Bài nghiên cứu đặt mục tiêu thực hiện kiểm định trên toàn thị trường IPO Việt Nam, bao gồm tất cả các công ty thực hiện đấu giá phát hành sau đó tiến hành niêm yết giao dịch cổ phiếu chính thức trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh HOSE và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX trong giai đoạn từ tháng 01/2005 đến hết tháng 12/2012. Tuy nhiên tác giả không tìm được dữ liệu đấu giá phát hành tại HNX trong thời gian trước năm 2010 nên không thể thực hiện thống kê hệ thống các đợt IPO trên HNX trong thời gian này. Vì vậy, mẫu dữ liệu bao gồm tất cả công ty đấu giá phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng sau đó niêm yết chính thức trên HOSE trong thời gian từ tháng 01/2005 đến hết tháng 12/2012 hay đấu giá phát hành sau đó niêm yết chính thức trên HNX trong thời gian từ tháng 01/2010 đến hết tháng 12/2012. Bài nghiên cứu không xem xét các đợt IPO trong năm 2013 do phương pháp xác định hệ số Beta trong mô hình CAPM đòi hỏi dữ liệu về giá cổ phiếu công ty trên thị trường niêm yết tối thiểu trong 180 ngày giao dịch. Ngoài ra, do đặc điểm nghiên cứu liên quan đến IPO thường đối mặt với thực tế quy mô mẫu không lớn, tác giả đưa vào mẫu dữ liệu bao gồm cả các công ty đã ngừng niêm yết trong thời gian xem xét. Quy trình thu thập số liệu cụ thể cho bài nghiên cứu như sau:
Đầu tiên, tác giả thu thập danh sách các cuộc đấu giá trên HOSE (từ tháng 01/2005 đến 12/2012) và HNX (từ tháng 01/2010 đến 12/2012. Tính đến hết tháng 12/2012, số cuộc đấu giá được công bố trên HOSE là 204 cuộc và trên HNX là 43 cuộc. Tổng cộng tác giả thu được số cuộc đấu giá ban đầu là 247 cuộc. Tiếp đó, tác giả thu thập danh sách tất cả các công ty niêm yết trên HOSE và HNX trong khoảng từ 2005-2012, bao gồm cả những trường hợp công ty đình chỉ niêm yết. Đối chiếu hai danh sách này với nhau để loại bỏ những cuộc đấu giá mà đến hết tháng 12/2012 doanh nghiệp phát hành chưa niêm yết, bài nghiên cứu tìm thấy chỉ có 99 cuộc đấu giá thỏa mãn điều kiện công ty phát hành sau đó niêm yết trên thị trường giao dịch chính thức, bao gồm 16 doanh nghiệp niêm yết trên HNX, 67 doanh nghiệp trên HOSE và 16 doanh nghiệp trên sàn Upcom. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp niêm yết trên sàn Upcom không có đầy đủ dữ liệu cần thiết cho các mô hình trong bài nghiên cứu nên không được đưa vào mẫu. Tổng hợp lại, tác giả có được 83 cuộc đấu giá mà sau đó doanh nghiệp có thực hiện niêm yết trên HOSE và HNX.
Dựa trên cơ sở đối chiếu ngày thực hiện đợt đấu giá phát hành và ngày niêm yết chính thức trên sàn giao dịch, tác giả nhận thấy có 27 cuộc đấu giá hoặc diễn ra sau ngày niêm yết hoặc là phát hành chứng khoán lần thứ hai, do đó không phải là cuộc đấu giá IPO và bị bỏ khỏi mẫu. Như vậy, tác giả còn lại được 56 cuộc IPO chính thức trong mẫu và tiến hành thu thập dữ liệu liên quan cần thiết cho các mô hình nghiên cứu. Trong số này, có 2 cuộc IPO không tìm được bản công bố thông tin (bản cáo bạch IPO) và kết quả đấu giá nên không thu thập được các biến cần thiết để đưa vào mô hình. Do đó, mẫu chính thức của bài nghiên cứu là 54 cuộc đấu giá IPO tương ứng với 54 doanh nghiệp phát hành trong giai đoạn tháng 01/2005 đến tháng 12/2012 với đầy đủ dữ liệu liên quan.
Nguồn dữ liệu chính cho bài nghiên cứu đến từ bốn nguồn chủ yếu: bản cáo bạch (bản công bố thông tin) khi phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng, kết quả và các thông tin quả cuộc đấu giá được công bố, báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước IPO và dữ liệu lịch sử giá cổ phiếu kể từ khi niêm yết giao dịch. Bản cáo bạch, hay bản công bố thông tin, là tài liệu trọng yếu chính thức được doanh nghiệp phát hành phối hợp với tổ chức tư vấn bảo lãnh phát hành công bố đến các nhà đầu tư trên thị trường. Bản
cáo bạch cung cấp các thông tin cơ bản về doanh nghiệp thực hiện IPO cũng như đợt phát hành, trong đó các dữ liệu trọng yếu cần thiết cho bài nghiên cứu bao gồm lịch sử hình thành doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp tại thời điểm IPO, cấu trúc tài sản, thông tin tài chính từ bản cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong hai năm trước khi IPO, vốn điều lệ và cấu trúc sở hữu doanh nghiệp sau IPO, số lượng cổ phiếu đấu giá cùng mức giá khởi điểm, thông tin nhà bảo lãnh (tư vấn) phát hành và đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính. Kết quả cuộc đấu giá, bao gồm số lượng đặt mua, mức giá trúng bình quân, cơ cấu nhà đầu tư tham gia, tổng số lượng và giá trị cổ phần phát hành… được tác giả thu thập bằng tay từ các bản thông báo kết quả đấu giá đăng trên website chính thức của HOSE, HNX và Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước SSC. Bên cạnh đó, dữ liệu lịch sử giá từng cổ phiếu niêm yết và chỉ số đại diện thị trường VN-index, HASTC- Index được thu thập từ các website chuyên ngành lĩnh vực chứng khoán như vietstock.vn, cafef.vn, cophieu68.com, vndirect.com. Dữ liệu thông tin tài chính đưa vào mô hình Altman Z-score được lấy từ báo cáo tài chính kỳ gần nhất trước thời điểm IPO hoặc tham khảo từ biên bản xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa (chỉ với doanh nghiệp nhà nước) hoặc báo cáo tài chính kỳ gần nhất sau thời điểm IPO (áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp trước IPO là đơn vị, xí nghiệp trực thuộc doanh nghiệp khác và không có báo cáo tài chính riêng). Trong trường hợp không tìm được bảo cáo bạch, bản công bố kết quả đấu giá hay thông tin cần thiết nào khác, bài nghiên cứu sử dụng báo cáo thường niên của năm trước và năm doanh nghiệp thực hiện IPO, đồng thời tham khảo thêm trên các website, tạp chí chuyên ngành lĩnh vực chứng khoán như vietstock.vn, cafef.vn, cophieu68.com, các website công ty chứng khoán có thống kê dữ liệu như công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, công ty cổ phần chứng khoán Vietcombank VCBS. Riêng đối với dữ liệu tỷ suất sinh lợi phi rủi ro là lãi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm, tác giả thu thập từ cơ sở dữ liệu của quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Chương 4 Kết quả nghiên cứu