VĂN HÓA - XÃ HỘI
thần như đã đề cập, nhưng ở đây, có thể dễ dàng nhận thấy sự hiện hữu sừng sững, xuyên thời gian của những công trình vật chất, “đài tưởng niệm” thực sự, và đương nhiên, trở thành minh chứng cho cả một loạt những giá trị biểu trưng, biểu tượng, thông điệp lịch sử và văn hóa mà nó chứa đựng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đụng độ, tiếp xúc văn minh Đông-Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Huế, người Pháp hiện diện, đối diện với đất nước và triều Đại Nam theo hướng ngày càng căng thẳng, thì vấn đề này được đặt ra, xem xét như thế nào? Câu chuyện sẽ diễn ra theo hai hướng: sự áp đặt của văn minh phương Tây và thế ứng xử đậm chất Á Đông truyền thống của Đại Nam.
Có lẽ phát xuất từ môi trường tự nhiên vốn đầy khó khăn, khắc nghiệt, với thiên tai, rồi địch họa…, tất cả lại tồn tại trên một nền tảng đời sống kinh tế nghèo tiềm năng, lại có sự chi phối mạnh mẽ, đậm nét của Phật giáo, Đạo giáo theo hướng chủ trương “vô thường”, “vô vi”-không làm gì trái ngược với tự nhiên cũng như xã hội…, nên con người ta thường chú trọng xu hướng “hòa vào thiên nhiên”. Từ đó, xã hội luôn có sự chú trọng vào chiều sâu của nghi lễ, để hạn chế, giảm thiểu qui
mô vật chất thuần túy của công trình. Ở đây, chúng tôi muốn bước đầu tiếp cận sự kiện thất thủ kinh đô năm Ất Dậu (1885) như là một đỉnh điểm điển hình của quá trình đụng độ văn minh Đông-Tây, để rồi sau đó, không có một đài tưởng niệm vật chất quy mô lớn được xây dựng nhưng lại định hình nên một nghi lễ đặc biệt, cộng hưởng tính ngưỡng cúng đất, cúng cô hồn trong dân gian và Xá tội vong nhân của Phật giáo…, để hình thành nên nghi lễ cúng tế trong suốt hơn một tuần: lễ cúng 23/5.
Phải tới vài chục năm sau, đầu thế kỷ XX, người Pháp mới thực sự thành công trong việc tạo lập nên những đài tưởng niệm mang đậm dấu ấn văn minh phương Tây ở Huế nói riêng và miền Trung, rồi cả Việt Nam nói chung, như cầu trường Tiền (về giao thông), Nhà thương lớn (về y tế), Trường Quốc Học (về giáo dục), đặc biệt là Monuments aux Morts (đài chiến sĩ trận vong, về phương diện văn hóa tín ngưỡng).