Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa dạng thực vật thân gỗ tại rừng quốc gia đền hùng phú thọ (Trang 66 - 68)

Hiện tại, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của của Rừng quốc gia Đền Hùng vẫn còn người dân sinh sống. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Hạt kiểm lâm Việt Trì, UBND xã Hy cương và một số sở ban nghành có liên quan đang tiến hành việc đền bù và tiến tới di dời toàn bộ toàn bộ những hộ dân sống xung quanh phân khu này ra khỏi khu bảo vệ nghiêm ngặt, nên việc bảo vệ và phát triển rừng là tương đối tốt. Những biện pháp bảo tồn đa đạng sinh học chủ yếu là khoanh nuôi kết hợp với trồng bổ sung phục hồi rừng theo phương thức khoanh nuôi bảo vệ. Nghiêm cấm và xử phạt nặng các hành vi xâm phạm đến rừng như khai thác trộm gỗ, củi, cây thuốc, săn bắn động vật rừng, đem lửa vào rừng……

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng trong khu bảo vệ nghiêm ngặt theo tôi cần làm tốt những nội dung sau:

4.4.1.1. Nâng cao năng lực quản lý và thi hành pháp luật

- Thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục người dân về lợi ích của rừng, những hậu quả của việc mất rừng. Khu di tích lịch sử Đền Hùng phải thường xuyên tổ chức những buổi họp tuyên truyền, giáo dục người dân về lợi ích của rừng tại các thôn, xóm và các trường học xung quanh vùng đệm.

- Làm rõ danh giới giữa Rừng quốc gia và vùng đệm và giữa các phân khu trong Rừng quốc gia. Hiện nay, nhiều người dân còn chưa biết rõ ranh giới giữa khu bảo vệ nghiêm ngặt với các xã lân cận và ranh giới các phân khu của Rừng quốc gia đồng thời cũng không biết quyền và nghĩa vụ của mình tại vùng đệm và vùng lõi và trong từng phân khu. Vì vậy, Rừng quốc gia Đền Hùng phải tiếp tục đóng cọc mốc phân chia ranh giới giữa khu bảo vệ nghiêm ngặt và vùng đệm. Khi đóng cọc mốc ranh giới cần có sự tham gia đầy đủ của các bên: chính quyền địa phương, người dân, hội đồng bảo vệ rừng. Phải thường xuyên tuyên truyền đến người dân về quyền và trách nhiệm của mình đối với từng phân khu để công tác bảo tồn đạt hiệu quả tốt hơn.

- Thường xuyên tổ chức những đợt học tập nâng cao nghiệp vụ về công tác quản lý bảo vệ rừng, điều tra đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, kỹ năng làm việc với cộng đồng cho các cán bộ Kiểm lâm, Đội bảo vệ rừng trực thuộc Rừng quốc gia Đền Hùng để công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Rừng quốc gia Đền Hùng được thực hiện tốt hơn.

4.4.1.2. Tăng cường mối quan hệ với chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn đa dạng thực vật thân gỗ tại các vùng đệm

- Tiếp tục duy trì sự hoạt động của Hội đồng bảo vệ rừng tại các xã lân cận như: Phù Ninh, Lâm Thao, Vân Phú, Kim Đức, Chu Hóa, vì thời gian qua hội đồng bảo vệ rừng đã làm rất tốt vai trò của mình trong việc liên kết giữa Rừng quốc gia Đền Hùng và người dân bản địa trong việc bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và đa dạng thực vật thân gỗ nói riêng tại khu vực nghiên cứu.

- Cần phải tiếp tục hoạt động của Đội tuần tra bảo vệ rừng, tăng thêm tiền lương cho Đội tuần tra bảo vệ rừng để họ gắn bó hơn với công việc đang làm là bảo vệ rừng tại địa phương.

4.4.1.3. Xúc tiến các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn

- Một trong những chức năng quan trọng của một khu Rừng đặc dụng là nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực. Vì vậy, đòi hỏi có một đội ngũ cán bộ có trình độ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phải được hoàn thiện, do vậy cần phải được hoàn thiện để đáp ứng các nhu cầu cần thiết như: Tăng cường lực lượng cán bộ nghiên cứu, hoàn thiện việc điều tra khoanh nuôi các loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa cao đối với khu vực nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ; tiến hành nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với vùng đệm, tìm ra sinh kế bền vững cho người dân nhằm làm giảm áp lực vào rừng.

- Cần xúc tiến liên hệ với các tổ chức trong và ngoài nước để lập các dự án bảo tồn các loài quý hiếm, bị đe dọa, có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Hiện nay, Rừng quốc gia Đền Hùng chỉ hoạt động với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, chính vì vậy, mà các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo tồn đặc biệt là nghiên cứu các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ những loài động vật quý hiếm chưa được quan tâm đúng mức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa dạng thực vật thân gỗ tại rừng quốc gia đền hùng phú thọ (Trang 66 - 68)