Đánh giá chiến lược kinh doanh phải nhằm trả lời các câu hỏi chủ yếu là: chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp có còn phù hợp với môi trường kinh doanh không. Nếu phải điều chỉnh thì phải điều chỉnh toàn bộ chiến lược kinh doanh hay chỉ cần điều chỉnh các chiến lược kinh doanh bộ phận.Nếu không điều chỉnh thì hình ảnh cạnh tranh mới của doanh nghiệp sẽ như thế nào.
Sau khi đã xây dựng được các chỉ tiêu xác đáng, doanh nghiệp cần phải xây dựng hệ thống các thước đo và tổ chức giám sát nhằm mục đích đánh giá việc thực hiện mục tiêu của các cấp trong doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, đo lường các kết quả là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là khi doanh nghiệp có nhiều hoạt động khác nhau. Việc đo lường một số chỉ tiêu định lượng có thể là dễ dàng, tuy nhiên sẽ khó khăn và cần thời gian dài hơn với chỉ tiêu định tính. Điều đó đòi hỏi phải sử dụng các công cụ kiểm tra phù hợp với tính đặc thù của từng bộ phận cũng như từng doanh nghiệp.
Về nguyên tắc, để kiểm tra các điều kiện tiền đề có thể sử dụng mọi công cụ được sử dụng trong phân tích chiến lược kinh doanh như các hệ thống chẩn đoán sớm, kỹ thuật sơ đồ…Các công cụ thích hợp được sử dụng như kiểm toán, kiểm tra đối chiếu… Kiểm tra quá trình thực hiện được thực hiện nhờ rất nhiều loại công cụ thích hợp với từng lĩnh vực hoạt động cụ thể.
Đánh giá chiến lược kinh doanh càng đảm bảo tính thường xuyên bao nhiêu càng cho phép dễ dàng theo dõi và càng kịp thời thực hiện các điều chỉnh cũng như càng sớm hình thành, bổ sung các điều kiện cần thiết để thực hiện thành công chiến lược kinh doanh bấy nhiêu. Có thể dùng phương pháp đánh giá cuốn chiếu trong xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh: định kì hàng năm đánh giá lại chiến lược kinh doanh để kịp thời bổ sung, điều chỉnh trước khi xây dựng kế hoạch năm tới.
Đối với kiểm tra bất thường cần quan tâm trước hết đến những quy định sự biến động môi trường đến mức nào thì phải kiểm tra, đánh giá lại chiến lược kinh doanh và sự biến động đến mức nào thì phải kiểm tra, đánh giá lại các kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược kinh doanh.
Ngân sách (kế hoạch tài chính) là công cụ quan trọng phục vụ công tác kiểm tra.Ngân sách là kế hoạch triển vọng về hoạt động của công ty và là phương tiện quan trọng cung cấp cho lãnh đạo các thông tin cần thiết cho việc đánh giá kết quả. Ngân sách được lập trước mỗi kỳ kế toán và được dùng để theo dõi kết quả hoạt động một cách liện tục. Bất kỳ sự sai lệch nào giữa kế hoạch đề ra và kết quả đạt được trong thực tế đều cần
được phân tích.Các loại ngân sách chủ yếu bao gồm: ngân quỹ tiền mặt, ngân sách về vốn đầu tư, dự kiến doanh số bán hàng, giá trị hàng mua, tồn kho, dự tính các chi phí…
Các phương pháp đo lường kết quả hoạt động: Việc lựa chọn phương pháp thích hợp để đo lường kết quả đạt được đương nhiên phải dựa trên yếu tố thành tích cần đánh giá. Nếu tiêu chuẩn để đánh giá thành tích được đề ra một cách đúng đắn thì nó tạo điều kiện dễ dàng cho việc xác định phương pháp đo lường tương ứng. Sau đây là một số phương pháp đánh giá kết quả:
Theo các chỉ tiêu marketing: phân tích doanh số bán hàng, phân tích thị phần, phân tích tỷ lệ chi phí marketing trên doanh số bán ra, tìm hiểu thái độ của khách hàng (khách hàng, đại lý và các đối tượng tham gia các hệ thống marketing khác) qua đó thu được các chỉ số quan trọng về chất, phản ánh sự phát triển của khách hàng , phân tích hiệu quả của các lực lượng bán hàng, công tác quảng cáo, khuyến mại, phân phối bán hàng.
Theo các chỉ tiêu về nhân lực: các chỉ tiêu về sản xuất (số lượng, chất lượng của sản lượng), đánh giá về con người (số lần nghỉ việc, đi muộn, số lần để xảy ra sự cố và mức độ tăng lương), quan điểm nhận thức của công nhân viên.
Theo các chỉ tiêu đánh giá kết quả sản xuất: nguyên vật liệu (số lượng, chất lượng), tiến độ sản xuất, giá thành.
Thanh tra: công tác kiểm tra còn bao gồm việc đánh giá và thanh tra định kỳ ở cấp bộ phận chức năng. Thanh tra là kiểm tra một cách có hệ thống các bộ phận cấu thành của bộ phận chức năng. Nhiệm vụ của việc thanh tra là làm rõ mặt yếu kém, các vấn đề vướng mắc, tồn tại và các cơ hội tiềm năng.
8.2.4. So sánh kết quả đạt được với tiêu chuẩn đề ra
Bước so sánh này sẽ cho phép các nhà lãnh đạo biết được các hoạt động đang tiến triển như thế nào so với mục tiêu đã định, các hoạt động của doanh nghiệp có đi chệch mục tiêu hay không và nếu có thì sai lệch đến mức nào.Khi nào kết quả thực sự nằm trong giới hạn kiểm soát trên và dưới, và nếu không thấy có xu hướng xấu, nhà quản trị phải có thể yên tâm. Nếu kết quả vượt quá giới hạn hay xu hướng tiêu cực nổi lên trong giới hạn, nhà quản trị phải có biện pháp khắc phục kịp thời.
8.2.5. Tìm nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch
Trong trường hợp các kết quả thực hiện vượt quá những đòi hỏi của mục tiêu, chúng ta có thể giải thích rằng do mục tiêu đề ra là quá thấp so với năng lực của doanh nghiệp, hoặc là do trong quá trình thực hiện chiến lược doanh nghiệp đã huy động được những năng lực đặc biệt hoặc đã nắm bắt được những cơ hội không được dự tính trước đó. Và như vậy thì doanh nghiệp có thể nâng cao mục tiêu trong thời gian tới.
Trong trường hợp các kết quả hoạt động thấp hơn mục tiêu và tiêu chuẩn đề ra, nguyên nhân có thể là hiệu quả hoạt động thực sự quá thấp so với năng lực của doanh
nghiệp, khi đó các nhà lãnh đạo cần xem xét các biện pháp điều chỉnh nhằm cải thiện hiệu quả của hoạt động. Chẳng hạn trong trường hợp bộ phận bán hàng không đạt chỉ tiêu doanh thu thì lý do có thể là do nhân viên bán hàng không tích cực hoặc không đủ năng lực so với yêu cầu của công việc.Một nguyên nhân khác cần phải quan tâm trong trường hợp này là do tác động khách quan của các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn do suy thoái kinh tế nên gây ra tình trạng sản phẩm tiêu thụ chậm hơn so với dự kiến.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên loại trừ những nguyên nhân chủ quan có thể là nguồn gốc của sự sai lệch này, đó là việc doanh nghiệp ấn định các mục tiêu quá cao so với các phương tiện mà doanh nghiệp có thể huy động, trong trường hợp này thì mục tiêu của doanh nghiệp đề ra là không xác đáng và cần phải xem xét lại.