bị nghỉ việc vì CSIRO thiếu công quỹ
Nhà hóa học người Úc gốc Việt, Giáo sư Tiến sĩ San Thang, người có triển vọng đạt giải Nobe Hóa Học, bị nghỉ việc trong cảnh “mất máu đông đảo nhân sự” của cơ quan khoa học quốc gia Úc CSIRO, đã đáp ứng với sự việc bằng tinh thần hào sảng được nhiều người gọi là hiếm thấy. Giáo sư Thăng, từ Việt Nam đến Úc tỵ nạn năm 24 tuổi, là một trong ba nhà hóa học nổi tiếng về ngành hữu cơ plastics và polymers, đã từng được nhiều giới khoa học trên thế giới trích dẫn và học hỏi rất nhiều (chẳng hạn việc ứng dụng chế tạo loại tiền giấy đặc biệt của Úc). Ba vị này có hy vọng đạt giải Nobel năm tới, sau khi đã lỡ mất giải thưởng năm nay. Những phát minh khoa học của giáo sư San Thăng và hai bạn đồng sự đã được nhiều công ty đa quốc gia thuộc nhiều ngành kỹ nghệ sử dụng, gồm các công ty như L’Oreal, IBM và Dulux…
Hồi tháng Chín, thời điểm Giáo sư San Thăng và hai bạn đồng sự thâm niên của ông là các ông Ezio Rizzardo và Graeme Moad được đề cử nhận giải Nobel Hóa Học, ông đã bị ngừng chức vụ nhà nghiên cứu niên trưởng cho cơ quan CSIRO, một cơ quan đang bị ‘mất máu nhân sự’ từ tháng Sáu năm ngoái do việc chính phủ tái cơ cấu các cơ quan công lập và cắt giảm công quỹ tài trợ.
Hồi đầu năm, ba vị này cũng được giải thưởng cao quý ATSE Clunies Ross Award, công nhận công trạng của họ trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi
sinh cho nước Úc. Họ đã cùng xuất bản hơn 100 công trình khảo cứu khoa học. Nghỉ việc sau gần 30 năm làm việc tại CSIRO, Giáo sư San Thăng được tặng thưởng danh hiệu Thành viên Danh dự của CSIRO, nghĩa là ông vẫn có văn phòng làm việc, nhưng không được trả lương. Tuy nhiên, ông tiếp tục làm việc tại trung tâm thí nghiệm trước đây của ông tại Clayton; chuyên trách đỡ đầu hướng dẫn cho các ứng viên học vị Tiến Sĩ. Ông cũng đang coi sóc việc xây dựng một phòng thí nghiệm hóa học tại Bắc Kinh.
Đài phát thanh ABC gọi cách ứng xử của ông là một bài học về sự khiêm nhu, khi ông lịch sự né tránh ý tưởng người khác đề nghị là – “Người dân Úc đóng thuế với mong muốn là các nhà khoa học được trả lương để làm việc vì lợi ích của quốc gia và thế giới.” – và ông nói rằng, “Ở đời, có cho và nhận. Tôi nghĩ tôi đã nhận được rất nhiều từ tổ chức [CSIRO] hoặc những người chung quanh và có lẽ đây là lúc tôi có thể cho lại’; những nhận định này của ông đã được nhiều thính giả tán thưởng về
khả năng của ông vượt lên trên sự việc trái lòng.
Giáo sư San Thăng, 60 tuổi, cũng nói là cơ quan CSIRO đã cho ông cơ hội làm việc rất tốt đẹp. Ông nói, “Ở Úc, mọi cửa ngỏ mở ra cho tôi và tôi vẫn muốn là một thành viên của CSIRO cũng như của nhiều tổ chức khác để tận dụng kiến thức của tôi, tôi muốn được gợi hướng cho nhiều người. Đó là điều một nhà khoa học như tôi thích làm.”
Năm xưa, Giáo sư San Thang rời Việt Nam trên tàu đánh cá nhỏ bé, vượt biển đến Mã Lai Á, sống ở trại tỵ nạn vài tháng trước khi sang Úc. Ông kể chuyện đời mình rằng, “Cả gia đình tôi kẹt lại và tôi không được gặp gia đình gần 20 năm. Bây giờ nghĩ đến chuyện đó tôi vẫn còn thấy khốn khổ…. Đó là kinh nghiệm đáng sợ, đôi lúc hãi hùng. Tôi không biết sao chúng tôi sống nổi. Nhưng khi người ta vượt qua được cái gian khổ đó, gian khổ làm cho người ta mạnh mẽ hơn. Đó là điều tôi học được từ kinh nghiệm đó.” Tuy ông không nghĩ đến mình, nhưng Giáo sư Thăng tỏ ý quan ngại rằng nước Úc không trưng dụng đủ ngân quỹ cho khoa học, và làm việc trong nghề khoa học 35 năm nay, ông chưa hề thấy chính phủ gia tăng ngân quỹ dành cho nền khoa học quốc gia.
Ông cũng nghiêm cẩn nói đến chuyện xảy ra với ông là thể hiện sự đánh giá thấp đối với sự đóng góp lớn lao của nhiều người tỵ nạn khác tại Úc. Ông nói không hết câu rằng, “Người tỵ nạn có nhiều người tốt lành và một lần nữa chính phủ cần biết tương dung hoặc… tôi nghĩ tôi không muốn bàn về vấn đề rất nóng là người tỵ nạn.”
Cuối năm tài chính vừa qua, CSIRO phải cắt giảm 513 công việc, lần lượt thuận theo đòi hỏi của Chính phủ Lao Động là các tổ chức của chính phủ phải vận hành hiệu quả, thuận theo yêu cầu của chính phủ Liên đảng Abbott ‘đóng băng’ việc tuyển dụng nhân sự và do cơ quan này không đạt được doanh thu từ bên ngoài vào. Một phát ngôn nhân của cơ quan CSIRO xác nhận là Tiến sĩ Thang phải ngưng việc là do những thay đổi đó. Mới đây, hiệp hội nhân sự CSIRO phổ biến dữ liệu mới cho thấy quy mô việc cắt giảm công việc cao hơn dự liệu, với khoảng 878 công việc sẽ bị cắt giảm tính đến khoảng tháng Sáu năm 2015.
Nguồn:
Đài phát thanh ABC
Nhật báo The Age, Melbourne
cộng_đồng