Các nghiên cứu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của thanh khoản đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 33 - 36)

Tại Việt Nam, cũng đã có nhiều nghiên cứu về thanh khoản của các ngân hàng. Huỳnh Thị Hương Thảo (2011) đã đưa ra các giải pháp đảm bảo thanh khoản tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các nhà quản lý ngân hàng cần thực hiện là đảm bảo khả năng thanh khoản hợp lý cho ngân hàng. Tương tự, nghiên cứu của Lê Thị Tuyết Hoa (2012) cũng đưa ra một số phương pháp quản trị rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam, kết luận quản trị rủi ro thanh khoản hiệu quả có tính cấp thiết đối với các NHTM trong giai đoạn nghiên cứu, giúp giảm thiểu chi phí, hạn chế rủi ro, góp phần tối đa hóa lợi nhuận, tăng lợi ích cho cổ đông; đồng thời cũng tăng uy tín của NHTM, đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi NHTM cũng như cả hệ thống NHTM Việt Nam.

Nguyễn Minh Sáng và Nguyễn Thị Thu Trang (2013) nghiên cứu khả năng đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam theo mô hình của IMF trước nhu cầu rút tiền tăng lên đột biến của khách hàng. Để đáp ứng cho nhu cầu rút tiền đột ngột với khối lượng lớn ngân hàng cần sử dụng những nguồn cung thanh khoản có sẵn và có khả năng chuyển hóa thành tiền cao nhất. Bài viết đưa ra 10 kịch bản căng thẳng thanh khoản và xem xét sức chịu đựng của 34 ngân hàng thương mại Việt Nam trong từng kịch bản tại thời điểm cuối năm 2011 và cập nhật cho 10 ngân hàng theo số liệu năm 2012. Kết quả cho thấy khả năng đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam cuối năm 2011 trước những cú sốc thanh khoản vẫn còn thấp và hơn một nửa các ngân hàng được nghiên cứu cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài. Sang năm 2012, tình hình của 10 ngân hàng được nghiên cứu có diễn biến tốt hơn.

Bên cạnh đó, Đặng Văn Dân (2015) cũng đã áp dụng phương pháp khe hở tài trợ để xác định các nhân tốc ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Bài viết sử dụng các phương pháp hồi quy cho dữ liệu bảng bao gồm mô hình Pooled OLS (Pooled Ordinary Least Squares), FEM (Fixed Effects Model) và REM (Random Effects Model) với dữ liệu nghiên cứu là các chỉ

số tài chính thu thập từ báo cáo tài chính của 15 NHTM lớn tại Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2014. Kết quả cho thấy rủi ro thanh khoản chịu sự tác động nghịch chiều với yếu tố quy mô tổng tài sản và chịu tác động cùng chiều với yếu tố tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản.

Như vậy, trong phạm vi hiểu biết của tác giả, hầu hết các nghiên cứu về thanh khoản tại Việt Nam chủ yếu nhìn nhận trên góc độ rủi ro thanh khoản và quản trị thanh khoản hợp lý, hiệu quả; rất ít các nghiên cứu đi sâu về mối quan hệ giữa thanh khoản và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu trước đây của thế giới về mối quan hệ giữa thanh khoản và lợi nhuận ngân hàng có thể rút ra một số kết luận sau:

Một là, thanh khoản có tác động đến lợi nhuận các ngân hàng thương mại.

Hai là, một số nghiên cứu cho thấy việc gia tăng thanh khoản sẽ làm giảm khả năng sinh lời.

Ba là, sự tác động của thanh khoản đến lợi nhuận có quan hệ phi tuyến tính, lợi nhuận ngân hàng được cải thiện khi nắm giữ một lượng tài sản có tính thanh khoản; tuy nhiên tồn tại một điểm mà tại đó việc gia tăng tài sản thanh khoản sẽ làm giảm lợi nhuận ngân hàng.

Bốn là, việc gia tăng tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi sẽ góp phần gia tăng lợi nhuận ngân hàng.

Cuối cùng, các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự tác động của thanh khoản đến lợi nhuận ngân hàng như tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát…

Do vậy, kế thừa và áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, một quốc gia đang phát triển với hệ thống ngân hàng còn non trẻ, quản trị ngân hàng nói chung và quản trị thanh khoản nói riêng đang từng bước hội nhập và hoàn thiện, luận văn mong muốn thông qua việc thiết lập một mô hình nghiên cứu tương tự để kiểm chứng mối quan hệ giữa thanh khoản và lợi nhuận, so sánh sự tương đồng và khác biệt với kết quả đạt được từ những nghiên cứu trước đây ở các quốc gia khác. Trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị để góp phần đảm bảo khả năng thanh khoản của ngân hàng,

đồng thời đạt được mức lợi nhuận mong muốn, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống NHTMCP Việt Nam.

Kết luận Chương 2

Chương 2 đã trình bày chi tiết khung lý thuyết cơ bản về thanh khoản và lợi nhuận, tác động của thanh khoản đến lợi nhuận ngân hàng thương mại; đồng thời, các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới cũng đã cho thấy tồn tại mối quan hệ cùng chiều, ngược chiều hoặc phi tuyến của thanh khoản đến lợi nhuận trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau. Trên cơ sở đó, Chương 3 đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất cũng như phương pháp nghiên cứu phù hợp của luận văn.

CHƯƠNG 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trên cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm trước đây, Chương 3 đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất cùng với các giả thuyết nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của thanh khoản đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)