Có một thời gian, nhóm của tôi thay lãnh đạo mới. Người này luôn đẩy hết vấn đề của khách hàng cho chúng tôi, lại chẳng bao giờ chịu tăng ca. Mỗi lần anh ta vô trách nhiệm đẩy hết vấn đề nan giải cho tôi, tôi lại chán nản phàn nàn với đồng nghiệp:
"Nếu những vấn đề quan trọng chúng ta đều xử lý hết thì cần lãnh đạo làm gì? Mọi công lao đều thuộc về anh ta, trong khi người ngày đêm vất vả lại là chúng ta, sao bất công như vậy?"
Ngoài dự liệu của tôi, người em đồng nghiệp lại bình tĩnh nói: "Thứ nhất, lãnh đạo càng như vậy càng tạo cơ hội cho chúng ta rèn luyện bản thân. Lãnh đạo quá giỏi chẳng phải chúng ta chỉ có thể làm những việc linh tinh sao? Thứ hai, chị có than trách cũng không tác dụng gì. Nếu chị không vừa ý chỉ có hai con đường, một lạ nghỉ việc, hai là nhẫn nhịn. Nhưng ra đi có chắc sẽ gặp được lãnh đạo tốt hơn không? Thứ ba, để lên vị trí ấy, anh ấy hẳn phải có điểm nào đó hơn người, chỉ là chúng ta không nhìn thấy thôi. Chúng ta không vừa lòng thì có thể được thăng chức tăng lương sao? Hay năng lực bản thân sẽ được nâng cao? Không hề, ngược lại chúng ta nên trau dồi bản thân, học hỏi lãnh đạo, đó mới là việc đúng đắn."
Câu nào em ấy nói cũng đều có lý cả. Đúng là năng lực của lãnh đạo mới không cao, nhưng rất biết quan tâm đời sống cấp dưới, ai đau ốm đều ân cần hỏi han. Anh ta lại có khả năng kết nối khách hàng, rất nhiều người giờ không còn hợp tác nhưng vẫn thường xuyên nhắc với chúng tôi về anh ấy. Lãnh đạo mới cũng là người dễ gần, thường dẫn chúng tôi ra ngoài ăn chơi giải trí sau giờ làm. Trước kia, chúng tôi luôn nghĩ, vì năng lực kém nên anh ấy mới nịnh nọt nhân viên làm việc cho mình, giờ nghĩ lại đúng là bản thân đã quá nông cạn.
Bởi vậy nhiều người trong chúng ta thoạt nhìn có vẻ rất năng lực, ngày ngày tăng ca, làm việc mệt bã cả người, nhưng tư duy lại dậm chân tại chỗ, lúc nào cũng oán trách, tự coi mình là trung tâm vũ trụ. Họ nỗ lực nhưng đi kèm bực dọc và tự kiêu, không bao giờ nhìn thấy ưu điểm của người khác, lại càng không thể lấy ngắn nuôi dài.