Vi khuẩn P.multocida và bệnh viêm phổi ở lợn do P.multocida gây ra

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC TÍNH SINH HỌC CỦA VI KHUẨN ACTINOBACILLUS PLEUROPNEUMONIAE, PASTEURELLA GÂY VIÊM PHỔI Ở LỢN (Trang 35 - 43)

1.2.2.1. Vi khuẩn P. multocida

* Hình thái, kích thước và đặc tính nuôi cấy

Theo phân loại của Bergey (1974) [53], vi khuẩn P. multocida thuộc bộ

Eubacteriales, họ Parvobateriaceae, tộc Pasteurelliae, giống Pasteurella, loài

Pasteurella multocida. Kích thước của vi khuẩn P. multocida có sự thay đổi phụ thuộc vào nguồn gốc của chúng, vi khuẩn phân lập từ bò có kích thước đồng nhất từ 0,5-1,2 , trong khi đó P. multocida phân lập từ lợn có dạng tròn hơn, kích thước từ 0,8-1,0 .

Kích thước của vi khuẩn thay đổi phụ thuộc vào môi trường nuôi cấy, khi nuôi cấy lâu trên môi trường nhân tạo thường có hình trực khuẩn. P. multocida là vi khuẩn yếm khí tùy tiện, bắt màu Gram âm, không di động, không sinh nha bào khi phát triển trong cơ thể; trong môi trường nuôi cấy có bổ sung huyết thanh hoặc máu vỡ sẽ hình thành giáp mô. Khi cấy truyền trên môi trường nhân tạo hoặc tiêm truyền qua động vật máu lạnh nhiều lần thì độc lực của vi khuẩn giảm do không còn giáp mô, nhưng nếu tiêm truyền vi khuẩn qua lợn thì độc lực lại tăng lên vì chúng lại khôi phục khả năng hình thành giáp mô.

Vi khuẩn P. multocida gây bệnh ở lợn là loại cầu trực khuẩn, bắt màu Gram âm, có kích thuớc 0,2-0,41 x 0,04-1,5m, hai đầu tròn, không di động, không sinh nha bào, thường bắt màu sẫm ở hai đầu trong các tiêu bản máu ở phủ tạng lợn còn tươi. P. multocida là loại vi khuẩn sống hiếu khí hoặc yếm khí tuỳ tiện, điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển là 37°C trong môi trường trung tính hay hơi kiềm (pH: 7,2-7,4). Vi khuẩn P. multocida mọc tốt trên một số môi trường như nước thịt, thạch thường, thạch máu … (Cù Hữu Phú, 2011) [28].

Trên môi trường thạch có huyết cầu tố và huyết thanh là môi trường tốt dùng để giám định, phân lập và xác định độc lực của vi khuẩn này. Ở môi trường này vi khuẩn P. multocida phát triển thành khuẩn lạc đặc biệt có hiện tượng phát dung quang. Peter và cs (1996) [134] đã sử dụng môi trường dinh dưỡng tối thiểu để nuôi cấy chủng sinh độc tố và không sinh độc tố của vi khuẩn P. multocida. Môi trường gồm 17 thành phần, trong đó có cysteine, acid glutamic,

leucine, muối vô cơ, nicotinamid, pantothenate, thiamine, methionine. Kết quả cho thấy có 40/46 chủng đem thử (chiếm 87%) mọc tốt sau 10 lần cấy chuyển vẫn giữ nguyên khả năng sinh độc tố hoặc không sinh độc tố như lúc đầu.

Jablonski và cs (1996) [97] cho biết vi khuẩn P. multocida phát triển tốt trên môi trường nhân tạo cần cho thêm một số chất như cysteine, acid glutamic, leucine, methionine, muối vô cơ, nicotinamid, pantothenate, thiamine và đường. Trong đó leucine có tác dụng kích thích tăng trưởng và thiamine có thể thay thế bằng adenine. Eiichi và cs (1997) [72] khi nghiên cứu môi trường dùng để bảo quản mẫu bệnh phẩm chứa vi khuẩn P. multocida thấy vi khuẩn có thể duy trì sự sống được trong môi trường Cary- Blair và L-15 (leubovitz medium No15) hơn 15 ngày ở nhiệt độ phòng, tuy nhiên sử dụng Cary - Blair làm môi trường vận chuyển (transport medium) thì sẽ tốt hơn, còn môi trường L-15 thích hợp hơn khi bảo quản vi khuẩn này trong phòng thí nghiệm.

Vi khuẩn P. multocida phát triển trong môi trường phổ thông có thêm tụy đệm CaCl2 và MgCl2 cũng giống như phát triển trên môi trường BHI - Brain Heart Infusion (Michael và cs, 2002) [120].

Theo tài liệu của OIE (2004) [130], môi trường tốt nhất cho P. multocida là môi trường YPC (yeast extract peptone L-cytine) có thêm sacarose và sodium sulfite (Na2SO4) và môi trường TSA (tryptone soya agar). Trên môi trường TSA kích thước của khuẩn lạc sẽ lớn hơn. Vi khuẩn P. multocida phát triển trên môi trường YPC thạch máu sẽ tạo nhiều kháng nguyên quan trọng hơn khi cấy trong các môi trường tổng hợp khác, đây cũng là môi trường giúp tái tạo giáp mô của vi khuẩn. Shivachandra (2006) [145] cho thấy vi khuẩn P. multocida còn có khả năng mọc trên môi trường đậu phụ, tuy nhiên chúng không phát triển trên môi trường MacConkey và thạch Citrate. Trong môi trường giàu chất dinh dưỡng thì các gen liên quan đến quá trình trao đổi chất của vi khuẩn hoạt động mạnh.

* Đặc tính sinh hóa

Vi khuẩn P. multocida lên men đường glucose, mannitol, sorbitol, galactose; không lên men đường lactose, arabinose, maltose. Phản ứng sinh Indol, Catalaza và Oxydaza: Dương tính; phản ứng Urease: Âm tính; không mọc trên môi trường MacConkey (Carter, 1984 [59]; Đỗ Quốc Tuấn, 2008 [46]).

* Cấu trúc kháng nguyên

Kháng nguyên của vi khuẩn P. multocida rất phức tạp và cấu trúc từng loại luôn thay đổi. Cho đến nay, người ta đã xác định được P. multocida có 2 loại kháng nguyên là kháng nguyên vỏ (K) và kháng nguyên thân (O). Kháng nguyên O của vi khuẩn P. multocida được cấu tạo từ gluxit, lipid và protein. Về đặc điểm sinh học, kháng nguyên O của vi khuẩn P. multocida không khác với kháng nguyên O của các vi khuẩn khác. Kháng nguyên này có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành miễn dịch. Kháng nguyên K bao quanh thân vi khuẩn giúp cho vi khuẩn chống lại hiện tượng thực bào và ngăn cản sự tiếp xúc giữa kháng nguyên thân O và kháng thể O. Carter (1955) [57] đã sử dụng phản ứng kết tủa và dùng phương pháp ngưng kết hồng cầu gián tiếp cũng xác định vi khuẩn P. multocida có 4 serotype nhóm kháng nguyên K đánh theo chữ cái in hoa A, B, C, D. Vào năm 1961, Carter [58] đã xác định thêm serotype mới đặt tên là E, sau này đến năm 1963, Carter đề nghị bỏ serotype C.

Kháng nguyên thân O có hai thành phần đặc hiệu và không đặc hiệu, các chủng vi khuẩn khác nhau sẽ khác nhau theo kháng nguyên thân. Theo phân loại của Namioka và Murata (1961) [124], kháng nguyên thân có 16 serotype đánh số từ 1 - 16 và cho rằng khuẩn lạc của P. multocida chuyển từ dạng S sang dạng R thì vi khuẩn giữ được kháng nguyên thân O và cũng theo tác giả cho biết ở Nhật Bản bệnh do P. multocida gây ra ởlợn thuộc serotype A1 và D2.

Nguyễn Vĩnh Phước và cs (1986) [30] cho biết ở lợn serotype B là serotype chủ yếu gây bệnh Tụ huyết trùng trên lợn ở miền Nam Việt Nam, serotype A gây ra viêm phổi với thời gian bệnh kéo dài và tỷ lệ chết thấp hơn.

Theo Rimler và Rhoades (1987) [140] bằng phản ứng IHA đã bổ sung thêm một serotype giáp mô mới của vi khuẩn P. multocida ký hiệu là F. Các tác giả còn cho biết phương pháp ngưng kết hồng cầu gián tiếp là thích hợp cho việc định serotype theo kháng nguyên K mà hiện nay nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới đang dùng. Tại Nhật Bản, nghiên cứu của Iwanmatsu và Sawada (1988) [96] cho thấy trong 116 chủng vi khuẩn P. multocida phân lập từ phổi lợn có bệnh tích nhục hóa, áp xe phổi và viêm màng phổi có 81,9% thuộc serotype A; 18,1% thuộc serotype D. Kang-Hee O và cs (1990) [108] khi phân lập vi khuẩn từ 155

phổi của lợn thịt đã cho biết các chủng vi khuẩn P. multocida được xác định serotype A chiếm phần lớn 60,4%; serotype D chiếm 18,6%; còn lại 21,0% chưa xác định được serotype. Đỗ Ngọc Thuý và cs (2007) [42] đã tiến hành xác định serotype giáp mô của chủng vi khuẩn P. multocida phân lập được từ vật nuôi. Kết quả cho thấy hầu hết các chủng phân lập được từ dịch ngoáy mũi của lợn khoẻ, phổi hoặc dịch hầu họng của lợn tại lò mổ đều thuộc serotype A trừ một chủng phân lập từ lợn bị viêm phổi thuộc serotype D.

* Độc lực của vi khuẩn

Nhiều nghiên cứu về độc lực của vi khuẩn P. multocida cho thấy ở những gia súc, gia cầm chết do vi khuẩn P. multocida gây ra, người ta tìm thấy dấu hiệu hoạt động của độc tố. Diallo và cs (1995) [69] khi nghiên cứu độc lực của 9 chủng

P. multocida phân lập được thuộc serotype A tại Australia cho biết trong 9 chín chủng này có 3 chủng không chứa plasmid nhưng rất độc với chuột, tiêm liều 100 CFU/con vào xoang bụng thì chuột chết trong vòng từ 10 - 24 giờ, trong khi đó 3 chủng phân lập có chứa 1 plasmid và 3 chủng có chứa 2 plasmid lại không có khả năng giết chết chuột dù tiêm liều cao hơn. Vi khuẩn P. multocida thuộc serotype D còn tạo ra dermanecrotic toxin (DNT) là độc tố gây hoại tử biểu bì, độc tố này không bền với nhiệt. Trọng lượng phân tử của dermanecrotic toxin khoảng 112 - 160 kDa và có thể tách ra từ canh trùng nuôi cấy, gen toxA quy định tổng hợp dermanecrotic toxin có chiều dài 4.381 bp. Nếu nuôi cấy vi khuẩn ở 30oC thì hoạt tính của gen toxA này bị giảm nhiều và số lượng độc tố DNT sinh ra cũng ít đi (Hunt và cs, 2000) [93]. Chung và cs (2001) [63] khi kiểm tra, đánh giá độc lực của vi khuẩn P. multocida chủng X - 73, PBA 930 và PBA 945 thuộc serotype A trên chuột và gà đã cho thấy độc lực của chủng X - 73 đối với gà cao hơn hẳn hai chủng kia, đối với chuột thì độc lực của chủng PBA 930 là thấp nhất.

Đỗ Quốc Tuấn (2008) [46] cho thấy vi khuẩn P. multocida phân lập được từ lợn ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam có độc lực gây chết chuột bạch từ 50 - 100% trong thời gian từ 20 - 48 giờ. Vi khuẩn P. multocida phân lập được từ gia súc tại các tỉnh Cao Bằng và Hà Giang có độc lực mạnh, đã gây chết từ

80% đến 100% chuột thí nghiệm trong vòng 48 giờ sau khi công cường độc (Đặng Xuân Bình và cs, 2010) [4].

* Khả năng đề kháng với kháng sinh

Vi khuẩn P. multocida gây bệnh ở gia súc tại Thái Lan chứa 2 loại plasmid có khả năng đề kháng với kháng sinh. Loại plasmid thứ nhất là pJR1 chứa 6.792 bp và loại thứ hai là pJR2 chứa 5.252 bp.

- Plasmid pJR1 có 6 gen chính: gen thứ nhất (Sul II) quy định tính kháng sulfamide, gen thứ 2 (tet G) quy định đặc tính kháng tetracyclin, gen thứ 3 (cat B2) quy định đặc tính kháng chloramphenicol, gen thứ 4 (rep) quy định khả năng tái tạo protein của plasmid, gen thứ 5 và 6 (mbe Cy và deltambe Ay) quy định qúa trình tổng hợp các protein liên quan đến khả năng di chuyển của plasmid.

- Plasmid pJR2 có 5 gen chính: gen thứ nhất (deltain I1) có liên quan đến khả năng hợp nhất của plasmid, gen thứ 2 (aad A1) quy định đặc tính kháng streptomycin, gen thứ 3 (bba P1) quy định đặc tính kháng ampicillin, gen thứ 4 và gen thứ 5 quy định khả năng tổng hợp của protein tham gia vào quá trình tái tạo và phân ly plasmid (Wu và cs, 2003) [159].

Ở Việt Nam, Đỗ Quốc Tuấn và Nguyễn Quang Tuyên (2007) [45] cho biết 25 chủng P. multocida phân lập được từ các mẫu bệnh phẩm lợn mắc bệnh mẫn cảm cao với các kháng sinh như chlotetracyclin, neomycin và ampicillin; đến năm 2008, Đỗ Quốc Tuấn [46] xác định mức độ mẫn cảm của các chủng P.multocida

phân lập được ở lợn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam với một số kháng sinh thông dụng đã cho thấy các chủng P.multocida mẫn cảm cao với norfloxacin, lincomycin và neomycin. Tiêu Quang An và Nguyễn Hữu Nam (2011) [1] cũng cho biết các chủng P.multocida phân lập được ở lợn mắc PRRS mẫn cảm cao với các kháng sinh như amoxicillin (100%), ampicillin (66,67%), gentamicin (66,67%) và kháng mạnh các kháng sinh như streptomycin, enrofloxacin, colistin. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

1.2.2.2. Bệnh viêm phổi ở lợn do vi khuẩn P. mutocida

* Triệu chứng

Bệnh viêm phổi ở lợn do vi khuẩn P. multocida gây ra rất khác nhau tùy thuộc vào chủng vi khuẩn gây bệnh, thường xuất hiện 3 thể là thể quá cấp, thể cấp tính và thể mãn tính.

- Thể quá cấp tính: Lợn bệnh mệt mỏi, kém ăn, hoặc bỏ ăn, nằm một chỗ, không đứng dậy được, sốt cao (41 - 42°C), uống nhiều nước, run rẩy. Xuất hiện thuỷ thũng ở cổ, họng, hầu do viêm làm cho hầu sưng, cổ cứng, má phị, mặt mũi sưng húp, có khi phía dưới bụng và giữa hai hàng vú sưng, con vật thở khó, thở khò khè, cổ duỗi thẳng, mũi phồng ra khép lại từng hồi, nhịp tim nhanh. Các niêm mạc đỏ sẫm hoặc tím bầm, nốt xuất huyết, vết đỏ hay tím xuất hiện ở tai, cổ, bụng, phía trong đùi. Bệnh tiến triển từ 12 giờ đến 1 - 2 ngày, con vật chết vì ngạt thở (Nguyễn Vĩnh Phước và cs, 1979) [29]. Theo Trần Văn Bình (2008) [5], lợn mắc bệnh ở thể này có biểu hiện đang bình thường đột nhiên kêu rống lên rồi lăn ra chết, sau khi chết xác lợn tím bầm, sùi bọt mép. Trường hợp này xảy ra khi mầm bệnh đã có sẵn ở cơ sở chăn nuôi.

- Thể cấp tính: Lợn mắc bệnh bắt đầu ủ rũ, ăn ít hoặc bỏ ăn, sốt đến 41°C hoặc hơn. Sau đó, xuất hiện các triệu chứng giống ở thể quá cấp nhưng không trầm trọng bằng. Niêm mạc mũi lợn bệnh bị viêm, con vật thở khó, thở nhanh, có tiếng khò khè, ướt trong phế quản, chảy nước mũi đặc, nhờn, đục, có khi có mủ, máu; ho khan, từng tiếng, ho co rút toàn thân, khi gõ vùng ngực con vật đau, thấy có vùng âm đục; tim đập nhanh; chảy nước mắt; trên da nổi những chấm đỏ hoặc đám tím bầm ở những phần da mềm; chỗ da mỏng ít lông thường viêm xuất huyết.

Quan sát thấy lợn bệnh bị phù thũng dưới da vùng hầu và lan rộng xuống cổ. Những vùng này có hiện tượng sưng to và bùng nhùng. Lợn mắc bệnh lúc đầu táo sau ỉa chảy có khi có máu hoặc cục máu do xuất huyết ruột. Bệnh tiến triển từ 3 đến 12 ngày, con vật gầy yếu dần, ăn ít hoặc không ăn rồi chết. Tỷ lệ chết có thể lên tới 80%, nếu con vật không chết thì có thể chuyển sang thể mãn tính (Nguyễn Vĩnh Phước và cs, 1979) [29].

- Thể mãn tính: Thể này thường tiếp theo thể cấp tính, con vật khó thở, thở nhanh và thở khò khè, hơi sốt nhẹ, các khớp bị sưng nhất là khớp gối. Con vật ho nhiều khi vận động, có đám da tróc bong vẩy, niêm mạc miệng đóng màng giả gây áp xe. Bệnh tiến triển 3 - 6 tuần sau đó con vật gầy yếu dần rồi chết do suy nhược (Phan Thanh Phượng và cs, 2006) [31].

* Bệnh tích

- Thể quá cấp tính: Lợn chết đột ngột, do đó các bệnh tích thường ít đặc trưng, chứng xuất huyết và sung huyết có thể thấy ở khắp cơ thể (Phan Thanh Phượng và cs, 2006) [31]. Theo Nguyễn Vĩnh Phước và cs (1979) [29], Trần Văn Bình (2008) [5] lợn bệnh có bệnh tích xuất huyết ở thanh mạc, niêm mạc và các cơ quan nội tạng, xuất huyết nhiều điểm trên da. Hạch lâm ba sưng đỏ, thuỷ thũng, thấm nước. Hầu viêm, thấm tương dịch. Lách sưng, tụ máu. Thận ứ máu. Trên da có nốt đỏ hoặc tím bầm. Phổi xuất huyết, thuỷ thũng, thấm tương dịch.

- Thể cấp tính: Theo Nguyễn Vĩnh Phước và cs (1979) [29] khi mổ khám lợn bệnh có bệnh tích thuỳ phế viêm; phổi viêm tụ máu từng đám, nhất là vùng sâu hoặc phía sau. Phổi bị viêm có nhiều vùng gan hoá cứng ở các thời kỳ khác nhau, thấm tương dịch đỏ nhạt, khi cắt thấy có vân, có hạt nhiều màu sắc, các mô cứng nổi lên, có nhiều ổ hoại tử viền màu vàng, tổ chức liên kết giữa tiểu thuỳ dày lên, thấm nước thuỷ thũng nhưng không xuất huyết. Khí quản, phế quản tụ máu, xuất huyết có bọt nhớt màu hồng. Màng phổi dính vào lồng ngực, có khi có chấm xuất huyết, chứa nước ngoại xuất, có mủ màng giả, sợi huyết. Hầu viêm, thuỷ thũng, thấm tương dịch vàng. Dạ dày, ruột viêm cata, tụ máu, xuất huyết. Lách hơi sưng, màu đỏ sẫm, có ổ viêm cứng, đôi khi lách bình thường. Hạch lâm ba ngực, hầu sưng tụ máu. Hạch màng ruột sưng, thấm nước. Thận ứ máu, có màu đỏ sẫm. Cao Văn Hồng (2002) [16] cho biết lợn chết do P. multocida gây ra có thịt tím hồng, nhớt, thấm tương dịch, tỷ lệ viêm phổi khá cao tới 90,90%, xoang bụng tích nước màu vàng với tỷ lệ phát hiện từ 84,0 - 90,91%, hạch hầu sưng (93,64%). Tim sưng, bao tim tích nước (97,58%). Theo Phan Thanh Phượng (2006) [31], bệnh tích điển hình ở thể này là viêm da có những vết, mảng đỏ sẫm, tím bầm ở bụng, ngực, khoeo chân. Khi mổ khám lợn bệnh ở thể cấp tính người ta phát hiện thấy quá trình nhiễm trùng huyết cấp tính, kèm theo chứng xuất huyết trên khắp các màng thanh mạc, niêm mạc và các cơ quan bên trong, nhiều xuất huyết điểm trên da. Chứng phù nề dưới da, vùng cổ và vùng ngực rất nặng và rất đặc trưng, tích nhiều nước trong xoang bụng và xoang ngực.

- Thể mãn tính: Theo Nguyễn Vĩnh Phước và cs (1979) [29] các bệnh tích ở thể này là phổi viêm mãn tính, có vùng gan hoá hoại tử vàng xám, cứng, có ổ áp xe, có khi bị cazein hoá như fomat, đám bã đậu hoá. Phế quản viêm mãn tính,

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC TÍNH SINH HỌC CỦA VI KHUẨN ACTINOBACILLUS PLEUROPNEUMONIAE, PASTEURELLA GÂY VIÊM PHỔI Ở LỢN (Trang 35 - 43)