Công tác quản lý vận hành điện mặt trời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ứng dụng hệ thống phát điện năng lượng mặt trời cho thành phố lào cai và đề xuất giải pháp quản lý, kinh doanh năng lượng mặt trời​ (Trang 73 - 76)

4. Kết cấu của luận văn

3.4.5. Công tác quản lý vận hành điện mặt trời

Song song với các giải pháp trên thì công tác quản lý vận hành điện mặt trời cũng cần được quan tâm, chú trọng. Ở đây, ta cần tập trung một số nội dung như sau:

- Vấn đề an toàn điện: các hệ thống điện mặt trời hiện nay đều có chức năng điều khiển tự động ngắt, tách ra khỏi lưới điện khi lưới điện bị sự cố hoặc cắt điện để bảo dưỡng, sửa chữa. Với chức năng này, người vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện sẽ được an toàn do khi công tác trên lưới, sẽ ngăn chặn được nguy cơ mất an toàn điện do nguồn điện của hệ thống điện mặt trời. Với những bộ điều khiển thông minh còn cho phép tự ngắt, cách ly khỏi lưới điện quốc gia nhưng vẫn duy trì cung cấp điện cho hộ tiêu thụ, do vậy vẫn đảm bảo duy trì cung cấp điện cho các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh hoặc sản xuất của hộ. Đây cũng là điều khoản được ghi rõ trong hợp đồng bán điện, được ngành Điện kiểm tra đầy đủ, chính xác trước khi ký kết hợp đồng.

- Công tác bảo dưỡng, bảo trì: mặc dù là thiết bị sinh điện ở dạng tĩnh nhưng trong quá trình vận hành, để hệ thống luôn duy trì được hiệu suất phát điện cao, đảm bảo an toàn điện thì cần quan tâm đến công tác bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa:

+ Trước hết là công tác vệ sinh bề mặt tấm pin mặt trời. Qua thời gian vận hành, dưới tác động của thời tiết, bề mặt tấm pin sẽ bị bám bụi, bụi sẽ gây hạn chế các tấm pin tiếp xúc ánh sáng mặt trời, làm giảm hiệu suất, công suất phát điện của pin. Việc vệ sinh tấm pin rất đơn giản, có thể thực hiện thủ công nếu số lượng nhỏ hoặc sử dụng máy rửa nếu số lượng tấm pin lớn. Trên địa bàn thành phố Lào Cai, hầu như không có nhà máy công nghiệp hay cơ sở sản xuất nào gây ô nhiễm không khí nên việc vệ sinh được thực hiện dễ dàng, thuận tiện.

+ Tiếp đến là bảo dưỡng, sửa chữa bộ điều khiển: cấu tạo bộ điều khiển bao gồm các tiếp điểm và hệ thống điều khiển điện tử. Ở đây ta chỉ quan tâm đến bảo trì, bảo dưỡng các tiếp điểm. Qua thời gian sử dụng, do dòng điện đi qua các tiếp điểm lớn, gây phát nhiệt và tiếp xúc sẽ kém. Để an toàn, phòng ngừa nguy cơ hỏng, cháy, nổ, ta cần định kỳ kiểm tra và vệ sinh các tiếp điểm của bộ điều khiển nhằm nâng cao tuổi thọ, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.

+ Công tác thay thế, sửa chữa: Các bộ phận chính liên quan của hệ thống điện mặt trời gồm các tấm pin, bộ điều khiển, giá đỡ, dây trục mạch lực và phụ kiện. Qua thời gian vận hành, các thiết bị có thể hư hỏng gặp lỗi sản xuất, cần thay thế hoặc sửa chữa.

Các nội dung này có thể được thực hiện bởi nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ hoặc phối hợp với ngành Điện để làm dịch vụ vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng.

Trên đây là những giải pháp cơ bản trong công tác quản lý, kinh doanh điện mặt trời nhằm đẩy mạnh sự phát triển điện mặt trời tại địa bàn Thành phố Lào Cai. Ngoài những giải pháp trên, còn có những giải pháp khác tùy theo từng giai đoạn, chính sách, thời điểm. Tôi tin rằng, những giải pháp như trên được thực tế hóa, trong thời gian tới, điện mặt trời sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững ở thành phố Lào Cai, góp phần nâng cao chất lượng điện năng, giảm tổn thất, nâng cao hiệu quả truyền tải, sử dụng điện, đưa thành phố Lào Cai dần trở thành một trong những thành phố hiện đại, thông minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ứng dụng hệ thống phát điện năng lượng mặt trời cho thành phố lào cai và đề xuất giải pháp quản lý, kinh doanh năng lượng mặt trời​ (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)