THÀNH CEO RỒI
Gần đây tôi nhận được bốn, năm bức thư cảm ơn từ các bạn được tôi giới thiệu một trang web học tiếng Anh. Nhờ đó, trình độ của họ nhanh chóng được cải thiện, có thêm nhiều cơ hội trong công việc.
Tôi đã học trên web đó một năm, cảm thấy cách học đơn giản mà hiệu quả, chi phí lại ít, nên đã giới thiệu cho mọi người trên Weibo. Nhưng mỗi lần như thế, luôn có người nói tôi đang "quảng cáo" hoặc bóng gió: "Thiếu tiền đến thế cơ?" , "Họ trả bạn bao nhiêu tiền?" , "Trang web này cũng thu tiền sao?"
Những câu nói tưởng chừng như vô thưởng vô phạt ấy lại khiến tôi sốc vô cùng. Đây không phải minh chứng rõ ràng cho việc phương thức tư duy khác nhau mang lại kết quả khác nhau sao? Trong khi đó lại có những người ghi chép hết các tài liệu học tập rồi tự mình nghiên cứu cái nào phù hợp thì lặng lẽ kiên trì theo đuổi, sau vài tháng bản thân có sự tiến bộ rõ rệt. Tôi có biết một nữ sinh, mỗi buổi học 25 phút đều ghi chép tỉ mỉ, hôm nay thầy giáo nói gì, mình đã nói sai chỗ nào, sửa ra sao... Mỗi lần học xong
đều gửi lên Weibo và tag tôi vào để tôi nhìn thấy sự tiến bộ của cô ấy. Tuy ít khi trả lời, nhưng tôi rất cảm động trước sự chăm chỉ của cô ấy. Những người như vậy, muốn học không tốt cũng khó.
Có người hỏi tôi: "Chị thường nói phải tự đầu tư cho chính mình, tham gia các buổi đào tạo, chị tìm những lớp ấy ở đâu?"
Tôi liệt kê vài địa chỉ tôi biết, mấy ngày sau có người hỏi lại tôi: "Những chỗ chị nói đều thu ohus mà tôi lại nghèo, không có chỗ nào miễn phí à?" Cũng có người đến đăng ký học được mấy buổi liền nói với tôi: "Chị giới thiệu kiểu gì thế? Dịch vụ chăm sóc khách hàng không kiên nhẫn chút nào, hết giờ là tan ca, vấn đề của tôi còn chưa xử lý xong mà không tăng ca à?"
Luôn có một số người:
Không bao giờ tận dụng cơ hội học tập, mở mồm ra là đòi miễn phí.
Tư tưởng bảo thủ, thấy điều gì mới lạ đều nghĩ đang lừa tiền.
Chỉ cần miễn phí là bất chấp, mặc định dịch vụ miễn phư như dịch vụ trả tiền, dùng dịch vụ trả tiền như mình là khách siêu VIP.
Nộp tý tiền thì coi mình là thượng đế, có thể khiến cả thế giới vây quanh.
Nếu bạn cứ cố chấp như vậy trong công việc, có lẽ đã sớm trở thành CEO rồi.
Hồi còn đi học có những người rất nỗ lực, ngày nào cũng học đến tối tăm mặt mũi, nhưng thành tích vẫn chẳng đâu vào đâu. Lại có người chấp bạn làm mười bài mình mới làm một bài, ngày ngày chơi bóng rổ nhưng thi vẫn đứng thứ nhất. Trước kia tôi cứ cho rằng những người như vậy thông minh sẵn có, sau mới hiểu họ là người biết cách tư duy, mà tư duy thì không thể chỉ thức thâu đêm suốt sáng là có được. Cùng học một thầy, cùng ngồi một lớp nhưng cách tư duy khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác biệt rõ rệt.
Tại sao trong xã hội luôn có một số người nổi bật, còn những người khác lại rất bình thường? Lẽ nào vì họ chưa đủ nỗ lực?
Theo quan điểm của tôi, tư duy, nhận thức và tầm nhìn sẽ quyết định hướng đi của mỗi người trong xã hội. Chúng ta nỗ lực đi làm kiếm tiền, không chỉ vì muốn trở thành người giàu có, mua được nhà, được xe, ăn uống vui chơi thoải mái ; quan trọng hơn chúng ta có thể mở rộng tầm mắt và nhận thức của bản thân. Con người biết cố gắng là bởi trong lòng họ có ham muốn lớn lao về những điều tốt đẹp. Một người có nhận thức mới biết cách tư duy, có khát vọng mới cam tâm tình nguyện phấn đấu nỗ lực.
Bề ngoài có vẻ bạn đang rất cố gắng, nhưng thực tế nhận thức và tầm nhìn của bạn chỉ là vùng trời nhỏ bé trên đầu bạn, người khiến bạn cảm động là chính bản thân bạn. Bạn cố gắng tìm kiếm lối đi tắt giúp mình nhanh chóng thành công, bạn muốn vất vả một lần rồi cả đời nhàn nhã, nhưng bạn chẳng bao giờ chuyên tâm làm việc gì được một tiếng đồng hồ. Ngày nào bạn cũng gào thét phải nỗ lực, nhưng mới chỉ làm một chút bạn đã lo mình không làm nổi, vậy mà bạn luôn coi thường sự nỗ lực của người khác. Bạn thấy người khác thành công, bạn nghĩ người ta có xuất thân đặc biệt hoặc cha nuôi bí mật nào đó... nói chung là không phải dựa vào sức mình. Ngày nào bạn cũng nỗ lực, nhưng không chịu dừng lại để quan sát và tìm hiểu phương pháp của người khác.
Tôi từng đọc nhận xét của một cô giáo như sau: "Nhìn thấy được thì gọi là khoảng cách, nhìn không thấy càng gọi là khoảng cách; ý thức được thì là khoảng cách, ý thức không được cũng là khoảng cách. Những thứ không nhìn thấy, không ý thức được chính là sự khác biệt trong tư duy."