4 Tóm tắt và bàn luận
4.2 Thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Nhìn chung, thực hành NCBSM tại 11 tỉnh dự án vẫn chưa hợp lý mặc dù các bà mẹ đã cho trẻ bú sữa mẹ. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, trẻ sơ sinh nên được cho bú sớm trong một giờ đầu sau khi sinh và NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ. Kết quả điều tra cho thấy 50,5% bà mẹ cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, tỷ lệ này thấp nhất ở Đà Nẵng 27,9% và cao nhất ở Quảng Bình 80,4%. Chỉ có 20,2% bà mẹ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu, Khánh Hòa có tỷ lệ NCBSM hoàn toàn thấp nhất (0,6%), tiếp theo là Đà Nẵng (3,5%), Cà Mau (6,5%), và Tiền Giang (11,6%). Thay vì cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, các bà mẹ lại cho trẻ uống nước, sữa bột và ăn bổ sung trong giai đoạn này. Tỷ lệ tiếp tục NCBSM đến 1 năm tuổi khá cao 79,5% nhưng tỷ lệ tiếp tục NCBSM đến 2 tuổi đã giảm xuống chỉ còn 18,2%.
Trong khi tỷ lệ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu tại 11 tỉnh điều tra cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc (20,2% so với19.6), nhưng tỷ lệ bú sớm sau sinh lại thấp hơn (50,5% so với 61,7%) (1). Tỷ lệ tiếp tục NCBSM đến 2 năm tuổi không chênh lệch nhiều so với khảo sát của VDD (22,1% và 18,2%) (1).
Kết quả điều tra cho thấy chăm sóc khi sinh có ảnh hướng đến thực hành NCBSM của bà mẹ. Cho trẻ ăn các thức ăn khác ngoài sữa mẹ trong 3 ngày đầu sau sinh khá phổ biến (75,2%), nhiều nhất là sữa bột (52,1%), và nước (50%). Bà mẹ sinh con tại bệnh viện có nhiều khả năng cho trẻ ăn sữa bột ngay sau khi sinh hơn và ít khả năng cho trẻ bú sớm sau sinh hơn bà mẹ sinh tại TYT hoặc nhà hộ sinh. Các bà mẹ đẻ mổ hoặc bị cắt tầng sinh môn cũng có nhiều khả năng cho trẻ uống sữa bột trong 3 ngày đầu sau sinh hơn và ít khả năng cho trẻ bú sớm sau sinh hơn các bà mẹ đẻ thường. Ngoài ra, nhiều bà mẹ cai sữa cho trẻ trước 2 tuổi, với các lý do chính là: cảm thấy không đủ sữa, phải đi làm, trẻ bỏ bú, và cảm thấy trẻ đủ lớn để cai sữa. Tỷ lệ sử dụng sữa bột tăng lên theo tuổi của trẻ: 17% ở trẻ dưới 1 tháng tuổi, 23-25% ở trẻ từ 2 đến 4 tháng tuổi, và 41,9% ở trẻ 5 tháng tuổi. Trong điều tra này, chất lượng và sự đa dạng của thức ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 23,9 khá cao. So với điều tra năm 2010 của VDD, các tỉnh trong điều tra này có tỷ lệ cao hơn về trẻ có khẩu phần đa dạng (71,6% so với 82,6%), trẻ được ăn đủ bữa (85,6% so với 94,4%), và trẻ có khẩu phần đủ bữa và đa dạng (51,7% so với 70,9%) (1). Tuy nhiên, các thực hành ABS còn chưa hợp lý. Gần 1/3 (29,1%) trẻ ở độ tuổi này chưa có khẩu phần đủ bữa và đa dạng. Trong khi hầu hết trẻ đang bú mẹ được ăn đủ bữa ăn chính và phụ mỗi ngày, thì còn nhiều trẻ không được ăn đủ, đặc biệt là ở trẻ không còn bú mẹ. Hơn nữa, khá ít bà mẹ tuân theo các khuyến nghị về nuôi dưỡng trẻ khi bị ốm, điều trị tiêu chảy, tẩy giun và bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Trong các chỉ số chính về NDTN, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về chỉ số NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu giữa các khu vực dự án (19,1% bà mẹ ở khu vực có dự án A&T và 21,4% bà mẹ ở khu vực không có dự án A&T)
Các kết quả này cung cấp thêm bằng chứng khẳng định NDTN có ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ nhỏ. Các bà mẹ tuân theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho ABS thì con của họ ít có khả năng bị SDD thể thấp còi hơn những bà mẹ không tuân theo. Mặc dù tỷ lệ thực hành NCBSM theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới còn thấp, nhưng NCBSM là một thực hành chuẩn đối với đa số trẻ nhỏ. Phần lớn trẻ được bú mẹ, và được tiếp tục bú mẹ đến 1 năm tuổi. Các nỗ lực can thiệp nhằm cải thiện thực hành NCBSM tại Việt Nam có thể hưởng lợi từ những kết quả này và ưu tiên tăng cường tỷ lệ trẻ được bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 1 năm tuổi. Một điểm quan trọng nữa là trẻ trên 6 tháng tuổi phải đảm bảo được ăn đủ bữa.