyết tật tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.

- GDHN thông qua môn giáo dục kỹ năng sống: GV chọn lọc các nội dung trong môn học phù hợp với khả năng nhận thức của HSKT, như là các kiến thức về việc phòng chống đuối nước, hướng dẫn học sinh biết cách ra tín hiệu hoặc gọi người khác đến cứu giúp khi bản thân bị đuối nước, hoặc biết phân biệt, nhận diện những vùng nước nguy hiểm gần nhà… Việc cung cấp kiến thức và rèn các kỹ năng cụ thể, gắn với những tình huống gần gũi trong đời sống thực tiễn hàng ngày sẽ giúp HSKT dễ hình dung và vận dụng thực hành tốt hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật thông qua hoạt động giáo dục tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện định hóa tỉnh thái nguyên​ (Trang 25)