Có 2 chiến lược điều khiển chính để điều khiển chuyển đổi DC-AC là điều khiển dòng điện (CC - Current Control), điều khiển điện áp (VC - Voltage - Control). Điều khiển dòng điện là chiến lược chung nhất để điều khiển kết nối lưới biến tần nguồn áp( VSI - Voltage Source Inverter). Điều khiển dòng điện có lợi thế là ít nhạy cảm với sự dịch pha điện áp và sự méo điện áp lưới, do đó nó làm giảm sóng hài dòng điện đến mức tối thiểu. Trong khi đó điều khiển điện áp có thể dẫn đến quá tải biến tần do góc pha có sai số nhỏ và có thể xuất hiện sóng hài dòng điện lớn nếu điện áp lưới bị méo. Khi hệ thống biến tần làm việc độc lập thì điều khiển điện áp sẽ là sự lựa chọn tự nhiên nhưng khi chúng hoạt động ở chế độ kết nối lưới điều khiển dòng điện là giải pháp điều khiển bền vững nhất. Trong phần này chỉ đề cập đến điều khiển dòng điện biến tần nguồn áp (CC-VSI). Các sơ đồ điều khiển trình bày trong phần này liên quan đến việc biến đổi hệ thống 3 pha sang các hệ thống 2 pha như đã trình bày trong mục 1.5.1
Điểm chung cho tất cả các chiến lược điều khiển được mô tả trong phần này là tách biệt rõ việc bù sai số dòng điện với phần điều chế điện áp (điều chế PWM). Ý tưởng này cho phép khai thác lợi thế của các bộ điều biến vòng hở tách ra từ vòng lặp bù sai số dòng điện (sẽ được mô tả trong phần sau)
Để điều khiển bộ nghịch lưu DC-AC ta có thể sử dụng các qui luật điều khiển khác nhau. Ba bộ điều khiển đang được dùng phổ biến hiện nay, đó là điều khiển tỉ lệ tích phân (PI), điều khiển cộng hưởng tỉ lệ (PR) và điều khiển phản hồi trạng thái.